Chúng ta đang sống ở thời đại công nghiệp 4.0 với nền tảng khoa học công nghệ vượt trội. Dù vậy, yếu tố con người vẫn tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng số 1 của mình. 4.0 chính là vinh danh trí tuệ, nhưng dù rô-bốt có thông minh đến đâu cũng không thể thay thế được con người. Do đó, trong công tác cán bộ hiện nay, Đảng ta vẫn luôn xác định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”…
Theo đánh giá chuyên môn, chất lượng đội ngũ cán bộ của chúng ta hiện vẫn chưa đồng đều, không ít cán bộ, kể cả cán bộ cấp chiến lược chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao. Trình độ tư duy và khả năng thích ứng với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế của một bộ phận cán bộ còn chậm; năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện còn hạn chế. Trong đó, trình độ, năng lực, kiến thức về kinh tế thị trường, luật pháp, ngoại ngữ, khả năng quản lý nhà nước, quản lý xã hội của không ít cán bộ vẫn còn bất cập; khả năng dự báo và định hướng sự phát triển vẫn còn yếu. Đâu đó vẫn còn tồn tại thực tế đáng buồn là “người làm được thì không được làm, còn người được làm thì làm không được”.
Đây là vấn đề cần phải được chỉ rõ để từ đó xác định yêu cầu cần thiết đối với cán bộ, giúp cán bộ hoàn thiện bản thân, thích ứng kịp thời với đòi hỏi ngày càng cao của thời đại mới. Để làm được điều đó, trước tiên, cán bộ phải có trình độ, năng lực. Ở đây, chính là trình độ về công nghệ, làm chủ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Tiếp theo, phải có phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả, vì lợi ích chung. Trong công việc, cần thiết phải chuyên nghiệp, có tính kế hoạch cao, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Cuối cùng, cán bộ phải có bản lĩnh vững vàng, không bị cám dỗ bởi những mặt trái cơ chế thị trường...
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn 70 năm qua về công tác cán bộ vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Người khẳng định: “Vấn đề cán bộ quyết định mọi việc”. “Cán bộ tốt, việc gì cũng xong”. Do vậy, muốn có được đội ngũ cán bộ ngang tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong kỷ nguyên 4.0, rất cần chiến lược về đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhắc nhở: “Đảng phải nuôi dạy cán bộ như làm vườn vun trồng những cây cối quý báu nhất. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người cho công việc chung của chúng ta”.
Bởi thế, cần nhất hiện nay là phải lấy đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm trọng tâm, ngoài bồi dưỡng về chính trị cần đặc biệt chú ý đến chất lượng chuyên môn, cán bộ giỏi nhưng phải có phẩm chất đạo đức tốt. Ngay từ khâu tuyển chọn người đi đào tạo, bồi dưỡng phải thực sự công tâm, công bằng để chọn được người xứng đáng. Cần tạo môi trường học tập ngay trong quá trình công tác, trong môi trường làm việc hằng ngày. Và điều quan trọng nhất chính là tự mỗi cán bộ phải có ý thức tự học tập, tự rèn luyện để thực sự là cán bộ giỏi, vì nước, vì dân.
Yêu cầu quan trọng hiện nay chính là làm tốt công tác luân chuyển, tạo điều kiện cho cán bộ trưởng thành trong thực tiễn, sử dụng cán bộ theo đúng sở trường, chuyên môn, nhìn việc bố trí người chứ không nhìn người bố trí việc. Điều này giúp cán bộ phát huy được năng lực, sức sáng tạo và không xa rời thực tiễn. Trong rèn luyện và sử dụng cán bộ rất cần quan tâm đến chính sách đãi ngộ thỏa đáng. Đãi ngộ tốt, ngoài thu hút được nhân tài còn có tác dụng ngăn ngừa tham ô, tham nhũng, cửa quyền, sách nhiễu trong thực thi công vụ của cán bộ. Tuy nhiên, đãi ngộ phải theo hiệu quả công việc để đề cao trách nhiệm và khuyến khích sáng tạo.