Cùng với các địa phương trong cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh vừa đi qua một năm với nhiều thành quả, cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Năm 2017, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng có không ít khó khăn, thách thức, song với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được coi trọng, có nhiều chuyển biến tích cực; quốc phòng - an ninh được giữ vững; diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao; lòng tin của nhân dân với Đảng, chính quyền được nhân lên.
Những năm gần đây, Thái Nguyên luôn đứng trong tốp các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng đầu cả nước. Từ một tỉnh nghèo, chậm phát triển, đến nay Thái Nguyên đã và đang vươn lên trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế của khu vực và cả nước. Với chỉ số ước đạt 12,6%, năm 2017, Thái Nguyên là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn gần 2 lần so với bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Với con số ước đạt trên 570 nghìn tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang ở mức khá cao (đứng thứ 7 cả nước). Cùng với tăng trưởng sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu ước đạt 23 tỷ USD, chiếm khoảng 11,3% giá trị xuất khẩu của cả nước (đứng thứ 4 cả nước). Thu ngân sách cả năm ước đạt khoảng 12.000 tỷ đồng (vượt trên 30% so với kế hoạch), đứng ở tốp 20 về tổng số thu ngân sách trong cả nước.
Các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh đang được phục hồi, phát triển. Trong năm, sản phẩm trà Thái Nguyên tiếp tục gây tiếng vang trên thị trường quốc tế với 01 giải bạc và 01 giải đặc biệt. Sau 3 năm thẩm định hồ sơ, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được các cơ quan sở hữu trí tuệ của Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan cấp văn bằng bảo hộ. Đây là điều kiện thuận lợi để nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của sản phẩm chè Thái Nguyên, hạn chế nguy cơ bị chiếm đoạt nhãn hiệu trên thị trường quốc tế.
Năm 2017 cũng là năm đánh dấu những kết quả khá nổi bật của tỉnh trong việc hoàn thành các mục tiêu về an sinh xã hội, như: Xóa phòng học tạm, cơ bản xóa các “xóm trắng” về điện; hỗ trợ kinh phí sửa chữa hoặc xây mới nhà ở cho các gia đình có đảng viên 50 năm tuổi Đảng trở lên là thành viên của hộ nghèo, khó khăn về nhà ở trên địa bàn; tỉnh có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tổng số xã nông thôn mới toàn tỉnh lên 68 xã. Sau hơn 1 năm thi công, Dự án Nghĩa trang An Lạc Viên với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 200 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính, đủ điều kiện đưa vào sử dụng...
Bước sang năm 2018, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đề ra mục tiêu tổng quát của năm. Toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện, nhất là các ngành, lĩnh vực trọng tâm; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với chú trọng cải thiện nền tảng cho tăng trưởng chất lượng, hiệu quả và sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; tăng cường công tác bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cùng với chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm, toàn Đảng bộ tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với cải cách công vụ, công chức, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đổi mới, sắp sếp tổ chức bộ máy chính quyền các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện trong chỉ đạo, điều hành của cơ quan chính quyền các cấp. Tiếp tục cải thiện môi trường để thu hút đầu tư, tạo điều kiện giúp đỡ các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Chú trọng gắn kết ứng dụng công nghệ cao với thân thiện với môi trường và gắn kết công nghiệp địa phương với công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đầu tư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chú trọng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế đồi rừng, xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm sạch phục vụ chính cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Quan tâm gắn hoạt động du lịch với dịch vụ và khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương về sinh thái, văn hóa lịch sử, tâm linh; chọn Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc và Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa làm điểm đột phá. Quan tâm đến hạ tầng cơ sở, chỉnh trang đô thị, nếp sống văn minh ở các đô thị trong tỉnh; lấy việc thực hiện Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông là điểm nhấn...
Với những hiệu ứng tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, chúng ta cùng kỳ vọng năm 2018, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa. Để trong một tương lai không xa, chúng ta sẽ có một Thái Nguyên vững vàng hội nhập và phát triển.