Tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội

10:24, 06/01/2018

Ngày 6/1/1946 đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử nước nhà khi lần đầu tiên người dân Việt Nam trực tiếp bầu cử đại biểu Quốc hội.

Nhìn vào quá khứ để kế thừa và phát triển trong tương lai, đây là thông điệp trong bài viết của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhân kỷ niệm 72 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 – 06/01/2018).

Tân trọng giới thiệu toàn văn bài viết: “Tiếp tục tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội”.

Ngày 6/1/1946 đã đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử nước nhà khi lần đầu tiên người dân Việt Nam thông qua lá phiếu của mình được quyền trực tiếp lựa chọn, bầu những người có tài, có đức vào Quốc hội để gách vác công việc đất nước. Thông qua đó, Nhân dân Việt Nam đã trao cho Quốc hội trọng trách ban hành Hiến pháp và lập nên các thiết chế của Nhà nước dân chủ nhân dân.

Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đã đánh dấu sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày nay là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cuộc bầu cử là căn cứ khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Nhà nước được Nhân dân bầu ra một cách dân chủ và hợp pháp.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Quốc hội Việt Nam đã thể hiện tinh thần dân chủ của mình một cách đậm nét từ trong cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ, gồm: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, người dân đã được trực tiếp bầu chọn những người đại diện cho mình để tham gia vào bộ máy Nhà nước, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà... Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”.

Tinh thần dân chủ, sáng tạo và trách nhiệmcủa các đại biểu Quốc hội còn được thể hiện từ ngay trongnhững cuộc thảo luận đầy trí tuệ và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội tại những kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I, kỳ họp dài ngày đầu tiên của Quốc hội, người dân đã được vào dự thính và theo dõi diễn biến của các phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Trong phiên họp chất vấn Chính phủ đầu tiên, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi, tranh luận với các thành viên Chính phủvề những vấn đề rất quan trọng cả về đối nội và đối ngoại. Trước những câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Chính phủ trước hết xin cảm ơn Quốc hội hết sức quan tâm về các vấn đề của quốc gia và sự chất vấn này có thể hiểu được rất rõ ràng tinh thần dân chủ của nước Việt Nam”.

Phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội năm ấy đã kéo dài cho đến tận nửa đêm cho thấy tinh thần làm việc trách nhiệm cao của những đại biểu Quốc hội, cũng như Chính phủ trong việc thực hiện trách nhiệm của mình.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày càng đi vào thực chất, chất lượng, giải quyết nhiều vấn đề trong đời sống xã hội, với nhiều đạo luật lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong các lĩnh vực tư pháp, kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, quốc phòng an ninh.

Trong việc xem xét, thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của dân tộc,các đại biểu Quốc hội cũng đã tranh luận một cách dân chủ, thấu đáo về tất cả những vấn đề cơ bản của một bản Hiến pháp tiến bộ như về chính thể, việc tổ chức quyền lực nhà nước, quyền và nghĩa vụ công dân.

Bản Hiến pháp là sự kết tinh của trí tuệ, sự sáng tạo của những nhà lập hiến do Nhân dân trực tiếp bầu ra. Đánh giá về bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đó là:“một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông…

Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: nước Việt Nam đã độc lập, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do… phụ nữ Việt Nam đã được ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do đó của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bằng của các giai cấp”.

Kể từ những kỳ họp đầu tiên đó, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, tinh thần dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm vì lợi ích của Nhân dân luôn được thể hiện rõ trong các hoạt động của Quốc hội. 14 khóa Quốc hội với tâm huyết, trí tuệ, nỗ lực và sáng tạo của hàng nghìn đại biểu Quốc hội đã xây dựng và ban hành được 5 bản Hiến pháp, hàng trăm bộ luật, luật, pháp lệnh.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thường xuyên xem xét sửa đổi, bổ sung những đạo luật để điều chỉnh các quan hệ của đời sống xã hội, tạo nên một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh hơn để Nhà nước quản lý bằng pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại...

Mỗi bản Hiến pháp, mỗi đạo luật, mỗi nghị quyết, mỗi quyết định quan trọng của Quốc hội đều gắn liền với quá trình phát triển của dân tộc, phản ánh tiến trình đổi mới của đất nước. Đặc biệt, trong giai đoạn đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay, Quốc hội đã kịp thời ban hành các bản Hiến pháp 1992, Hiến pháp năm 2013 và hàng trăm đạo luật, pháp lệnh để tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo đảm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế.

Phát huy truyền thống 72 năm của Quốc hội, trong năm 2017 vừa qua, Quốc hội nước ta cũng đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.Tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước tiếp tục được thể hiện trong việc nghiên cứu, đổi mới việc bố trí chương trình làm việc của Quốc hội.

Việc đổi mới cách thức thảo luận về các dự án luật, về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, về các báo cáo của các cơ quan chức năng, tăng thời gian thảo luận tại Hội trường, tăng cường tính đối thoại và tranh luận đã tạo nên không khí đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Việc bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp nhiều hơn các phiên họp toàn thể của Quốc hội trong đó có những nội dung lần đầu tiên được thảo luận tại Hội trường như báo cáo của các ngành tư pháp; báo cáo giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng; báo cáo về thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm, tạo sự gắn kết hơn nữa giữa hoạt động của Quốc hội với cử tri, nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của các tầng lớp Nhân dân.

Hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày càng đi vào thực chất, chất lượng, giải quyết nhiều vấn đề trong đời sống xã hội, với nhiều đạo luật lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong các lĩnh vực tư pháp, kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, quốc phòng an ninh…

Năm 2017 Quốc hội đã thông qua 18 luật, cho ý kiến 15 dự án luật trong đó rất nhiều luật là những luật khó, phức tạp, có phạm vi điều chỉnh rất rộng, trong quá trình thảo luận còn có nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng cuối cùng, thông qua trao đổi thẳng thắn với lý lẽ thuyết phục, Quốc hội đã đạt được sự đồng thuận, các dự án luật được thông qua với tỷ lệ rất cao.

Hoạt động giám sát của Quốc hội trong năm 2017 cũng để lại dấu ấn với những chuyên đề giám sát là những vấn đề đang nổi cộm, gây bức xức trong dư luận xã hội. Lần đầu tiên, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước.

Mặc dù chỉ giới hạn trong giai đoạn 2011-2016 nhưng chuyên đề giám sát của Quốc hội đã chỉ rõ những lực cản đối với tiến trình cải cách, cả về thể chế pháp lý, những lợi ích đan xen và trách nhiệm của các chủ thể liên quan, trong đó có cả trách nhiệm của chính Quốc hội, từ đó, đề ra những giải pháp đồng bộ để cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước quyết liệt hơn, hiệu quả thực chất hơn trong giai đoạn tới.

Đây là cơ sở để góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Trong hoạt động chất vấn, năm 2017 đã đánh dấu một điểm mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đó là đã bố trí tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn lên 03 ngày để tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội được có thêm thời gian hỏi đáp nhằm làm rõ các vấn đề liên quan đến nội dung chất vấn.

Với việc tăng thêm thời gian nhưng số lượng người bị chất vấn không thay đổi nên số lượng đại biểu Quốc hội chất vấn nhiều nhất từ trước đến nay. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, xây dựng, tranh luận tích cực, đã làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn, đồng thời, cho thấy năng lực của đại biểu Quốc hội được phát huy.

Để tăng cường sự đồng bộ, hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cùng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ký, ban hành Nghị quyết liên tịch về giám sát và phản biện xã hội, tạo cơ chế phối hợp tổ chức thực hiện nội dung quan trọng này.

Trong năm 2017, Quốc hội cũng đã thảo luận, cân nhắc thận trọng, xem xét khách quan, toàn diện để thông qua nhiều dự án, quyết định quan trọng của đất nước trong đó có những chính sách đột phá, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng…v.v.

Năm 2017 cũng là năm Quốc hội ban hành nhiều quyết định về công tác nhân sự trong đó có việc cho thôi hoặc tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với một số trường hợp bị thi hành kỷ luật hoặc có vi phạm bị khởi tố bị can, bắt tạm giam phục vụ công tác điều tra. Những quyết định về công tác nhân sự được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành một cách chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục luật định, thể hiện sự nghiêm minh, có sự phối hợp chặt chẽ trong quy trình công tác nhân sự của Đảng, Nhà Nước và tạo sự đồng thuận cao.

Hoạt động ngoại giao nghị viện cũng đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận cho thấy vị thế của Quốc hội nước ta trên trường quốc tế được nâng lên rõ rệt. Điều này thể hiện qua con số kỷ lục các Đoàn cấp cao Quốc hội, nghị viện các nước đến thăm chính thức nước ta, cũng như qua sự đón tiếp trọng thị và có những ngoại lệ mà các nước dành cho Đoàn cấp cao của Quốc hội Việt Nam.

Thành công này cũng thể hiện qua sự ghi nhận và đánh giá cao đối với những phát biểu của Lãnh đạo Quốc hội ta tại các diễn đàn đa phương, cũng như các cuộc làm việc song phương. Đặc biệt, việc tổ chức thành công Hội nghị chuyên đề khu vực châu Á - Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu, hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững” tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một điểm nhấn quan trọng trong kết quả chung của hoạt động đối ngoại của Quốc hội năm 2017.

Bước sang năm 2018, năm thứ ba của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, cũng là năm bản lề trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020, có rất nhiều nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với Quốc hội nước ta, đòi hỏi Quốc hội phải tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo và hành động để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.

Trong hoạt động lập pháp, Quốc hội tiếp tục phải đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động lập phápđể hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 với trọng tâm là tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các Nghị quyết của Đảng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, phục vụ lợi ích của Nhân dân.

Đặc biệt, trong năm 2018 có những dự án luật lớn, có nội dung quan trọng như dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật Quốc phòng (sửa đổi), Luật An ninh mạng…, đòi hỏi các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải tiếp tục phát huy trí tuệ, lắng nghe ý kiến của cử tri, các chuyên gia và các tầng lớp Nhân dân để thông qua các dự án luật có chất lượng, có tính khả thi cao hơn nữa.

Trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội  tiếp tục nâng cao chất lượng của các quyết định theo hướng thực chất hơn, dựa trên những luận cứ, luận chứng khoa học nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tạo ra được những tác động tích cực nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong hoạt động giám sát, trọng tâm trong năm 2018 là hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 và các hoạt động giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016.

Đặc biệt, là năm thứ 3 của nhiệm kỳ nên tại kỳ họp cuối năm 2018, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Điều này đòi hỏi các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải phát huy trí tuệ, sáng suốt trong việc thực hiện các hoạt động giám sát để tạo ra được những chuyển biến tích cực nhằm khắc phục hạn chế, yếu kém trong thực tiễn thi hành pháp luật.

Trong năm 2018, nhiều hoạt động ngoại giao nghị viện song phương và đa phương quan trọng sẽ tiếp tục diễn ra. Trước mắt là việc Quốc hội nước tavới vai trò Chủ tịch, là chủ nhà của Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn Nghị viện Châu Á – Thái Bình Dương (APPF-26) với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì Hòa bình, Sáng tạo và Phát triển bền vững”. Đây là sự kiện để Quốc hội nước ta tiếp tục thể hiện vị thế và tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế, tăng cường đoàn kết và hữu nghị giữa Nhân dân các nước;góp phần thực hiện thành công đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hoá của Đảng và Nhà nước.

Để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng đó, Quốc hội sẽ tiếp tục có các giải pháp đổi mới về chương trình làm việc, quy trình, thủ tục tiến hành công việc, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội với các cơ quan hữu quan, chuyển một cách mạnh mẽ từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong các hoạt động.

Kỷ niệm 72 năm Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam và đầu năm mới 2018 là dịp để chúng ta ôn lại, tự hào về những thành tựu của Quốc hội đã đạt được trong những chặng đường vừa qua, đồng thời xác định rõ hơn những việc cần làm trong năm mới. Chúng ta tin tưởng rằng, với truyền thống và kinh nghiệm tích lũy qua 72 năm, với ý thức trách nhiệm trước Nhân dân và tiền đồ của đất nước, với phương châm đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của Nhân dân, nhất định Quốc hội nước ta sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.