Một trong những kết quả đạt được nổi bật của HĐND tỉnh khóa XIII từ đầu nhiệm kỳ đến nay là hoạt động giám sát giải quyết, ý kiến, kiến nghị của cử tri. Để hiểu rõ hơn nội dung này tại kỳ họp thứ 7, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn đối với đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.
P.V: Trước kết đồng chí có thể cho biết những nét cơ bản nhất về công tác chuẩn bị cho kỳ họp lần này của Thường trực HĐND tỉnh?
Đ/c Nguyễn Khắc Lâm: Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh là kỳ họp thường lệ theo quy định của luật. Tại kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thảo luận, cho ý kiến về 25 nội dung và dự kiến thông qua 14 nghị quyết, trong đó có những nghị quyết quan trọng, liên quan đến cơ chế chính sách, chủ trương, định hướng của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Để chuẩn bị cho kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã phân công các Ban HĐND tỉnh tổ chức thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp. Công tác thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh đã hoàn thành và được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định, đảm bảo chất lượng. Trước khi tổ chức thẩm tra, các Ban đã tiến hành khảo sát thực tế và làm việc với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan. Qua thẩm tra đã đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan có nội dung trình Kỳ họp báo cáo giải trình, làm rõ một số nội dung. Các báo cáo thẩm tra đã thể hiện rõ quan điểm và có tính phản biện, là một trong những căn cứ để đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu, thảo luận trước khi biểu quyết.
PV: Việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri ngày càng nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của cử tri. Có được điều này, thì vai trò giám sát của HĐND tỉnh được đánh giá cao, đặc biệt là sau cuộc giám sát chuyên đề năm 2017. Đồng chí có thể cho biết nội dung này được Thường trực HĐND tỉnh thực hiện như thế nào tại kỳ họp thứ 7?
Đ/c Nguyễn Khắc Lâm: Năm 2017, sau khi nghe báo cáo kết quả giám sát chuyên đề HĐND tỉnh về việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp HĐND tỉnh, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 8-12-2017 thông qua kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến 3 Kỳ họp HĐND tỉnh, trong đó còn 68 ý kiến, kiến nghị đang giải quyết; HĐND tỉnh đã giao UBND tiếp tục chỉ đạo giải quyết và báo cáo HĐND tỉnh kỳ họp cuối năm 2018. Tại kỳ họp này, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 5, kỳ họp thứ 6 và kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri tại Nghị quyết số 27 để đánh giá khách quan, toàn diện việc tiếp thu, giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới HĐND tỉnh. Từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đã thực hiện giám sát, khảo sát trực tiếp đối với UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và một số đơn vị cơ sở nơi cử tri có ý kiến, kiến nghị. Qua giám sát cho thấy, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và thực hiện việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri theo thẩm quyền. Những nội dung đã được UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết xong, dứt điểm 64 ý kiến, kiến nghị (chiếm tỷ lệ 28,8%); giải trình, thông tin với cử tri 61 ý kiến, kiến nghị (chiếm tỷ lệ 27,5%), số kiến nghị đang trong quá trình giải quyết là 91 (chiếm tỷ lệ 40,9%), các nội dung giải quyết đã phần nào tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đời sống xã hội, được cử tri đồng tình, đánh giá cao.
PV: Không ít vấn đề cử tri phản ánh, kiến nghị tại nhiều kỳ họp trước, nhưng phải đến kỳ họp này mới được giải quyết dứt điểm. Đồng chí có thể nói rõ hơn về nội dung này?
Đ/c Nguyễn Khắc Lâm: Do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan nên một số ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết dứt điểm. Sau khi có kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, cùng với sự hướng dẫn, hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, đến nay, nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri đã được giải quyết dứt điểm, có thể nêu ra một số ví dụ: Việc thực hiện khen thưởng đối với những người đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ (theo Quyết định số 98/2006/QĐ-TTg ngày 5-5-2006). Nguyên nhân chậm được giải quyết vì ngày 14-6-2016 Thủ tướng Chính phủ mới ban hành quy định mức trợ cấp đối với nội dung này; nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương. Đến nay, UBND tỉnh đã có quyết định cấp kinh phí về các địa phương thực hiện chi trả cho 7.107 trường hợp, với tổng số tiền 8,6 tỷ đồng, hiện còn 355 trường hợp đang chờ Bộ Tài chính cấp kinh phí bổ sung, hiện không còn hồ sơ tồn đọng.
Đối với việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tổ chức sắp xếp, đổi mới nông lâm trường trên địa bàn tỉnh, theo báo cáo giám sát tính đến thời điểm này, tỉnh đã sắp xếp lại 3 nông, lâm, trường. Diện tích đất đã được giao về cho các địa phương quản lý theo quy hoạch. Hay như cử tri huyện Đồng Hỷ kiến nghị việc hỗ trợ học tập cho các học sinh thuộc hộ nghèo theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP chậm. Theo quy định nguồn kinh phí thực hiện do ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương khó khăn về ngân sách, tuy nhiên tỉnh đã chủ động tạm ứng kinh phí của địa phương để thực hiện. Đến nay, tổng kinh phí cấp cho Đồng Hỷ thực hiện nội dung này là trên 8,3 tỷ đồng… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít những ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết dứt điểm, liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi phải chỉ đạo quyết liệt và thường xuyên hơn. Những ý kiến, kiến nghị liên quan đến nguồn lực nên khó xác định thời gian, nhiều nội dung đề nghị cần phải cân đối nguồn lực, xác định lộ trình giải quyết mới có thể giải quyết dứt điểm.
P.V: Đối với cử tri, một trong những vấn đề được quan tâm đặc biệt là ý kiến, kiến nghị của họ giải quyết ra sao?Thường trực HĐND tỉnh dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện khảo sát, giám sát nội dung này như thế nào trong thời gian tới?
Đ/c Nguyễn Khắc Lâm: Theo quy định của luật và kế hoạch công tác, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tổ chức giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trước mỗi kỳ họp HĐND tỉnh, đây là hoạt động giám sát thường xuyên của Thường trực HĐND tỉnh. Sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát, Thường trực HĐND tỉnh sẽ phân công các Ban HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh xây dựng kế hoạch giám sát, khảo sát đối với UBND tỉnh, các cơ quan sở, ngành và khảo sát trực tiếp việc giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri tại các địa phương nơi cử tri có ý kiến. Đồng thời tăng cường giám sát các kết luận, kiến nghị sau giám sát.
Thực hiện kiến nghị của Đoàn giám sát HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên chuyển đến. Như vậy, với sự chỉ đạo tích cực của UBND tỉnh, giám sát thường xuyên của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh, việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri sẽ ngày càng được quan tâm, chất lượng giải quyết sẽ ngày càng nâng lên. Tuy nhiên, cũng cần phải thông tin, tuyên truyền cho cử tri hiểu rõ có những kiến nghị của cử tri phải giải quyết thường xuyên; có những ý kiến, kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách, nguồn lực của địa phương nên chưa thể đáp ứng được ngay, cần phải có lộ trình và kế hoạch để bố trí nguồn lực từng bước đáp ứng với nguyện vọng của cử tri.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí