Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX vào cuộc sống, ngay sau Đại hội, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo và ban hành 6 đề án về công tác xây dựng Đảng. Trong đó đáng chú ý là Đề án số 06-ĐA/TU ngày 22/11/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng tỉnh Thái Nguyên trong sạch, vững mạnh, giai đoạn 2016-2020” (Đề án số 06-ĐA/TU). Sau hơn 1 năm thực hiện, hiệu ứng của Đề án đã được thể hiện rõ, đặc biệt là công tác phát triển đảng viên mới để xóa tình trạng xóm không có đảng viên và giảm số chi bộ sinh hoạt ghép…
Nhiều giải pháp tích cực
Thời gian qua, cấp uỷ các cấp đã có nhiều giải pháp tập trung lãnh đạo công tác phát triển đảng viên, đặc biệt chú trọng những xóm, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng, có ít đảng viên, còn phải sinh hoạt ghép. Từ chủ trương đúng, nhiều chi bộ ghép được chia tách thành công, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của chi bộ, đảng viên, tạo được niềm tin với nhân dân…
Phát huy vai trò cấp uỷ
Phú Lương là một trong những địa phương hoàn thành sớm việc xóa chi bộ sinh hoạt ghép. Đây là kết quả sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy các cấp cùng việc vận dụng nhiều giải pháp phù hợp với thực tế địa phương. Tháng 3-2017, chi bộ sinh hoạt ghép cuối cùng trên địa bàn huyện là Khe Nác - Đồng Tâm, xã Động Đạt đã tách ra sinh hoạt độc lập.
Ông Đàm Tiến Niên, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Định Hóa: Xóa các chi bộ ghép nhằm nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng ở các thôn, xóm là một giải pháp đúng đắn, Huyện ủy Định Hóa cũng đang tập trung để thực hiện điều này. Tuy nhiên, chúng tôi không chạy theo thành tích, chia tách bằng mọi giá mà tập trung vào việc phát triển đảng viên, đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt. |
Ông Nguyễn Quốc Hưng, xóm Cường Thịnh, xã Phú Thịnh (Đại Từ): Việc chia tách thành lập các chi bộ hoạt động độc lập ở từng thôn, xóm giúp công tác lãnh đạo hiệu quả hơn rất nhiều. Ở xóm Cường Thịnh, Chi bộ đã lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ sát với thực tế, nhận được sự đồng thuận cao của người dân nên khi triển khai các công việc, nhất là các công việc tập thể đều rất nhanh chóng. |
Để đủ điều kiện về số lượng đảng viên cho phép chia tách, Đảng ủy xã Động Đạt đã quyết định phân công 2 cán bộ xã và 1 đảng viên ở xóm Khe Nác sang sinh hoạt ở Đồng Tâm. Việc phân công này không đơn thuần mang tính cơ học mà phù hợp với thực tế ở cơ sở. Cụ thể, anh Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách mảng văn hóa - xã hội, cũng là đảng ủy viên phụ trách chi bộ nên nắm rõ địa bàn, có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động bà con dân tộc Mông trong xóm thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Anh Đỗ Viết Lâm, Trưởng Công an xã được giao nhiệm vụ đảm bảo về vấn đề an ninh - trật tự vì xóm có điểm nhóm đạo Tin lành. Trong khi đó, anh Bùi Văn Dương tuy là người Khe Nác nhưng hầu hết diện tích đất canh tác đều nằm ở xóm Đồng Tâm. Đến nay, Chi bộ Đồng Tâm đã bồi dưỡng kết nạp được 1 đảng mới và đang có một quần chúng ưu tú học lớp bồi dưỡng nhận thức Đảng.
Cũng với cách làm tương tự, tháng 4 vừa qua, Đảng bộ thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) đã chia tách cùng lúc 2 chi bộ liên xóm 7, 8 (Đá Mài - Đồng Khuân) và 5, 6 (Đồng Cả - Xuân Đài). Trong đó, riêng Chi bộ Đá Mài có 4 đảng viên thì 2 chuyển về từ Chi bộ Cơ quan, một chuyển từ xóm lân cận. Ông Đồng Thanh Nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn được chỉ định là Bí thư Chi bộ nói: “Cùng lúc được giao thêm nhiệm vụ mới quả có vất vả hơn. Tôi không chỉ xuống cơ sở cho đủ số lượng mà còn hỗ trợ tạo nguồn, bồi dưỡng phát triển đảng viên mới và xây dựng nghị quyết phù hợp với thực tế”.
Đối với Đảng bộ huyện Định Hóa, giải pháp để xóa chi bộ sinh hoạt ghép chủ yếu tập trung vào việc phát triển đảng viên mới. Số ượng đảng viên kết nạp mới hằng năm đều cao hơn so với nghị quyết đề ra (trung bình 250-300 đảng viên/năm). Đặc biệt, hầu hết các chi bộ ghép đều kết nạp được đảng viên để đảm bảo đủ số lượng chia tách. Tính từ năm 2017 đến nay, huyện đã xóa được 5 chi bộ ghép; 5 chi bộ ghép còn lại ở các xã: Tân Thịnh, Trung Hội, Bình Thành và Lam Vỹ có kế hoạch “xóa” từ nay đến hết năm 2019. Phổ Yên cũng là địa phương có nhiều giải pháp để giảm số chi bộ ghép. Sau hơn 1 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU, đến nay đã giảm được 5 chi bộ ghép.
Với sự chỉ đạo tích cực của các tổ chức cơ sở đảng, đến thời điểm này, toàn tỉnh giảm được 24 xóm, tổ dân phố chưa có chi bộ còn phải sinh hoạt ghép so với khi ban hành Đề án 06-ĐA/TU là 181 xóm, tổ dân phố.
Quan tâm củng cố chi bộ yếu và mới chia tách
Cùng với việc chia tách các chi bộ ghép, các địa phương cũng rất chú trọng việc đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 10/3/2007 của Ban Bí thư về “Nội dung sinh hoạt chi bộ”.
Đảng bộ Định Hóa là một trong những địa phương đạt được kết quả đáng ghi nhận. Ông Lưu Đức Hồng, Bí thư Đảng ủy xã Quy Kỳ cho biết: Chúng tôi xác định, khắc phục tình trạng sinh hoạt định kỳ mang tính hình thức, đơn điệu là giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của các chi bộ, nhất là khu vực nông thôn. Đảng ủy xã quy định nội dung bắt buộc với chi bộ trực thuộc là phải thực hiện sinh hoạt chuyên đề học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đồng thời, xây dựng mẫu sẵn để đảng viên đăng ký những việc sẽ làm trong năm, từ đó có cơ sở kiểm điểm và nhận xét theo từng tháng. Riêng với chi bộ yếu hoặc thường xuyên chỉ hoàn thành nhiệm vụ, Đảng ủy xã tăng cường cán bộ xuống cơ sở để hỗ trợ trong việc tổ chức sinh hoạt, xây dựng nghị quyết và triển khai các hoạt động theo hình thức “cầm tay chỉ việc”.
Với chi bộ có cán bộ, đảng viên vi phạm cũng kịp thời có sự chấn chỉnh và kiện toàn. Năm 2017, Chi bộ xóm Đông Nghè, xã Kim Phượng bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ. Nguyên nhân là để xảy ra tình trạng mất dân chủ và sai phạm trong quá trình thi công tuyến đường giao thông nông thôn. Bí thư Chi bộ Nguyễn Viết Ơn bị kỷ luật Đảng với mức khiển trách; UBND xã cũng thi hành kỷ luật đối với Trưởng xóm Sằm Văn Giang. Ông Hà Thế Trưởng, Bí thư Đảng ủy Kim Phượng cho biết: Sau khi để xảy ra sai phạm nói trên, chúng tôi đã họp và thống nhất chủ trương cần phải thay đổi bộ máy lãnh đạo ở xóm. Tại kỳ Đại hội Chi bộ, các đảng viên đã bầu ông Phạm Xuân Chinh, là cán bộ hưu trí của xã làm Bí thư; nhân dân trong xóm cũng bầu được trưởng xóm mới. Sau khi kiện toàn, hoạt động của chi bộ và các đoàn thể trong xóm đã từng bước quy củ và hiệu quả hơn.
Củng cố chi bộ sau khi thực hiện chia tách cũng được Đảng bộ huyện Phú Lương xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Bà Lê Thị Thủy Nguyên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Huyện ủy nhận định: Một trong những giải pháp mà Đảng bộ huyện tập trung thực hiện là phân công cán bộ, đảng viên về sinh hoạt ở những địa bàn yếu và thiếu về số lượng. Bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ chính trị, những cán bộ, đảng viên được phân công còn phải giúp đỡ cơ sở tạo nguồn kết nạp đảng viên mới.
Ở Đại Từ, Đề án số 06-ĐA/TU được Huyện ủy cụ thể hóa bằng Đề án số 03-ĐA/HU với nội dung trọng tâm là giữ vững nền nếp, cải tiến và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chi ủy và cấp ủy. Đến nay, Huyện ủy Đại Từ đã có quy định thống nhất thời gian tổ chức sinh hoạt chi bộ trong toàn huyện. Ông Lê Văn Năm, Bí thư Đảng ủy xã Tân Linh cho biết: Thay vì các chi bộ tự chủ động thời gian sinh hoạt như trước, Đảng bộ xã đã quy định lịch chung vào ngày 30 hằng tháng. Điều này mang đến nhiều thuận lợi, đó là bí thư chi bộ không phải mất công thông báo lịch họp, đảng viên đi làm ăn xa có thể chủ động sắp xếp công việc về dự họp, cấp trên muốn kiểm tra, giám sát cũng rất thuận lợi. Kết quả là, các chi bộ sinh hoạt đều hơn, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt cũng tăng từ khoảng 70% trước đây lên 90-95% hiện nay.
Một giải pháp trọng tâm nữa là đổi mới nội dung sinh hoạt, nêu cao vai trò của chi ủy và bí thư chi bộ. Ông Nguyễn Văn Mậu, Bí thư Chi bộ xóm Đặn 1, xã Ký Phú cho biết: Trong nhiệm kỳ này, những người là bí thư chi bộ, chi ủy thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp tổ chức một buổi sinh hoạt hiệu quả, vừa đảm bảo thời gian, vừa phát huy được vai trò của chi ủy, ý kiến phát biểu của đảng viên để xây dựng nghị quyết phù hợp với thực tế.
Thực tế cho thấy, việc chia tách các chi bộ ghép tạo hiệu ứng tích cực. Trong đó nổi bật là vai trò của tổ chức đảng được nâng lên. Khi còn sinh hoạt ghép, nghị quyết của hầu hết các chi bộ thiếu cụ thể, chưa bám sát tình hình thực tế và nhiệm vụ của từng thôn xóm, đơn vị. Nay vấn đề đó được khắc phục nhờ sự chủ động ở mỗi chi bộ cũng như tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, việc chia tách chi bộ sinh hoạt ghép cơ bản đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo điều kiện để các chi bộ từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, giúp cho công tác tuyên truyền, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hiệu quả hơn. Đảng viên phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, đến thời điểm này toàn tỉnh vẫn còn 157/3.032 xóm, tổ dân phố chưa có chi bộ phải sinh hoạt ghép, chiếm 5,2%. Thực tế ở cơ sở cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ...
(Còn nữa)