Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, triển khai đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

14:23, 24/02/2018

Đó là nội dung của buổi tọa đàm được tổ chức vào sáng 24-2 do Tỉnh ủy Thái Nguyên phối hợp cùng Báo Nhân Dân tổ chức. Các đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và Đinh Như Hoan, Phó Tổng Biên tập, Giám đốc Truyền hình Nhân Dân đồng chủ trì.

Dự buổi tọa đàm có đồng chí Lê Văn Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy; cán bộ, phóng viên Báo Nhân Dân, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh, các cơ quan báo chí của tỉnh và các cơ quan báo chí T.W thường trú trên địa bàn.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Bùi Xuân Hòa đã giới thiệu khái quát vị trí địa lý, đất và người Thái Nguyên, kết quả phát triển kinh tế - xã hội sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, đặc biệt là sự phát triển vượt bậc của Thái Nguyên trong 2 năm gần đây cũng như những định hướng lớn trong thời gian tới. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định: Trong sự thành công của Thái Nguyên hôm nay có sự đóng góp rất quan trọng của các cơ quan báo chí, đặc biệt là báo Nhân dân, đã tuyên truyền cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

Các đại biểu trao đổi tại buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, đã có gần 20 ý kiến tâm huyết tham gia đóng góp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ khâu phát hiện đề tài, khai thác tư liệu đến thể hiện tác phẩm.  Để làm tốt công tác tuyên truyền đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, các đại biểu đã tập trung thảo luận các chủ đề: Làm gì để có tác phẩm chất lượng, đúng, trúng, hay khi viết về đề tài tuyên truyền đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; viết về xây dựng Đảng như thế nào cho hấp dẫn; làm sao để nâng cao chất lượng tuyên truyền khi viết về lĩnh vực xây dựng đảng, khi viết về gương điển hình, mô hình mới... trong phong trào thực hiện nghị quyết đại hội các cấp. Mỗi ý kiến phát biểu tại buổi tọa đàm là một kinh nghiệm, bài học, đề xuất mang đậm thực tiễn, đầy hơi thở cuộc sống được chắt lọc, đúc rút trong quá trình lăn lộn với cơ sở của những người làm báo Đảng Trung ương và địa phương. Trên cơ sở đó, đã có nhiều ý kiến đề xuất, giải pháp được đưa ra để thực hiện mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền trên báo, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống hiệu quả.

Trước đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đoàn đại biểu Báo Nhân Dân, các cơ quan báo chí của tỉnh và T.W thường trú trên địa bàn đã dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà truyền thống trong khuôn viên trụ sở Tỉnh ủy.

 

*Để các tác phẩm báo chí không khô cứng, sáo rỗng, tẻ nhạt

(Lược ghi các ý kiến tại buổi tọa đàm)

Phóng viên báo Đảng phải thấm nhuần nghị quyết 

Nhà báo Đinh Như Hoan, Phó Tổng Biên tập, Giám đốc Trung tâm Truyền hình Nhân Dân: Trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng phải đi trước một bước. Vì thế phóng viên báo Đảng phải thấm nhuần nghị quyết chứ không phải là thuộc nghị quyết. Trong tuyên truyền phải từ nghị quyết soi vào thực tiễn và từ thực tiễn khái quát trở lại nghị quyết. Chúng ta phải ý thức rõ vấn đề bám sát cơ sở, lăn lộn cùng địa phương, sát cánh cùng cán bộ phong trào để phản ánh sinh động nhất cách thức mà nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, lan tỏa ở cơ sở, để tác phẩm báo chí không khô cứng, sáo rỗng, tẻ nhạt. Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, triển khai đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, theo tôi phải làm tốt 5 nội dung đó là: Phải nâng cao nhận thức của người làm báo, muốn tuyên truyền nghị quyết trước hết phải hiểu nghị quyết; thứ hai là các cơ quan báo chí phải nghiêm túc thực hiện đúng tôn chỉ của tờ báo; mỗi tòa soạn, phóng viên, biên tập viên phải tăng cường bám sát cuộc sống để theo dõi đường đi của nghị quyết; các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo phải tiếp tục đổi mới, không ngừng sáng tạo trong cách thức tuyên truyền và thông qua tuyên truyền nghị quyết, các cơ quan báo Đảng phải là một kênh tham khảo, dẫn chiếu quan trọng tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương…

Lựa chọn cách thức tuyên truyền hiệu quả

Nhà báo Đỗ Thị Thìn, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên: Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, triển khai đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, Báo Thái Nguyên đã tổ chức Cuộc thi báo chí với chủ đề "Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống" trong 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh từ năm 2000 đến năm 2015. Đến năm 2016, cơ quan đã tham mưu với cấp trên nâng Cuộc thi này thành cuộc thi cấp tỉnh. Cách tiếp cận với các chỉ thị, nghị quyết của Đảng dưới góc độ là một nhà báo như thế nào để tìm ra đề tài báo chí hay là một trong những vấn đề không đơn giản, khiến cán bộ, phóng viên của báo Đảng tỉnh nhà luôn băn khoăn, trăn trở. Khi các chỉ thị, nghị quyết mới của Đảng được ban hành, với chức năng, nhiệm vụ của mình, các nhà báo phải năng động, sáng tạo, tìm ra phương pháp tiếp cận phù hợp, lựa chọn cách thức tuyên truyền hiệu qủa để các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến với người dân một cách nhanh nhất, giúp người dân dễ nhớ, dễ hiểu, góp phần đưa nghị quyết vào cuộc sống một cách nhẹ nhàng, mềm dẻo chứ không phải khô cứng, giáo điều. Từ đó, nghị quyết sẽ được phản hồi từ cuộc sống sinh động. Đó được xem như là một vòng xoáy thể hiện năng lực, trí tuệ, sự đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp phát triển của đất nước, của dân tộc, trong đó sự đóng góp của các nhà báo, những “thư ký của thời đại” giữ vị trí quan trọng, là một phần không thể tách rời.

Đồng hành cùng Thái Nguyên với tình cảm, trách nhiệm của những người làm báo Nhân Dân

Nhà báo Phạm Song Hà, Ủy viên Ban Biên tập Báo Nhân Dân, Trưởng ban Chính trị - xã hội: Với những người làm báo Nhân Dân, Thái Nguyên là quê hương, là nguồn cội, mãi mãi là niềm tự hào thiêng liêng. Vào mùa Xuân năm 1951, Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ II đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập và xuất bản báo Nhân Dân. Trụ sở Tòa soạn được chọn đặt tại xóm Khuôn Nhà, xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa. Với Thái Nguyên, những người làm báo Đảng luôn tự xem mình là những người con hướng về quê hương, đồng hành, chia sẻ, phản ánh kịp thời những bước phát triển của quê hương cách mạng. Để có thể tuyên truyền, quảng bá và lan tỏa những kinh nghiệm của Thái Nguyên trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, tạo nên những đột phá trong phát triển, theo trong thời gian tới, công tác tuyên truyền về Thái Nguyên trên các ấn phẩm Báo Nhân Dân sẽ đi sâu phân tích một số chủ đề sau: Quá trình nghiên cứu, xác định mục tiêu và các luận cứ khoa học để xây dựng Nghị quyết sao cho sát thực tế và tính khả thi cao. Các giải pháp để triển khai có hiệu quả nghị quyết được tiến hành như thế nào? Khi xác định đột phá trong thu hút đầu tư, Thái Nguyên đã bằng cách nào để đạt được mục tiêu là “điểm đến lý tưởng” đối với các nhà đầu tư. Khi tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề xã hội cần phải giải quyết như sức ép về thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhà ở cho công nhân và các vấn đề an sinh xã hội khác…

Cách thức tuyên truyền dễ hiểu, gần gũi với số đông công chúng

Đồng chí Hoàng Anh Trung, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy:  Những năm qua, bám sát sự chỉ đạo, định hướng của cấp ủy Đảng, các cơ quan báo chí của tỉnh đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; truyền tải kịp thời các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến nhân dân. Đồng thời mang tiếng nói của nhân dân đến với Đảng và Nhà nước. Cùng với kết quả đạt được, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế, tồn tại như: Số lượng tin bài, phóng sự chất lượng cao chưa nhiều; hình thức khai thác thông tin còn đơn điệu, trùng lặp; còn tình trạng đưa tin một chiều, mang tính thông báo, thiếu hấp dẫn… Do vậy, trong thời gian tới, các nhà báo, phóng viên cần dành nhiều thời gian hơn nữa để tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các chỉ thị, nghị quyết. Từ đó lựa chọn nội dung, hình thức thể hiện phù hợp. Nôi dung tuyên truyền nghị quyết phải đảm bảo tính toàn diện và có trọng tâm. Đặc biệt, để hiệu quả tuyên truyền công tác xây dựng Đảng ngày càng nâng cao thì văn phong, từ ngữ phải dễ hiểu, gần gũi với số đông công chúng, hình thức phản ánh sinh động.

Đúng, kịp thời, hấp dẫn

Nhà báo Lê Mậu Lâm, Phó Trưởng ban Xây dựng Đảng Báo Nhân Dân: Để thực hiện tốt vai trò của mình, các cơ quan báo chí đang nỗ lực khắc phục những yếu kém. Đó là hiện tượng một số cơ quan báo chí chưa coi trọng phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; một bộ phận những người làm báo có biểu hiện coi nhẹ, hạ thấp chức năng chính trị, tư tưởng, giáo dục của báo chí cách mạng; xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, sa đà khi phản ánh các vụ án, mặt tiêu cực, mặt trái và những yếu kém của xã hội… Trong tình hình và bối cảnh hiện nay, tôi suy nghĩ rằng, báo chí phải tự đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong thời kỳ mới là vấn đề sống còn. Yêu cầu từng ấn phẩm báo chí và đội ngũ những người làm báo Đảng cần luôn coi trọng bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng; tích cực tuyên truyền, cổ vũ những thành tựu của công cuộc đổi mới; phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; kịp thời phản bác thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch nhạy bén và thuyết phục. Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ gian nan và đầy vẻ vang đó đội ngũ những người làm Báo phải: Vững vàng về chính trị; có kiến thức rộng; có hiểu biết sâu sắc về cuộc sống đất nước và bối cảnh quốc tế; tinh thông nghiệp vụ; có đạo đức nghề nghiệp trong sáng…

Phải bắt đầu từ con người trong cụ thể từng công việc

Nhà báo Bắc Văn, nguyên Trưởng ban Xây dựng Đảng Báo Nhân Dân: Hơn 21 năm về Báo Nhân Dân, tôi chỉ viết về xây dựng Đảng. Và suốt thời gian ấy, tôi cũng luôn canh cánh một câu hỏi đến nay vẫn chưa tự trả lời cho thật thỏa đáng, đó là: Viết về xây dựng Đảng như thế nào cho hấp dẫn?. Cái khó nhất trong tuyên tuyền về xây dựng Đảng hiện nay là làm thế nào để tiếp cận được các tài liệu, nhất là những vấn đề nhạy cảm, liên quan đến tổ chức cán bộ; tự phê bình và phê bình, kiểm điểm, đánh giá cán bộ,… Để làm được điều này, phóng viên không chỉ giỏi về nghiệp vụ, mà phải có đạo đức nghề nghiệp, có uy tín, bảo đảm sự tin cậy đối với các cơ quan làm công tác xây dựng Đảng. Người viết phải hòa mình, cùng với cán bộ làm công tác đảng, trăn trở về những vấn đề đang đặt ra như là người trong cuộc. Tôi luôn tự nhắc mình khi viết bất kỳ về nghị quyết nào của các cấp ủy Đảng cũng nên bắt đầu từ người; con người trong cụ thể từng công việc, chứ không sao chép nghị quyết hay tổng kết nghị quyết. Viết về xây dựng Đảng khác với viết về một vấn đề xã hội. Phản ánh tình trạng mưa bão, úng ngập, người viết đến nơi xảy ra sự việc nhìn thấy nó và cứ thế mà miêu tả là hấp dẫn rồi, nhất là có được những bức ảnh sinh động thì không cần nhiều lời, nhiều chữ. Viết về xây dựng Đảng phải có quá trình tìm hiểu; nhất là viết về tự phê bình và phê bình phải viết sao cho có lý, có tình, để khi người được phản ánh đọc báo phê bình mình mà “tâm phục khẩu phục”.

Làm công tác biên tập phải có tầm hiểu biết sâu rộng

Nhà báo Tạ Hồng Hà, Trưởng phòng Thư ký Tòa soạn Báo Thái Nguyên: Hai cuộc thi báo chí về chủ đề “Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX vào cuộc sống” và “Búa liềm Vàng” đã thu hút nhiều tác giả chuyên nghiệp và không chuyên tham gia. Bên cạnh những bài có nội dung sâu sắc, văn phong mạch lạc, mềm dẻo, ca ngợi sự lãnh đạo tài tình, hiệu qủa của các cá nhân, tổ chức đảng, phản ánh những thành tựu trong thực hiện nghị quyết của Đảng, cũng có nhiều bài viết phản ánh những bất cập, hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghị quyết...  Tuy nhiên, khi biên tập các tác phẩm tham dự 2 cuộc thi nêu trên, chúng tôi nhận thấy về đề tài còn bị bó hẹp; cách thể hiện đề tài của một số tác giả còn khô cứng, chưa thực sự hấp dẫn, lôi cuốn người đọc... Nên trách nhiệm của những biên tập viên là phải góp phần “nâng tầm” các bài viết đó cho hay hơn, hấp dẫn hơn... Để làm được việc này, đòi hỏi các biên tập viên phải không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có tầm hiểu biết sâu rộng...

Nội dung Nghị quyết Trung ương 4 mở ra nhiều đề tài, được độc giả quan tâm

Nhà báo Hà Quốc Việt, Phó Trưởng ban Xây dựng Đảng, Báo Nhân Dân: Một trong những vấn đề nổi bật về công tác xây dựng Đảng thời gian qua là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được triển khai quyết liệt từ Trung ương tới địa phương. Đây là mảng đề tài dự luận rất quan tâm. Báo Nhân dân đã tiên phong và duy trì thường xuyên nội dung tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thực tế tuyên truyền về Nghị quyết Trung ương 4 thời gian qua, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm. Đó là, cần sự quan tâm, chỉ đạo mạnh mẽ của Ban Biên tập, nhất là Tổng Biên tập. Từ sự xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể cho từng chuyên đề. Để có tác phẩm hay và sâu về nội dung này, người viết phải nghiên cứu rất kỹ Nghị quyết Trung ương 4 để soi vào cuộc sống, soi vào các tổ chức Đảng và từng đảng viên, từ đó phát hiện những biểu hiện, việc làm cần phê phán. Cùng nhờ đi sâu vào thực tiến sẽ phát hiện nhiều cách làm hay, việc làm tốt trong thực hiện nghị quyết…

Tìm cái hay, cái mới từ cơ sở

Nhà báo Nguyễn Duy Hương, Trưởng phòng Xây dựng Đảng, Trung tâm Truyền hình Nhân Dân: Tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng là một mảng công việc không dễ vì cùng lúc phải đảm bảo nhiều yếu tố là: Đúng, trúng, hay và hấp dẫn. Thường thì mới làm được một nửa yêu cầu đó là đúng và trúng, còn hay và hấp dần thì quả thực chưa làm được. So với loại hình báo chí khác, tuyền truyền về xây dựng Đảng trên truyền hình có thêm khó khăn là tìm kiếm hình ảnh phù hợp với mảng công việc này rất khó. Và để có những hình ảnh sinh động, sát hợp với lĩnh vực xây dựng Đảng, chỉ có một cách duy nhất là đi vào cuộc sống, sâu sát cơ sở để tìm kiếm và phản ánh chân thực những hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên thông qua những chương trình hành động, việc làm cụ thể. Bởi cái mới, cái hay và cả những hạn chế, bất cập trong công tác xây dựng Đảng đều thể hiện, cơ sở. Đi sâu, đi sát cơ sở không chỉ phát hiện được những vấn đề hay, cần tuyên truyền trong công tác xây dựng Đảng mà còn giúp cho đội ngũ phóng viên, nhất là những người tuổi đời còn rất trẻ, tuổi nghề chưa nhiều có thêm những kiến thức từ thực tế mà không một bài giảng, một cuốn sách nào có được, nhờ đó mà trưởng thành nhanh, sớm vững tay nghề.