Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith (Bun-nhăng Vo-la-chít) sẽ thăm hữu nghị chính thức nước Việt Nam từ ngày 19-21/12/2017.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith thăm hữu nghị chính thức Việt Nam lần thứ 2 từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 nhằm tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của Lào là đặc biệt coi trọng việc gìn giữ và thúc đẩy quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.
* Quan hệ chính trị ngày càng gắn bó, tin cậy
Trong lịch sử quan hệ quốc tế, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào là một điển hình, một tấm gương mẫu mực, hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội.
Quan hệ Việt Nam-Lào không ngừng được củng cố, phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên đã phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện có hiệu quả các tuyên bố chung Việt Nam-Lào, thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; các hiệp định, nội dung tại Kỳ họp lần thứ 39 Ủy ban liên Chính phủ và các chương trình, kế hoạch hợp tác giữa hai bên.
Quan hệ chính trị được thúc đẩy mạnh mẽ, ngày càng gắn bó, tin cậy. Hai bên đã phối hợp tổ chức các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao và các cấp của hai Đảng, hai nước; tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hai Đảng, hai nước. Hai bên tăng cường trao đổi kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, quản lý kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; phối hợp tổ chức tốt các lớp nghiên cứu, trao đổi chuyên đề và mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ quản lý, nghiệp vụ các cấp của Lào. Hai bên tổ chức thành công cuộc hội thảo về lý luận lần thứ 5 giữa hai Đảng về phát triển nhanh và bền vững; chia sẻ kinh nghiệm về xử lý nợ công, kinh nghiệm thực hiện chức năng quyết định và giám sát về đất đai của Hội đồng Nhân dân, vai trò của nữ đại biểu trong hoạt động Quốc hội; về 55 năm quan hệ Việt Nam-Lào và các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề khác.
Hai bên phối hợp tuyên truyền sâu rộng về lịch sử, truyền thống quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào và những thành tựu đổi mới của mỗi nước, tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về quan hệ Việt Nam-Lào; tổ chức kỷ niệm các ngày lễ quan trọng của hai 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.
Với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Quốc hội Việt Nam, Công trình Nhà Quốc hội Lào đã được khởi công xây dựng và sẽ là nơi lưu dấu tình hữu nghị, quan hệ mật thiết, gắn bó giữa các đại biểu Quốc hội và nhân dân hai nước.
Bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập bằng tiếng Lào được đã xuất bản, góp phần để nhân dân các dân tộc Lào hiểu biết nhiều hơn về vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào anh em cũng luôn tôn kính.
Hợp tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại ngày càng chặt chẽ, đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả tích cực. Hai bên phối hợp chặt chẽ giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở mỗi nước; phối hợp thực hiện tốt Nghị định thư về quốc phòng và an ninh; hợp tác xây dựng tuyến biên giới Việt Nam-Lào ổn định và phát triển bền vững. Hai bên đã hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào (đã tôn tạo, cắm mới 905 vị trí, tương đương 1.002 cột mốc và cọc dấu, trong đó cắm bổ sung 168 cọc dấu); hoàn thành các thủ tục pháp lý về Nghị định thư về đường biên giới trên đất liền giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào. Hai bên đã gia hạn tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện Thỏa thuận cấp Chính phủ về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn ngoài giá thú trong khu vực biên giới hai nước; phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn và phòng chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, nhất là tội phạm buôn lậu ma túy xuyên biên giới; tiếp tục tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào.
Hai bên đã phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế tham vấn cấp Trưởng ban Đối ngoại Trung ương và Bộ trưởng Ngoại giao; thường xuyên chia sẻ thông tin về các vấn đề quốc tế, khu vực; phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác đa phương.
* Thúc đẩy hợp tác sâu rộng và hiệu quả
Trong những năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai bên được quan tâm thúc đẩy. Hai bên đã chủ động, tích cực triển khai các Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ và những Thỏa thuận tại Kỳ họp lần thứ 39 Ủy ban liên Chính phủ hai nước; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, trao đổi tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy hợp tác sâu rộng và hiệu quả.
Hai bên đã ký Hiệp định thương mại song phương mới, Hiệp định thương mại biên giới, triển khai cơ chế “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo-Densavanh (Đen-sa-vẳn). Kim ngạch thương mại hai chiều đến hết tháng 10/2017 đạt 720,4 triệu USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Trong đó, Việt Nam xuất sang Lào đạt 426, 2 triệu USD, tăng 12,4%, Lào xuất khẩu sang Việt Nam 294,2 triệu USD, tăng 3,8%.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay có hơn 409 dự án của các doanh nghiệp Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào Lào với tổng vốn 3,6 tỷ USD, trong đó đã thực hiện được 1,5 tỷ USD, phủ kín 17/18 tỉnh, thành phố của Lào. Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trực tiếp 100% có 287 dự án, trị giá 3 tỷ USD, liên doanh có 122 dự án, trị giá 622 triệu USD; trong 10 tháng đầu năm 2017 có 2 dự án mới được cấp phép với tổng vốn đăng ký là 12,816 triệu USD. Nhiều dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào đã phát huy hiệu quả, sản xuất kinh doanh có lãi, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của hai nước, tạo công ăn việc làm và làm tốt công tác an sinh xã hội tại Lào. Hai bên đã ký Thỏa thuận hợp tác phát triển các dự án thủy điện tại Lào và mua bán điện giữa hai nước đến năm 2030.
Bộ Giao thông Vận tải hai nước đã ký Thỏa thuận về đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội-Viêng Chăn và Thỏa thuận về Kế hoạch 5 năm (2016-2020) thực hiện Bản ghi nhớ về chiến lược hợp tác giao thông vận tải Việt Nam-Lào; tiến hành nghiên cứu khả thi một số dự án kết nối giao thông như tuyến đường sắt Viêng Chăn - Thakhec (Thà -Khẹc) - Mụ Giạ - Tân Ấp - Vũng Áng; thúc đẩy các thủ tục cần thiết để mở tuyến vận tải hành khách từ Hà Tĩnh đi Khammouane (Khăm-muộn), Lào đến Nakhon Phanom (Na-khon Pha-nôm), Thái Lan và ngược lại để phát triển du lịch... Hai Bộ Giao thông đã ký biên bản ghi nhớ về phát triển cảng Vũng Áng.
Hai bên đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh phong trào học tiếng Việt tại các trường học và các cơ quan của Lào. Năm 2017, Việt Nam dành 1.246 học bổng cho lưu học sinh Lào đi học đại học và bồi dưỡng ngắn hạn tại Việt Nam. Đến nay, số lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam là 14.209 người, lưu học sinh Việt Nam đang học tại Lào là 290 người.
Hợp tác trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, xã hội, nông nghiệp, thông tin truyền thông, lao động, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch, bảo tàng… được hai bên quan tâm thực hiện. Quan hệ hợp tác giữa các bộ, ban, ngành, ủy ban của Quốc hội, mặt trận, đoàn thể, các địa phương tiếp tục được đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả, thiết thực. Quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới, tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu vực biên giới hai nước.
Chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào nhằm tăng cường sự gắn bó, tin cậy chính trị giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước. Về phía Việt Nam, tiếp tục khẳng định tình đoàn kết gắn bó, tin cậy, thủy chung, trong sáng trước sau như một của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào; khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ, toàn diện của Việt Nam đối với công cuộc đổi mới, bảo vệ và xây dựng đất nước Lào, góp phần hỗ trợ bạn thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ VIII./.