Nhiều nét mới trong công tác Đảng ở Hà Giang

16:10, 27/06/2018

Trong nội dung chương trình tập huấn về công tác xây dựng Đảng do Ban Tổ chức Trung ương và Báo Nhân Dân phối hợp thực hiện đầu tháng 6 vừa qua, các học viên là lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương đã có chuyến thực tế ở Hà Giang. Là mảnh đất địa đầu khó khăn bậc nhất của cả nước, nhưng Hà Giang đã có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng Đảng, rất đáng để nghiên cứu rút kinh nghiệm và nhân rộng.

Quyết liệt sắp xếp tổ chức

Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Tài, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang thông tin: Đến nay, Hà Giang đã thực hiện 8 mô hình tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII. Toàn tỉnh giảm được 26 đầu mối cấp phòng và tương đương trực thuộc huyện, thành phố và đơn vị cấp tình; giảm 33 chức danh cấp trưởng và 53 cấp phó phòng. Đáng chú ý nhất là tỉnh thực hiện quyết liệt việc nhất thể hóa chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và thôn, xóm; khoán kinh phí hoạt động cho các đoàn thể. Kết quả, số người hoạt động không chuyên trách cấp xã từ trung bình 16 người/đơn vị giảm xuống còn 8,6 người; xóm, tổ dân phố giảm từ trung bình 11,8 người/đơn vị xuống còn 6,5 người. Tính chung toàn tỉnh giảm được gần 10 nghìn người, tiết kiệm ngân sách khoảng 20 tỷ đồng mỗi năm.

Trên cơ sở kết quả đạt được, Tỉnh ủy Hà Giang đang tiếp tục xây dựng 9 đề án cấp tỉnh về tổ chức bộ máy để xin ý kiến Ban Bí thư cho chủ trương thực hiện. Trong đó có hợp nhất một số cơ quan như Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra và Thanh tra tỉnh; kết thúc hoạt động của Đảng bộ khối Doanh nghiệp, Đảng bộ Khối cơ quan tỉnh; thành lập Đảng bộ Cơ quan Đảng - Đoàn thể trực thuộc Tỉnh ủy; hợp nhất văn phòng các ban xây dựng Đảng… Để triển khi thực hiện, Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã thành lập 2 cơ quan lâm thời của Ban Tổ chức, Nội vụ và Ủy ban Kiểm tra, Thanh tra.

Không chỉ cơ cấp tỉnh, nhiều địa phương của Hà Giang tiên phong thực hiện các mô hình về công tác Đảng. Điển hình nhất là ở huyện Bắc Quang có mô hình Đảng bộ Khối cơ quan Đảng - Đoàn thể trên cơ sở sáp nhập 12 chi bộ trực thuộc Huyện ủy (năm 2014). Tiếp đó là thành lập 3 đảng bộ khối các cơ quan, gồm: Khối Kinh tế; Khối Văn hóa - Xã hội và Khối Nội chính. Nhờ vậy, đã giảm số tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Huyện ủy từ 82 xuống còn 40, giúp giảm áp lực đối với Ban Thường vụ Huyện ủy về thời gian và khối lượng công việc; sự phối hợp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao vì thế cũng theo hướng tích cực và chặt chẽ hơn so với trước.

Chặt chẽ trong đánh giá cán bộ

Để làm tốt công tác đánh giá cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ướng 4, khóa XII, Tỉnh ủy Hà Giang đã xây dựng bộ công cụ nhận diện 27 nội dung biểu hiện suy thoái với các mức độ tương ứng thang điểm từ 1 đến 100. Cá nhân tự đánh giá và được tập thể đánh giá, góp ý cho từng đồng chí cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên các cấp theo các biểu hiện suy thoái đó. Cán bộ, đảng viên có mức độ suy thoái hoặc “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” ở mức độ nào thì chi bộ, cấp ủy, tổ chức Đảng có thẩm quyền căn cứ vào mức độ cụ thể để có biện pháp giáo dục khắc phục, thậm chí thực hiện quy trình kỷ luật. Mỗi năm Tỉnh ủy tiến hành đánh giá hai lần theo bộ công cụ này, làm cơ sở cho quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ; làm tài liệu phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy các cấp.

Cùng với đó, Hà Giang là một trong số ít các địa phương sớm giao nhiệm vụ cho lãnh đạo chủ chốt của tỉnh phụ trách xã. Cụ thể, mỗi đồng chí là Thường vụ Tỉnh ủy được giao phụ trách 13 xã, phường, thị trấn và 5 đảng bộ sở, ngành; một năm phải đi kiểm tra, giám sát ít nhất mỗi đơn vị một lần và kết luận bằng văn bản để giúp các cấp ủy viên có thêm thông tin trong chỉ đạo, giải quyết các vấn đề đặt ra tai cơ sở. Từ chỉ đạo, nhiều cơ sở đã xây dựng được các mô hình phù hợp. Tiêu biểu như Đảng bộ huyện Đồng Văn phát động cán bộ, đảng viên đi đầu trong phong trào di dời, cải tạo chuồng chăn nuôi gia súc để bảo đảm hợp vệ sinh; Đảng bộ huyện Hoàng Su Phì phát động phong trào “Hũ gạo tình thương”; Đảng bộ Mèo Vạc phân công Thường vụ Huyện ủy dự họp và chấm điểm các đảng ủy cơ sở…

Thực hiện “nói đi đôi với làm”, cán bộ, đảng viên và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở Hà Giang cũng có nhiều việc làm thiết thực. Cụ thể: 100% Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy không sử dụng xe công đưa, đón từ nhà đến cơ quan; cấp ủy các cấp, cơ quan, địa phương không tổ chức ăn uống sau hội nghị, chúc mừng khen thưởng, bổ nhiệm, hoặc chuyển công tác. Ở huyện Mèo Vạc có quy định lãnh đạo đi công tác cơ sở cách trung tâm dưới 10km thì không sử dụng xe công mà đi bằng xe máy cá nhân. T.P Hà Giang thì tổ chức diễn đàn “Ngày thứ sáu nghe dân nói”. Nhờ đó mà cấp ủy giải quyết được nhiều vấn đề nảy sinh từ cơ sở; nắm bắt dư luận phản ánh về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên nơi cư trú, nhất là những bức xúc trong quản lý trật tự đô thị.

Cùng tham gia chuyến thực tế, ông Ngô Minh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng đánh giá: Tôi có điều kiện đi thực tế ở nhiều địa phương và nhận thấy Hà Giang đã có nhiều cách làm mới trong công tác xây dựng Đảng. Nhất là việc xây dựng, thực hiện bộ công cụ đánh giá cán bộ và một số mô hình sáp nhập tổ chức Đảng cơ sở. Điều này đã bước đầu cho thấy những hiệu quả tích cực, rất cần có sự đánh giá nghiêm túc và nhân rộng.