Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân; trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, tích cực triển khai và kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, năm 2017 tỉnh Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Những năm gần đây, Thái Nguyên luôn đứng trong tốp những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đứng đầu cả nước. Bình quân mỗi năm, giá trị tuyệt đối tăng thêm 8,2 nghìn tỷ đồng, giá trị tuyệt đối 1% tăng trưởng của năm sau cao hơn năm trước. Theo giá so sánh, năm 2016 tăng trưởng 1% giá trị tuyệt đối tăng thêm là 496 tỷ đồng, năm 2017 tăng trưởng 1% thì giá trị tuyệt đối tăng thêm là 568 tỷ đồng, năm 2018 để tăng trưởng 1% thì giá trị tuyệt đối tăng thêm khoảng 700 tỷ đồng.
Cùng với tốc độ tăng trưởng cao thì quy mô kinh tế trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn do có sự đóng góp vượt bậc của nhóm ngành công nghiệp. Do đó, trong những năm gần đây cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Nếu như giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh Thái Nguyên năm 2016 chiếm 7,8% thì năm 2017 với con số ước đạt trên 570 nghìn tỷ đồng (đứng thứ 7 cả nước) đã tăng lên chiếm khoảng 8,6% giá trị sản xuất công nghiệp chung của cả nước. Trong đó khu vực FDI ước đạt trên 530 nghìn tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực FDI chiếm tỷ trọng rất cao, trên 92%. Đây là kết quả của việc tích cực thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp FDI, đóng góp quan trọng cho sự phát triển ngành công nghiệp của tỉnh.
Cùng với sự tăng trưởng của sản xuất công nghiệp, Giá trị xuất khẩu của tỉnh ước đạt 23 tỷ USD, chiếm khoảng 11,3% giá trị xuất khẩu của cả nước (năm 2016 là 10,8%), đứng thứ 4 cả nước, tăng trưởng cả về giá trị và chất lượng.
Thu ngân sách ước cả năm khoảng 12.000 tỷ đồng, tính đến hết tháng 11/2017 đạt 10.915 tỷ đồng, bằng 121% dự toán cả năm, trong đó thu nội địa đạt 8.516 tỷ đồng, bằng 126% dự toán, thu xuất nhập khẩu đạt 2.398 tỷ đồng, bằng 107% dự toán. Theo số liệu so sánh tháng 11, tỉnh Thái Nguyên đang đứng thứ 18 cả nước về thu nội địa, đứng thứ 16 về số thu ngân sách.
Các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh đang phục hồi, phát triển. Toàn tỉnh đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tăng cường hợp tác, liên kết, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu.
Các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh đã và đang được tích cực triển khai; các cấp, các ngành đang tập trung cao độ, quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án theo quy định.
Trong hoạt động quản lý tài chính - ngân sách: Đã tập trung chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu - chi ngân sách; bảo đảm hiệu quả chi tiêu công, tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước để giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển và tích cực trả nợ xây dựng cơ bản; quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách. Tăng cường quản lý tài sản công, và các nguồn thu từ hoạt động quản lý tài nguyên, khoáng sản, nâng cao giá trị tài nguyên đất. Tăng cường kiểm tra, thanh tra các dự án, cá dự án dùng ngân sách và dự án ngoài ngân sách. Xử lý thu hồi nợ đọng và tăng cường quản lý nhà nước theo hướng tăng hiệu lực, hiệu quả. Trong chi ngân sách, tỉnh đã cân đối, bố trí vốn bảo đảm an sinh xã hội, đầu tư cho y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, hạ tầng giao thông, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Về an sinh xã hội, năm 2017 đánh dấu những kết quả khá nổi bật trong việc hoàn thành các mục tiêu lớn như: xóa phòng học tạm, cơ bản xóa các “xóm trắng” về điện; có thêm 12 xã đạt chuẩn NTM, đưa tổng số xã NTM toàn tỉnh đạt 68 xã.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được tăng cường với chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được tăng cường thanh tra, kiểm tra. Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm mới, đền ơn đáp nghĩa được quan tâm thực hiện tốt. Công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh được quan tâm, an ninh quốc phòng được giữ vững, trật tự xã hội đảm bảo, xã hội ổn định, đời sống nhân dân được nâng cao ở đô thị và vùng núi, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, UBND tỉnh thẳng thắn nhìn nhận còn những hạn chế, tồn tại, thậm chí cả yếu kém như: Các chương trình, dự án, đề án lớn, trọng tâm của tỉnh đã được triển khai nhưng còn gặp khó khăn về nguồn vốn triển khai thực hiện, thủ tục hành chính còn vướng mắc, chậm thời gian; hạ tầng cơ sở còn bộc lộ yếu kém, chưa đồng đều giữa các vùng, kinh tế phát triển có mặt chưa bền vững; quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực chưa hiệu lực, hiệu quả. Cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; các yêu cầu về an sinh xã hội như nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, nhu cầu đầu tư cho y tế giáo dục rất lớn, song nguồn vốn để đầu tư còn khó khăn. Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lớn kéo dài trên diện rộng gây lũ lụt, ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp, xây dựng cơ bản...
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và năm 2018, tiếp thu các ý kiến thảo luận và đề nghị của đại biểu HĐND tỉnh, MTTQ và các đoàn thể nhân dân, quán triệt chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại phiên khai mạc Kỳ họp, UBND tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm, cụ thể như sau:
Trong tháng 12-2017, tháng 1-2018, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung nhiệm vụ phát triển kinh tế, thu, chi ngân sách; tích cực đi sâu sát cơ sở, quan tâm đến đời sống nhân dân. Hạn chế hội họp; không tổ chức hội nghị tổng kết kéo dài nhằm tiết kiệm chi phí; phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đã đề ra.
- Thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; các Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII. Trong đó tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả việc tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Đề cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu ngành, địa phương; xây dựng, tham mưu xây dựng lộ trình cụ thể, thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn và chặt chẽ về quy trình, thủ tục, tạo sự đồng thuận cao, ổn định để phát triển. Quán triệt quan điểm: Những việc đã rõ, cần thực hiện thì thực hiện ngay; những việc mới, chưa được quy định, hoặc những việc đã có quy định nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; những việc chưa rõ, phức tạp, nhạy cảm, còn có ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để có chủ trương, giải pháp phù hợp, qua đó thực hiện thắng lợi các Nghị quyết đã đề ra.
- Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện trong công tác, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan chính quyền các cấp. Xây dựng nền hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp; quyết liệt, sáng tạo, có những mô hình mới, cách làm hay về phát triển kinh tế - xã hội, tránh tư tưởng dễ làm, khó bỏ, né tránh, không đề cao tinh thần trách nhiệm, ỷ lại, trông chờ, thiếu sáng tạo và chậm đổi mới....
Tổ chức giao và thực hiện nghiêm kế hoạch đầu tư trung hạn, kịp thời khắc phục hạn chế chậm trễ trong công tác phân bổ, giao vốn và giải ngân có hiệu quả vốn đầu tư công năm 2018.
Thực hiện nghiêm và hiệu quả cơ chế huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đặc biệt là cơ chế đối tác công tư - PPP, các chính sách xã hội hóa, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư, tạo điều kiện giúp đỡ các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
- Tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội. Xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng trong thực thi nhiệm vụ công vụ; giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng và các vụ việc phát sinh mới, công khai kết quả xử lý.
- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện.
- Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.
Tăng cường quản lý nhà nước về ngân sách nhà nước, đẩy mạnh thu ngân sách, siết chặt kỷ luật tài chính, triệt để tiết kiệm chi, tăng chi đầu tư phát triển, chủ động cân đối nguồn lực từ ngân sách, không bị động và dự báo rủi ro khi quyết định đầu tư. Nỗ lực huy động xã hội hóa với những lĩnh vực, những việc có điều kiện và cần làm ngay, ưu tiên chi đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội. Phát huy tính năng động, sáng tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới; kịp thời chấn chỉnh lề lối làm việc, tác phong, thái độ thực thi công vụ của cán bộ, công chức khi tiếp xúc với các tổ chức và cá nhân.
- Bên cạnh việc đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm, xuyên nhiệm kỳ, cần quan tâm đầu tư các dự án đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội, hạ tầng cơ sở; lựa chọn những nhà đầu tư đủ năng lực, quan tâm đến bảo vệ môi trường, tập trung thu hút đầu tư những dự án tạo động lực, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển ổn định của tỉnh.
- Các cấp, ngành thống nhất nhận thức, đẩy mạnh phong trào thi đua, nêu gương người tốt, việc tốt. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thông tin truyền thông, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, cung cấp thông tin chính xác, thông suốt, kịp thời tạo sự đồng thuận trong xã hội. Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, thông tin đối ngoại, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, đảm bảo các hoạt động tín ngưỡng, dân tộc, tôn giáo được diễn ra đúng pháp luật, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần của nhân dân.
- Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền trong đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội, an toàn giao thông, phòng chống tội phạm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí.
(Lược ghi phát biểu của đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại Kỳ họp)