Chợ, phố sá sầm uất, đông vui, Khu đô thị kiểu mẫu số 1 đang dần hình thành, tạo không gian sống, vui chơi giải trí hài hòa với thiên nhiên, văn minh, hiện đại - xã Hùng Sơn (Đại Từ) năm xưa nay đã trở thành thị trấn với những bước tiến vượt bậc, trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của huyện Đại Từ.
Người dân thị trấn Hùng Sơn luôn tự hào với những thành quả đạt được trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, nhưng niềm vinh dự tự hào lớn lao hơn cả là nơi đây đã hai lần được đón Bác Hồ về thăm. Đó là nguồn động viên tinh thần quý giá, tạo sức mạnh vô hình,giúp người dân Hùng Sơn nói riêng và người dân huyện Đại Từ nói chung có thêm động lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực vươn lên xóa đói giảm giảm nghèo, làm giàu chính đáng, tích cực đóng góp công sức, tiền của cùng Nhà nước xây dựng các công trình phúc lợi, xây dựng nông thôn mới. Hùng sơn trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đại Từ đạt chuẩn nông thôn mới.
Một ngày cuối năm, chúng tôi trở lại Hùng Sơn, bên ấm trà nóng hổi, chúng tôi được các bậc tiền bối kể cho nghe về những kỷ niệm, trong đó không thể không nhắc lới một kỷ niệm sâu sắc in đậm trong trái tim mỗi người dân nơi đây. Đó là ngày 14-9-1954, khi người dân đang gặt lúa trên cánh đồng thuộc xóm Đồng Cả, một số chị em bỗng nhìn thấy Bác Hồ đang đi tới gần. Bác đội mũ cát trắng, mặc quần áo nâu giản dị, chỉ có ít người đi theo Bác. Chị em sau phút ngỡ ngàng, rít rít chào và chạy ùa đến bên Bác. Bác ngồi ngay bên bờ ruộng thân mật hỏi thăm các bà, các chị về chuyện gặt hái, mùa màng. Bác khen ngợi bà con biết tranh thủ tăng vụ, để được thêm thóc, vừa làm no nhà, vừa lợi cho đất nước. Bác khuyên bà con tiếp tục đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất và cuộc sống hằng ngày. Sau đó Bác vào thăm gia đình bà Nguyễn Thị Luân, có chồng là bộ đội. Bà Luân rất xúc động và phấn khởi vì thấy nhà mình tuy nghèo mà Bác vẫn vào thăm.
Lần thứ hai Bác Hồ đến xã Hùng Sơn là ngày 2-3-1958. Thời gian đó Hơp tác xã Cầu Thành và Sơn Tập đang gặp khó khăn. Tại nhà ông Trịnh Văn Thịnh, xóm Cầu Thành, Bác đứng trên một tảng đá được kê làm bậc lên xuống trước hiên nhà, giữa hơn 200 người, trong đó có các xã viên. Sau khi nghe bà con báo cáo tình hình sản xuất và hoạt động của Hợp tác xã (HTX), Bác đã nói: “... Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Vừa qua, HTX có khó khăn nhưng phải tìm ra cách khắc phục. Trước hết, phải đoàn kết chung sức, chung lòng cùng nhau giải quyết. Một chiếc đũa thì bẻ gãy được, nhưng một bó đữa thì không bẻ nổi. Hòn đá to nơi Bác đứng nói chuyện đây, một người thì không bê nổi, muốn chuyển nó đi, nhiều người phải hợp sức lại mới chuyển được. Xây dựng hợp tác xã cũng vậy, phải thống nhất giữa Ban quan lý và xã viên. Muốn hái quả cau thì đợi cau lớn, phải có thời gian nhất định. Xây dựng HTX cũng vậy, phải có quá trình chuẩn bị, phải có kinh nghiệm đã, không nên nôn nóng. Trẻ lên ba thì mới biết đi, năm bảy tuổi mới biết chạy nhảy. HTX cũng vậy, phải biết đi từ thấp lên cao. Bác rất mong các cô, chú củng cố tốt tổ đổi công, xây dựng HTX cho tốt. Các cô, các chú làm tốt, Bác lại về thăm...”.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, lãnh đạo và nhân dân Hùng Sơn đã tổ chức kiểm điểm những việc đã làm được, chưa làm đuộc để tự rút ra bài học kinh nghiệm. Sau đó, cán bộ chủ chốt của xã và Ban quản trị HTX đã được dự lớp bồi dưỡng của tỉnh về phương pháp tập hợp quần chúng hình thành HTX; phương pháp quản lý nhân lực, điều hành lao động và phân phối sản phẩm... Nhờ đó, tình hình tập thể hóa nông nghiệp có tiến triển tốt. Cuối năm 1958, Hùng Sơn có thêm 9 HTX, chiếm 67% số hộ nông dân; đến năm 1960, toàn xã có 15 HTX, chiếm 73% số hộ nông dân, tất cả đảng viên đều vào con đường làm ăn tập thể. Các xã viên đều tích cực lao động cũng như đóng góp công sức, tiền của xây dựng quê hương, đất nước.
Phát huy truyền thống cách mạng, niềm vinh dự tự hào hai lần được đón Bác về thăm, ngày nay, người dân Hùng Sơn vẫn luôn đoàn kết, đi đầu trong nhiều phong trào, tích cực đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó năng suất lúa, chè ngày càng nâng cao (năng suất lúa đạt từ 55,5-58,5tạ/ha; sản lượng chè búp tươi đạt 2.600tấn/243 chè thâm canh...). Tổng thu ngân sách năm 2017 của thị trấn đạt hơn 22,8 tỷ đồng, bằng 374% kế hoạch. Số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa là 3.634hộ, đạt 89% tổng số hộ trên địa bàn. Thị trấn chỉ còn 252 hộ nghèo...