Hội thảo bản thảo cuốn sách lịch sử TNXP Đại đội 915

14:10, 21/06/2018

Ngày 21-6, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức Hội thảo bản thảo cuốn sách lịch sử TNXP “Đại đội 915 - Khúc tráng ca bất tử”. Hội thảo do đồng chí Lê Văn Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Cuốn sách do các thành viên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trực tiếp biên soạn, gồm phần Mở đầu, Phụ lục và có 3 chương chính: Chương I: “Quê hương, con người và truyền thống”; chương II: “Đại đội TNXP 915 trong những ngày khói lửa”; chương III: “Đại đội TNXP 915 - Tượng đài trong lòng dân tộc”.

Tại Hội thảo, 10 ý kiến tham gia đóng góp của đại biểu đều đánh giá cao về tính cấp thiết, ý nghĩa của cuốn sách. Bản dự thảo được các thành viên Ban Biên soạn làm việc trách nhiệm, chuẩn bị tư liệu công phu, hệ thống tư liệu khoa học, phương pháp thể hiện linh hoạt, xúc động. Tổng thể cuốn sách có bố cục hợp lý, cách trình bày sự kiện lịch sử rõ ràng, mạch lạc về thời gian, nêu được toàn bộ quá trình hình thành, phát triển và lao động, chiến đấu quên mình của đội ngũ cán bộ, đội viên TNXP Đại đội 915.

Tuy nhiên bản thảo cuốn sách còn bộc lộ một số hạn chế: một số đoạn viết dài, không cần thiết vì không có liên quan đến Đại đội 915; có những đoạn diễn đạt chưa thoát ý, còn lặp lại; cần thống nhất sử dụng câu chữ tại từng chương, mục. Cần viết gọn phần giới thiệu về Thái Nguyên, mảnh đất con người, song cũng cần viết kỹ hơn về những đóng góp của Đại đội 915, TNXP Đội 91 Bắc Thái trong sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Đồng chí Lê Văn Tuấn đã biểu dương các đại biểu có ý kiến tâm huyết tham gia xây dựng cuốn sách. Đồng chí chỉ đạo cho Ban Biên soạn cuốn sách nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp của đại biểu. Tập trung chỉnh sửa nội dung trung thực, chính xác, có tính Đảng, tính nhân dân cao. Cần sớm hoàn thiện bản thảo cuốn sách trình Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt, in ấn, phát hành nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (1947-2018).

Nhân dịp này, đồng chí cũng đã chỉ đạo tới các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là các cơ quan ngôn luận của tỉnh cần thống nhất số liệu, tài liệu để tổ chức các hoạt động tuyên truyền hiệu quả về Đại đội TNXP 915. Vì đây là việc làm tri ân, thể hiện lòng biết ơn các Anh hùng liệt sĩ TNXP. Là thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của một dân tộc; đồng thời là một thông điệp chuyển tới các thế hệ mai sau.

 Dưới đây là một số ý kiến tại Hội thảo

Đánh giá đúng vị trí, vai trò lịch sử của Đại đội 915

Đồng chí Lê Quảng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Là lãnh đạo tỉnh và cũng là một nhân chứng lịch sử giai đoạn diễn ra sự kiện 60 thanh niên xung phong (TNXP) hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại Ga Lưu Xá đêm 24-12-1972, khi đọc bản thảo Cuốn sách, tôi thấy rất xúc động. Nhiều thông tin đưa vào bản thảo là những tư liệu quý cho thấy các tác giả đã rất nỗ lực và nghiêm túc trong khi sưu tầm, chọn lọc. Đây cũng là một hình thức tri ân thiết thực đối với sự hy sinh to lớn của các Anh hùng liệt sĩ TNXP. Theo tôi, phần giới thiệu chung về vùng đất Thái Nguyên ở đầu Cuốn sách nên ngắn gọn hơn, tránh lặp lại một số chi tiết. Cần đánh giá đúng vị trí, vai trò lịch sử của lực lượng TNXP tỉnh nói chung, Đại đội 915 nói riêng và cũng nên có sự đánh giá khái quát thành tích hoạt động của cả Đội TNXP 91 Bắc Thái giai đoạn đó.

Cần đặc biệt quan tấm đến giá trị sử dụng của cuốn sách

Thạc sĩ Đào Ngọc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh: Tôi quan tâm nhiều đến giá trị sử dụng, ứng dụng của cuốn sách quan trọng cũng là một công trình khoa học có quy mô này và thấy bản thảo đã cơ bản đáp ứng điều đó. Khi được xuất bản, cuốn sách sẽ là tài liệu tin cậy phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến và giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Đồng thời góp phần giới thiệu, quảng bá truyền thống, vùng đất, con người Thái Nguyên ra cả nước và thế giới. Bởi thực tế, sự kiện 60 TNXP hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại Ga Lưu Xá vẫn chưa được nhiều người biết đến hoặc họ chưa nắm được thông tin chính xác, đầy đủ. Để Cuốn sách có chất lượng tốt, theo tôi cần chỉnh sửa một số chi tiết và trình bày logic, hấp dẫn người đọc hơn.

Cẩn trọng để tránh những thiếu sót không đáng có

Ông Nguyễn Ngọc Lâm, một người nghiên cứu lịch sử địa phương: Đọc bản thảo, tôi thấy cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu, trình bày của các tác giả là hợp lý. Tài liệu tham khảo, trích dẫn cơ bản đủ về số lượng và có chất lượng tốt, đảm bảo độ tin cậy. Tuy vậy, vì là người đã nhiều năm cống hiến trong quân ngũ và quan tâm nghiên cứu lịch sử địa phương, tôi cho rằng các tác giả cần làm rõ, chỉnh sửa, bổ sung một số chi tiết lịch sử, địa danh cho chính xác. Cách viết cần thống nhất, ví dụ phần giới thiệu quê quán các liệt sĩ ở những nơi đã điều chỉnh địa giới hành chính thì nên viết thống nhất tên địa phương cũ và thêm phần địa danh hiện nay. Có như vậy, cuốn sách khi hoàn chỉnh mới tránh được những thiếu sót không đáng có, đáp ứng sự kỳ vọng về chất lượng của một công trình khoa học lịch sử quan trọng.