Làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Băng-la-đét

08:01, 04/03/2018

Nhận lời mời của Tổng thống Băng-la-đét M.Ha-mít, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân tiến hành thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Nhân dân Băng-la-đét từ ngày 4 đến 6-3.

Đây là chuyến thăm Băng-la-đét đầu tiên của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chuyến thăm là sự kiện chính trị quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Băng-la-đét, nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, trong bối cảnh Việt Nam và Băng-la-đét kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (11-2-1973 -11-2-2018).

Băng-la-đét có tình hình chính trị cơ bản ổn định. Chính phủ Băng-la-đét thực thi chính sách đối ngoại hòa bình, không liên kết, hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước, tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đóng góp cho hòa bình và an ninh thế giới. Thời gian qua, Băng-la-đét luôn tích cực nâng cao vị thế trên các diễn đàn đa phương với việc chủ trì tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 136 vào tháng 4-2017, tham gia ý kiến tại các hội nghị đa phương như Hội nghị cấp cao A-rập - Hồi giáo - Mỹ, Hội nghị của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)… Bên cạnh đó, Băng-la-đét chủ động thúc đẩy quan hệ với các nước ASEAN.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Băng-la-đét luôn được lãnh đạo và nhân dân hai nước nỗ lực bồi dưỡng, vun đắp. Mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao và các cấp, mà gần đây là chuyến tham dự Đại hội đồng IPU-136 tại Băng-la-đét của Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu vào tháng 4-2017 và chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Băng-la-đét S.Chao-đu-ri vào tháng 7-2017. Băng-la-đét gần đây cử nhiều đoàn quan chức sang nước ta nhằm thúc đẩy hợp tác, học tập kinh nghiệm về quản lý hành chính, nông nghiệp và phát triển nông thôn, du lịch và biến đổi khí hậu…

Chúng ta vui mừng nhận thấy, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Băng-la-đét phát triển tốt đẹp, với kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2017 đạt hơn 900 triệu USD. Hai bên đang phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức một tỷ USD trong những năm tới. Việt Nam xuất khẩu sang Băng-la-đét các mặt hàng như xi-măng, gạo, xơ và sợi các loại, hàng dệt may, máy móc, thiết bị… Tính đến hết tháng 12-2017, Băng-la-đét có bốn dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 615 nghìn USD. Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Băng-la-đét được duy trì và phát triển. Hai bên tích cực trao đổi đoàn các cấp, nhằm học tập và trao đổi kinh nghiệm về chính sách phát triển kinh tế, tái định cư và di dân, nuôi trồng thủy sản.

Hợp tác quốc phòng - an ninh giữa Việt Nam và Băng-la-đét được đẩy mạnh. Hai bên đã có một số hoạt động trao đổi kinh nghiệm về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Hợp tác về văn hóa và giáo dục - đào tạo cũng đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Học viện Hành chính quốc gia Việt Nam đã phối hợp Bộ Hành chính công và Trung tâm Đào tạo hành chính công của Băng-la-đét tổ chức thành công 16 khóa đào tạo về hành chính công cho gần 500 cán bộ cấp quản lý, lãnh đạo của Băng-la-đét.

Băng-la-đét coi trọng quan hệ và vị thế của Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác tin cậy trên trường quốc tế. Việt Nam và Băng-la-đét có sự trao đổi, hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc.

Chuyến thăm cấp nhà nước tới Băng-la-đét lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân khẳng định quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam - Băng-la-đét, củng cố quan hệ chính trị tin cậy giữa lãnh đạo hai nước. Chuyến thăm cũng là dịp để hai bên trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trên những lĩnh vực thực chất và hiệu quả hơn, đồng thời trao đổi các vấn đề khu vực, quốc tế hai bên cùng quan tâm, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới.