Trong ngày làm việc thứ ba, cũng là ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIII, tại phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và một số sở, ngành đã làm rõ nhiều vấn đề các đại biểu và cử tri quan tâm. Dưới đây là một số lược ghi về nội dung này.
Đối với các nội dung giải trình
*Dự kiến bàn giao khoảng 9.000ha rừng cho các địa phương
Về đề nghị sớm có hướng dẫn các huyện, thành phố, thị xã sử dụng đất của các nông, lâm trường trả về cho địa phương quản lý, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 11 công ty nông, lâm nghiệp, đến nay, Sở Tài nguyên - Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh thu hồi 10.804ha đất để giao địa phương quản lý. Trong thời gian tới, diện tích các đơn vị tiếp tục rà soát và dự kiến bàn giao lại cho địa phương là khoảng 9.000ha. Chúng tôi đã có công văn và hướng dẫn các huyện, thành, thị lập phương án sử dụng đối với diện tích đất có nguồn gốc từ các nông lâm trường quốc doanh bàn giao cho địa phương. Sau khi xác định được phương án sử dụng đất, UBND các huyện, thành, thị trình Sở Tài Nguyên - Môi trường thẩm định, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt.
Đối với diện tích công ty lâm nghiệp đã bàn giao cho địa phương, các đơn vị không có tài liệu, bản đồ hoặc bản đồ đo bao nên khó khăn trong việc lập phương án sử dụng đất. Để tháo gỡ, Sở Tài nguyên - Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh đến năm 2020. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục làm việc với các huyện, thành phố, thị xã để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc lập phương án sử dụng đất của từng đơn vị làm cơ sở giao đất, cho thuê đất.
*Chưa có quy định quản lý, sử dụng chung biên chế giữa các khối cơ quan
Đối với đề nghị xây dựng cơ chế để thực hiện liên thông biên chế giữa cơ quan Đảng với cơ quan Nhà nước, ông Trần Dương Thịnh, Giám đốc Sở Nội vụ trả lời: Nếu hiểu việc liên thông giữa biên chế khối Đảng, đoàn thể với khối chính quyền là điều động, bố trí cán bộ công chức, viên chức giữa các cơ quan với nhau thì trong thời gian qua, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền và phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên điều động, bố trí cán bộ, công chức giữa các khối trên cơ sở đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh, ngạch… theo vị trí việc làm và biên chế được giao. Còn hiểu liên thông giữa biên chế khối Đảng, đoàn thể với khối chính quyền là thống nhất quản lý, sử dụng chung biên chế thì chưa có căn cứ thực hiện. Bởi, biên chế khối Đảng, đoàn thể của các cơ quan Trung ương, cấp tỉnh và huyện do Ban Tổ chức Trung ương giao; biên chế khối chính quyền do Bộ Nội vụ giao. Đảng và Nhà nước chưa có quy định việc quản lý, sử dụng chung biên chế các cơ quan khối Đảng, đoàn thể và khối chính quyền.
*Khuyến khích đầu tư chống quá tải ở các cấp học
Giải trình về tình trạng quá tải ở các cấp học, nhất là cấp học mầm non và tiểu học ở các huyện, thành, thị, đặc biệt là ở các địa phương có các khu, cụm công nghiệp, ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ngành Giáo dục - Đào tạo đang thực hiện các giải pháp rất cụ thể như: Tham mưu với tỉnh tăng cường đầu tư xây dựng mới các phòng học, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất các phòng học, phòng chức năng; thành lập thêm các trường mầm non, tiểu học; chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học linh hoạt lựa chọn phương án tổ chức cho trẻ, học sinh học tại các phòng chức năng hoặc mượn phòng học của trường học khác trên cùng địa bàn; phân địa bàn tuyển sinh cho các trường mầm non, tiểu học ở từng xã, phường, thị trấn để giảm tải đối với các đơn vị trung tâm; giao nhiệm vụ tuyển sinh cho các trường mầm non, các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo thuộc sự quản lý của các ngành, đơn vị khác (như quân đội, công ty, xí nghiệp) tuyển sinh thêm cả đối tượng bên ngoài. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tham mưu với tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng trường học chất lượng cao, đặc biệt các trường mầm non, tiểu học ở trung tâm các huyện, thành, thị và các khu công nghiệp tập trung nhiều con em công nhân, người lao động.
Đối với nội dung chất vấn
*Sẽ đề nghị cổ phần hóa nhà máy nước ở các địa phương
Đại biểu Nguyễn Thị Loan (Tổ Đại Từ) chất vấn: Hiện nay, các trạm cung cấp nước sạch tại các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh, hạ tầng cấp nước đã xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh nước sạch thua lỗ, giải pháp của UBND tỉnh trong thời gian tới như thế nào?
Đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trả lời: Hiện nay, ngoài phạm vi cấp nước của Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên, trên địa bàn tỉnh có một số nhà máy đang cấp nước cho người dân ở 5 khu vực, địa phương trên địa bàn tỉnh (Đại Từ, Võ Nhai, Phú Lương…), nhưng hoạt động thua lỗ. Với lý do các nhà máy này sử dụng nguồn vốn vay, với vốn đầu tư ban đầu lớn, trong khi đó, tại các địa phương này, số hộ dân sử dụng nước chưa hết công suất thiết kế của các nhà máy đầu tư, nên việc thu hồi vốn gặp nhiều khó khăn, dẫn tới việc thua lỗ. UBND tỉnh đã giao cho Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu để xử lý vấn đề này.
*Thẩm định, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng
Đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Hương (Tổ Định Hóa) chất vấn: Định Hóa là địa phương có nhiều hộ gia đình có nguồn thu nhập chính từ rừng. Cử tri huyện Định Hóa đề nghi tỉnh sớm phê duyệt kết quả rà soát 3 loại rừng để người dân Định Hóa có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống?
Đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời: Huyện Định Hóa đã thực hiện xong việc quy hoạch đất rừng, với diện tích trên 38.000ha. Trong quá trình triển khai, giữa quy hoạch 3 loại đất rừng và quy hoạch đất đai có sự sai khác. Năm 2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất gắn với điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Định Hóa. Do thời điểm xây dựng điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện Định Hóa chưa kịp phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất nên chưa có căn cứ đưa vào điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Đến nay, công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng các huyện, thành phố, thị xã cơ bản hoàn thành. Hiện nay, UBND tỉnh đang báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, thẩm định điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng. Sau khi có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh Thái Nguyên, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo cập nhật, bổ sung vào Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 để không ảnh hưởng đến phát triển sản xuất của người dân. Giai đoạn 2016-2018, UBND tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân trồng rừng của vùng ATK Định Hóa, với tổng số tiền trên 40 tỷ đồng.
* Chất lượng Kỳ họp được nâng lên
Sau ba ngày làm việc, kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIII đã hoàn thành các phần việc theo đúng nội dung chương trình đề ra. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã ghi lại một số ý kiến đánh giá, nhận xét của đại biểu (ĐB) và cử tri về kỳ họp này.
Công tác chuẩn bị cho Kỳ họp ngày càng chu đáo
ĐB Dương Thị Hồng Nhã, Tổ Phú Bình: Tôi đánh giá cao công tác chuẩn bị của Thường trực HĐND tỉnh những kỳ họp gần đây, nhất là kỳ họp thứ 7. Cả về hình thức và nội dung đều rất chu đáo. Tài liệu phục vụ cho ĐB đảm bảo đúng quy định. Nhờ đó, các ĐB có điều kiện tập trung thảo luận đúng định hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm, cũng như có ý thức trách nhiệm cao hơn trong các phiên thảo luận. Tại kỳ họp này, nhiều nghị quyết được thông qua liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhiều đối tượng khác nhau nên UBND tỉnh cần sớm cụ thể hóa trên thực tế.
Linh hoạt trong điều hành của Chủ tọa
ĐB Nguyễn Thu Hương, Tổ Phú Lương: Tôi đánh giá cao công tác điều hành của Chủ tọa Kỳ họp. Những câu trả lời nào chưa đi vào trọng tâm, đều được Chủ tọa nhắc nhở kịp thời và định hướng thêm các vấn đề mà ĐB đề nghị làm rõ. Điều này vừa giúp chất lượng giải trình và trả lời câu hỏi chất vấn được đảm bảo, cử tri thêm hài lòng, vừa tiết kiệm được thời gian cho các ĐB khác.
Chất lượng thẩm tra các báo cáo, tờ trình được nâng cao
ĐB Dương Văn Hiến, Tổ T.X Phổ Yên: Qua từng kỳ họp, tôi nhận thấy các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết ngày càng được thẩm tra chi tiết, đảm bảo chất lượng. Những nội dung còn thiếu hoặc chưa rõ đều đã được các ban của HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh và cơ quan tham mưu bổ sung, giải trình cụ thể. Việc cung cấp thêm các tài liệu để phục vụ tốt hơn cho các ĐB tham gia thảo luận trước khi thông qua Nghị quyết cũng rất kịp thời.
Cụ thể hóa các giải pháp sau Hội nghị xúc tiến đầu tư
Ông Mai Phúc Toàn, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, tổ 14, phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên: Tôi rất phấn khởi về những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm nay, đặc biệt là kết quả của sau Hội nghị xúc tiến đầu tư tổ chức mới đây. Tại kỳ họp này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã nhắc tới việc phải cụ thể hóa các giải pháp để thực hiện các thỏa thuận đã được ký kết, nhất là đối với từng trường hợp đã thể hiện qua biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư, cũng như phải tiếp tục đổi mới về phương pháp, cách làm trong cải thiện môi trường đầu tư.
Nội dung chất vất có trọng tâm, trọng điểm
Bà Ngọc Thị Lan Thái, ở tổ dân phố 2, phường Ba Hàng, T.X Phổ Yên: Các nội dung được đề cập tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đều có trọng tâm, phán ánh đầy đủ ý kiến, nguyện vọng của cử tri như: Vấn đề tinh giản biên chế hay tình trạng quá tải ở các trường học; giải pháp cung cấp nước sạch cho người dân; tháo gỡ khó khăn cho người dân huyện Định Hóa trong việc phát triển kinh tế rừng; giải quyết một số chế độ chính sách cho người có công… Trước những câu hỏi của ĐB, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành đã cơ bản trả lời đúng vấn đề.