Góp ý kiến vào dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (Sửa đổi)

14:20, 21/11/2017

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, đồng chí Hoàng văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thái Nguyên đã có ý kiến phát biểu về dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Thái Nguyên Điện tử xin lược ghi bài phát biểu này.

Qua nghiên cứu Dự thảo Luật tôi tham gia một số ý kiến sau:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh: Đối tượng áp dụng được quy định tai Điều 1 và điều 2;

Về phạm vi điều chỉnh: Đối tượng áp dụng về cơ bản Dự thảo Luật không có sự thay đổi mà như các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành. Tuy nhiên tờ trình Dự án Luật của Chính phủ đề nghị mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh, áp dụng các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đối với khu vực ngoài nhà nước, đồng thời qua nghiên cứu trong dự thảo Luật có nhiều nội dung đã được quy định cụ thể liên quan đến các loại hình như: công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư, các tổ chức xã hội. Tuy nhiên về đối tượng và phạm vi điều chỉnh (Điều 1; Điều 2) chưa được thể hiện quy định tương ứng, do đó tôi đề nghị ban soạn thảo cần bổ sung để thống nhất đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật đối với khu vực ngoài nhà nước mà dự thảo đã quy định.

Thứ hai, về nội dung công khai, minh bạch (Điều 13)

- Tại khoản 1, Điều 13 Dự thảo luật quy định nội dung công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị là “Chính sách pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật”. Việc công khai về chính sách pháp luật thuộc thẩm quyền của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chứ không thuộc trách nhiệm của cơ quan tổ chức đơn vị nói chung.

- Tại khoản 2, Điều 13 Dự thảo Luật, đề nghị giữ nguyên thuật ngữ “Công khai hoạt động” như Luật hiện hành Có nghĩa là phạm vi công khai phải cả quá trình tổ chức, trình tự, thủ tục, các bước tiến hành... chứ không chỉ là kết quả. Viêc quy định công khai, minh bạch ghi “kết quả hoạt động” như Dự thảo luật sửa đổi là giới hạn trách nhiệm công khai việc tổ chức thực hiện các hoạt động là không phù hợp.

Thứ ba, về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 39)

Điều 39 có hai phương án: phương án 1 gồm 7 khoản; phương án 2 gồm 5 khoản Và được chia 2 cơ quan thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập; đối với những người có nghĩa vụ kê khai  thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và người có nghĩa vụ kê khai khác trong các cơ quan ,tổ chức, đơn vị của đảng được thực hiện theo quy định của Đảng (Quy định Khoản 1) Đối tượng còn lại được quy định từ khoản 2 đến khoản 7 đối với phương án 1 và từ khoản 2 đến khoản 5 Đối với phương án 2; Qua nghiên cứu dự thảo Luật cá nhân tôi không nhất trí về cách phân loại của hai phương án; cơ quan của Đảng và cơ quan nhà nước về kiểm soát tài sản, thu nhập bởi lẽ: đều là cán bộ công chức, viên chức, đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật PCTN có nghĩa vụ và quyền lợi như nhau, bình đẳng trước pháp luật... thì không thể có đối tượng thì thực hiện theo quy định của Đảng, có đối tượng lại thực hiện theo Luật PCTN như vậy chính ngay trong quy định của Luật đã cho thấy chưa khách quan, chưa công bằng, chưa  minh bạch... Vì trên thực tế, mỗi cán bộ, công chức, viên chức đều có nơi sinh hoạt tại cơ quan, đơn vị của mình thì việc quản lý kê khai tài sản, thu nhập thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý trực tiếp và chịu sự quản lý của nhà nước trong việc kê khai, theo dõi biến động, xác minh tài sản thu nhập. Đồng thời hàng năm, Chính phủ có trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng.... Do vậy việc kiểm soát tài sản, thu nhập không thể phân loại cơ quan của Đảng và cơ quan nhà nước như dự thảo mà thực hiện theo quy định hiện hành, để đảm bảo tính thống nhất và xác định trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác PCTN.

Về đối tượng kê khai: Trước mắt để bảo đảm kiểm soát có hiệu quả tránh hình thức như thời gian qua cần xem xét cân nhắc thu hẹp ở mức độ hợp lý các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở địa phương và Trung ương, Đồng thời, để theo dõi được diễn biến thu nhập tài sản hàng năm trên cơ sở tự giác kê khai của đối tượng, tôi đề nghị, Luật cần có quy định cụ thể việc xác minh tài sản lần đầu của tất cả các đối tượng này để có cơ sở dữ liệu theo dõi biến động tài sản hàng năm có thể sẽ tốn kém về thời gian, nhân lực thực hiện song đó chính là bước khởi đầu thực chất hơn, hiệu quả hơn trong Quản lý tài sản, thu nhập... Tiến tới khi kiểm soát có hiệu quả trên thực tiễn sẽ dần mở rộng đối tượng tiến tới tất cả cán bộ, công chức, viên chức, Đảng viên đều phải kê khai tài sản theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 khoá X. Về công khai, tôi đề nghị cần được công khai ở cơ quan đơn vị công tác và nơi cư trú để nhân dân giám sát.

Thứ tư, về Điều 71 Thẩm quyền thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và khoản 3, Điều 73 về chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra tại Dự thảo Luật (sửa đổi).

Khoản 3 Điều 71 quy định: “Thanh tra tỉnh thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng của người đang công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, cấp xã”.

Khoản 3 Điều 73 quy định: “Trường hợp phát hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng thì người ra quyết định thanh tra từ cấp tỉnh trở lên… khi có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra…”.

Như vậy, Dự thảo Luật lần này giao thẩm quyền thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng cho thanh tra cấp tỉnh mà không quy định thẩm quyền cho thanh tra cấp huyện. Quy định này là không phù hợp với Điều 27, khoản 4, Luật Thanh tra về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra huyện: Đó là “Giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng”.

Việc tập trung hết thẩm quyền thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng tại cấp tỉnh, huyện, xã cho Thanh tra tỉnh như Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là không phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra huyện, làm phức tạp về thủ tục và kéo dài thời gian, và không phù với việc điều hành của chính quyền địa phương trong công tác phòng chống tham nhũng .
Vì vậy, để tăng hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng trong thực tiễn,  tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi quy định tại Điều 71 và khoản 3 Điều 73 Dự thảo Luật theo hướng: Giao thẩm quyền cho Thanh tra huyện thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng của người đang công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp huyện, xã.

Đối với Điều 73 khoản 4 , tôi đề nghị bỏ quy định tại khoản này việc quy định: Trường hợp“không đủ điều kiện xác minh, làm rõ, kết luận thì người ra quyết định thanh tra, kiểm toán phải chủ động phối hợp và chuyển tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý…”. Như vậy, thế nào được hiểu là “không đủ điều kiện xác minh, làm rõ, kết luận”? Việc Quy định như dự thảo là không rõ ràng, dễ dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan xác minh, điều tra. Việc xác minh, làm rõ, đánh giá tính chất, mức độ của hành vi có dấu hiệu tham nhũng là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được nhà nước giao thẩm quyền thanh tra, kiểm toán. Còn khi xác định có dấu hiệu của tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật như đã quy định tại khoản 3 Điều này.

Dự thảo Luật phòng, chống tham những (sửa đổi) được nhân dân và cử tri đặc biệt quan tâm và kỳ vọng về công tác phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay, đồng thời có nhiều nội dung mới, mở rộng, chưa được đánh giá tác động, do đó còn có nhiều quy định bất cập, chưa phù hợp cần có thời gian nghiên cứu, chỉnh lý để tính khả thi cao trong thực tiễn của đời sống xã hội. Do đó tôi đề nghị thông qua Dự án luật theo quy trình tại 3 kỳ họp để Ban soạn thảo, các đại biểu Quốc hội, cũng như cử tri có thời gian nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, tham gia ý kiến để tạo hành lang pháp lý nâng cao hiểu quả, hiệu lực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ./.