Lần đầu tiên, một bản quy định cụ thể, chi tiết về tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã được Tổng Bí thư ký ban hành, đó là Quy định số 90-QĐ/TW. Quy định nêu rõ, cán bộ thuộc diện nói trên phải “tuyệt đối không tham vọng quyền lực”.
Theo “Từ điển tiếng Việt” năm 1997 thì quyền lực có nghĩa là: quyền định đoạt mọi công việc quan trọng về mặt chính trị và sức mạnh để đảm bảo việc thực hiện quyền ấy. Như vậy, quyền lực có cả mặt tích cực và tiêu cực. Còn tham vọng được định nghĩa là: lòng ham muốn, mong ước quá lớn, vượt quá xa khả năng thực tế có thể đạt được. Tham ở đây thể hiện động cơ cá nhân (tính tiêu cực). Vậy “tham vọng quyền lực” được hiểu là “tham nhũng chính trị” mà hậu quả rất nguy hiểm, sẽ gây ra lũng đoạn chính trị - mất Đảng, mất chế độ và mất nước vì mất lòng tin của dân. |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Phải nhốt quyền lực vào lồng cơ chế, luật pháp” để nhấn mạnh việc cấp thiết phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Bởi một khi cán bộ được đặt vào vị trí có nhiều quyền lực, bổng lộc, nếu không kiểm soát, kiểm tra, giám sát chặt chẽ sẽ dẫn tới tham ô, tham nhũng, ngạo mạn, tư lợi và dễ suy thoái, biến chất...
Quyền lực là con dao hai lưỡi, có thể phục vụ đất nước và cũng có thể làm hại đất nước, nếu rơi và tay những kẻ bất tài, tham lam. Việc kiểm soát phải gắn liền với cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát. Đồng thời phải thực hiện tốt công tác cán bộ vì cán bộ là người thực hiện các công việc cụ thể. Nếu cán bộ xấu, có tính tham lam, vụ lợi, vô kỷ luật thì thường tìm kẽ hở của luật pháp, của cơ chế để trục lợi, tham nhũng. Thực tế ở nước ta lâu nay quyền lực chưa được kiểm soát chặt chẽ. Không ít trường hợp lạm dụng quyền lực đã xảy ra ở một số cấp, ngành, lĩnh vực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” năm 1947 đã cảnh báo: “Trong Đảng ta còn có những người chưa được học, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư”, cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”. Bác chỉ rõ biểu hiện của những căn bệnh cụ thể là: tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương... Bác cũng phân tích rõ về bệnh tham lam: “Những người mắc bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc”, do đó mà chỉ “tự tư tự lợi”. Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm thợ đen, buôn lậu; không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình”...
Một số nhà khoa học cũng cho rằng quyền lực là loại “ma túy” gây nghiện, là “ma quỷ” xui khiến vì khi đã có quyền lực, nếu muốn có thể có gần như tất cả. Quyền lực hấp dẫn hơn các thứ hấp dẫn khác cộng lại, quyền lực làm tha hóa con người một cách nhanh nhất. Với người có tham vọng quyền lực, lúc nào cũng nghĩ về nó, họ không đi lên bằng tài đức, bằng uy tín của mình mà “luồn lách” dùng mọi thủ đoạn, hành vi gian dối vi phạm pháp luật và đạo đức, mất nhân cách để giành và giữ lấy nó. Có quyền lực rồi lại muốn có quyền lực lớn hơn...
Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”. Quyền lực Nhà nước là vấn đề xuyên suốt nhưng cũng rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: tham nhũng, lãng phí, lạm quyền, đặc biệt là núp bóng tập thể, nhân danh tập thể để vụ lợi, lạm quyền mà lại không phải chịu trách nhiệm. Thực tế quyền lực không của riêng cá nhân nào, như lời đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã nói: “Không để cán bộ sử dụng quyền lực như là tài sản riêng”.
Nhìn nhận một cách tổng thể, khách quan thì Đảng ta đã nhìn thấy vấn đề tham vọng quyền lực, lạm dụng quyền lực, cửa quyền và các vấn đề tiêu cực khác nảy sinh trong nội bộ Đảng nên ngay từ năm 1999 Đảng đã có Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII về chỉnh đốn Đảng. Trong đó, nhấn mạnh nhiệm vụ chủ yếu của các tổ chức đảng và đảng viên là chống tham nhũng, quan liêu, chủ nghĩa cá nhân. Qua nhiều kỳ đại hội, Ban Chấp hành Trung ương các khóa đã từng bước hoàn thiện các quy chế, quy định, nghị quyết, văn bản hướng dẫn thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng. Đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”. Trong đó, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu cụ thể 27 biểu hiện về diễn biến suy thoái, tha hóa trong đảng viên và các tổ chức đảng. Đồng thời nhấn mạnh những giải pháp về kiểm soát quyền lực cũng như việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng. Theo đó, các cấp ủy phải thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế cán bộ có sai phạm hoặc năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ. Nghị quyết cũng khẳng định, trước mắt sẽ rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Để thực hiện được mục tiêu chính, mục tiêu cốt lõi mà Đại hội Đảng lần thứ XII đã nêu ra là “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, gần đây, ngoài Quy định số 90-QĐ/TW còn có Quy định số 102-QĐ/TW. Nếu nội dung cơ bản của Quy định số 90-QĐ/TW là phân cấp cụ thể về quản lý cán bộ của Đảng, đặc biệt là vai trò của cấp ủy và người đứng đầu các cấp, thực chất là để kiểm soát quyền lực thì Quy định số 102-QĐ/TW nội dung chủ yếu là vấn đề xử lý kỷ luật đảng viên khi có vi phạm ở các mức độ khác nhau. Các quy định này tiếp nối, hoàn thiện về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Trước đó, Bộ Chính trị cũng ra Quyết định số 217-QĐ/TW và 218-QĐ/TW về quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Nhất là từ Đại hội XII đến nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp 20 kỳ để xem xét kỷ luật đảng viên và các cấp ủy mắc sai phạm, công khai các mức hình thức kỷ luật đối với cá nhân đảng viên và tổ chức Đảng. Điều này khiến cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước phấn khởi, tin tưởng.
Chắc chắn rằng, rồi đây các hiện tượng lạm dụng quyền lực như: bổ nhiệm cán bộ thần tốc, không trong sáng; coi thường dư luận, nặng tính tư lợi, coi thường pháp luật, kỷ luật của Đảng, lợi dụng “quy trình” làm cái vỏ bọc cho mọi chuyện bất minh được hợp thức hóa... sẽ không có đất sống. Và người tài, đức sẽ được sử dụng đúng vị trí bởi: “Hiền tài là nguyên khí của Quốc gia”./.