Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc bảo tồn và phát huy di sản không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sự nghiệp của quần chúng và cộng đồng; cần sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân trực tiếp tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Ngày 27/7, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cùng đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương và Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước với bao biến cố thăng trầm của lịch sử; là biểu tượng của sự trường tồn, đồng thời là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc. Kho tàng di sản văn hóa đồ sộ đó không chỉ góp phần tạo nên nền văn hóa Việt Nam phong phú và đa dạng mà còn đem lại những giá trị cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Những năm qua, các di sản văn hóa được nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy, đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục lịch sử, vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc; góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia, truyền bá các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ quan trọng của di sản văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua hoạt động du lịch, giao lưu văn hóa và hợp tác phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Di sản văn hóa ở Việt Nam đã và đang thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò quan trọng trong việc giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, hình thành nên nguồn nhân lực đóng góp trực tiếp, quyết định vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Trên phương diện kinh tế - xã hội, nhiều di sản văn hóa đã trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch hoàn chỉnh, vừa là động lực vừa là mục tiêu cho sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, đồng thời, từng bước làm thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương nơi có di sản, mang tới cho cộng đồng và địa phương những lợi ích thiết thực và bền vững.
Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng khẳng định: Di sản văn hoá Việt Nam là kết tinh trí tuệ, tình cảm, truyền thống của các thế hệ. Mặc dù phải trải qua biết bao biến cố của lịch sử, bị mất mát, hủy hoại bởi chiến tranh và điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, nhưng kho tàng di sản văn hóa của dân tộc ta vẫn vô cùng phong phú và đa dạng. Di sản văn hóa có ý nghĩa to lớn trong việc hình thành nhân cách con người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai, là nguồn lực quan trọng đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Hiện trên cả nước có trên 4 vạn di tích đã được kiểm kê; trong đó có gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; 3.463 di tích quốc gia; 95 di tích quốc gia đặc biệt; 08 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới được UNESCO ghi danh.
Theo thống kê, cả nước hiện có 61.669 di sản văn hóa phi vật thể của 63 tỉnh/thành được kiểm kê, trong đó, có 249 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 12 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh.
Ngoài ra, theo Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO, tính đến nay, Việt Nam đã có 7 Di sản Tư liệu được UNESCO ghi danh (gồm 3 Di sản Tư liệu Thế giới và 4 Di sản Tư liệu Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương).
Từ năm 2011 đến 2018, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, Chính phủ đã hỗ trợ trực tiếp trên 1.560 tỷ đồng cho các địa phương trên cả nước để chống xuống cấp và tu bổ di tích. Công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích đã đạt được những hiệu quả tích cực, đã huy động được nguồn vốn không nhỏ từ các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng và nguồn vốn viện trợ của UNESCO, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ cho bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích. Theo số liệu thống kê từ các địa phương, giai đoạn từ năm 2010 đến 2018, nguồn xã hội hóa cho tu bổ, tôn tạo di tích lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Cùng với hệ thống di tích, hệ thống bảo tàng ở nước ta đã có sự phát triển đáng kể trên nhiều mặt. Hệ thống bảo tàng đã được phát triển từ một vài bảo tàng xây dựng từ thời Pháp thuộc thành một hệ thống gồm 161 bảo tàng (với 125 bảo tàng công lập và 36 bảo tàng ngoài công lập). Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, các bảo tàng đã sưu tầm, lưu giữ, từng bước phát huy giá trị được hơn 3 triệu tài liệu, hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập hiện vật quý hiếm và 142 bảo vật quốc gia có giá trị cao đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận, góp phần quan trọng giới thiệu về lịch sử, văn hóa Việt Nam tới đông đảo công chúng
Trong thời gian qua, các di sản văn hóa phi vật thể cũng được sưu tầm nghiên cứu, phục dựng, trao truyền và tổ chức trình diễn, trực tiếp nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế - xã hội cộng đồng cư dân tại địa phương.
Năm 2015, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho 600 cá nhân và truy tặng 17 cá nhân, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn bền vững các di sản văn hóa phi vật thể của đất nước...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc bảo vệ và phát huy di sản trong thời gian qua. Thủ tướng khẳng định: Di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước, là kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được. Vì vậy, việc bảo tồn các di sản, di tích là việc làm quan trọng và vô cùng cần thiết trong công cuộc kiến thiết nước nhà. Từ trước đến nay, từ tư tưởng của Bác Hồ đến các Nghị quyết Trung ương Đảng, hệ thống pháp luật và cả hiến pháp qua các thời kỳ đều đề cập đến yêu cầu bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, di sản văn hóa, nghệ thuật, danh lam thắng cảnh đất nước.
Tuy nhiên theo Thủ tướng, trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả đã làm được,công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc vẫn còn những hạn chế, bất cập như: Nhận thức xã hội về giá trị di sản văn hóa chưa thật sâu sắc và toàn diện, ý thức pháp luật trong việc tôn trọng và bảo vệ di sản chưa cao. Chưa rõ trách nhiệm trong việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo các di tích, di sản. Pháp luật đã có đủ nhưng thực thi chưa nghiêm. Công tác phối hợp của các cấp, các ngành chưa tốt. Chưa xử lý tốt quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, bảo đảm quyền lợi cho người dân nơi có di sản. Việc triển khai quy hoạch di tích ở nhiều địa phương chưa kịp thời; công tác bảo vệ di sản nhiều nơi còn chưa tốt, nhiều di sản còn bị xâm hại. Việc tu bổ, tôn tạo, nâng cấp nhiều di sản theo kiểu “hiện đại hóa”, “hào nhoáng” đã làm mất đi nét chân thực, tính độc đáo vốn có của di sản. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ nghệ nhân triển khai còn chậm; chưa quan tâm đúng mức nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật, chưa có giải pháp toàn diện phát huy giá trị di sản văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Việc bảo tồn và phát huy di sản không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sự nghiệp của quần chúng và cộng đồng, vì vậy Thủ tướng khẳng định: Nhà nước chỉ tạo khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách để nhân dân đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị di sản. Bên cạnh đó phải đẩy mạnh hội nhập và giao lưu quốc tế trong bảo tồn và quản lý di sản vì bản chất của di sản và văn hóa là giao lưu. Phải nghiêm túc thực hiện các cam kết với UNESCO và quốc tế. Phải đóng góp bản sắc của Việt Nam để làm phong phú hơn bức tranh toàn cầu về đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc trên thế giới và coi đó là nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế.
Để làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững, Thủ tướng yêu cầu các ngành, các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh các hoạt động giám sát, tăng cường bảo vệ và bảo đảm an toàn cho các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới và các Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Phân cấp quản lý di sản cụ thể, xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm, đồng thời phát huy tốt nhất tính chủ động, khả năng sáng tạo của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và của nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Phát huy vai trò giám sát của xã hội, của cộng đồng. Bên cạnh đó cần sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân trực tiếp tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản, vừa được trực tiếp hưởng thụ thành quả do hoạt động này mang lại. Bên cạnh đó Thủ tướng cho rằng cần xử lý hài hòa quan hệ giữa phát triển du lịch với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo vệ môi trường và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong bảo tồn, quản lý di sản; khẩn trương số hóa cơ sở dữ liệu về di sản để lưu trữ và khai thác….
Tại Hội nghị, các nhà quản lý, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực di sản cũng đã tập trung bàn thảo những vấn đề như: Cơ chế hoạt động giữa Việt Nam và UNESCO trong việc thực hiện các Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản thế giới; Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh vì sự phát triển bền vững; Bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi với vấn đề phát triển sản phẩm du lịch; Sử dụng nguồn lực quốc gia và quốc tế trong việc giữ gìn không gian văn hóa - môi trường diễn xướng cho cồng chiêng Tây Nguyên; các bài học trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Huế, Hội An, Vịnh Hạ Long…
Trong khuôn khổ hội nghị, các nghệ nhân của các loại hình di sản văn hóa như: Bài chòi, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Hát then, đàn tính, Dân ca Quan họ… cũng đã trình diễn những làn điệu tiêu biểu của mỗi loại hình di sản./.