Tổng kết công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo và phân giới cắm mốc

17:15, 26/12/2017

Chiều 26-12, tại Hội trường Thành ủy T.P Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo và phân giới cắm mốc năm 2017; triển khai nhiệm vụ 2018. Đại diện thường trực cấp ủy, ban tuyên giáo, lãnh đạo UBND, sở thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố trong cả nước; lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tham dự. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại dự và chỉ đạo Hội nghị.

Năm 2017, công tác thông tin đối ngoại đã được các cấp, các ngành triển khai tích cực và toàn diện với nhiều hình thức đa dạng, nội dung ngày một phong phú. Công tác thông tin đối ngoại được thực hiện đồng bộ: Đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân; giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng. Công tác tuyên truyền về các sự kiện nổi bật trong nước, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đặc biệt là các hoạt động năm APEC Việt Nam 2017, ngày kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước, các tổ chức ở khu vực và thế giới, các vấn đề quốc tế quan trọng được tiến hành thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc Việt Nam lần thứ hai đảm nhiệm vai trò chủ nhà của Hội nghị cấp cao các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương là minh chứng sinh động cho sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế cũng như nỗ lực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam. Công tác tuyên truyền quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tiếp tục được chú trọng. Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2016 được tổ chức thành công với 893 tác phẩm thể hiện bằng 17 ngôn ngữ. Hoạt động đối ngoại của các bộ, ban, ngành, đoàn thể nhân dân tiếp tục được triển khai hiệu quả. Cuộc thi tìm hiểu Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong cả nước tham gia.

Công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, phân giới cắm mốc tiếp tục được chú trọng, bám sát vào đối tượng cụ thể, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, nhất là ở vùng biên giới, hải đảo nâng cao tinh thần cảnh giác, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; đã làm tốt việc chỉ đạo, hướng dẫn; phối hợp giữa các lực lượng chủ động, bài bản hơn. Nội dung tuyên truyền phù hợp; hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, phát huy được thế mạnh của lực lượng tuyên truyền ở cơ sở, công tác tuyên truyền miệng và phương tiện truyền thông mới; góp phần đấu tranh hiệu quả đối với các quan điểm sai sự thật.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục chú trọng tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và phân giới cắm mốc; quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị về vấn đề này. Quan tâm, đầu tư làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo tình hình và công tác đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển đảo và phân giới cắm mốc. Trên cơ sở Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biển, đảo; căn cứ tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2018, công tác tuyên truyền biển, đảo ở các bộ, ngành địa phương, đơn vị cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, nhất là công tác phối hợp trong giải quyết các vấn đề phức tạp nảy sinh trên Biển Đông và quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với các nước có chung yêu sách trên Biển Đông.