Sáng ngày 13-8, dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp thứ 26 về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và Bộ trưởng các bộ, ngành Trung ương dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, các ĐBQH, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan.
Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhóm vấn đề về Việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, đào tạo, y tế...), hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. ĐBQH ở nhiều tỉnh, thành đã có trên 30 ý kiến yêu cầu các bộ, ngành liên quan làm rõ một số vấn đề về thực hiện các chính sách dân tộc...
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng các thành viên Chính phủ đã trả lời, giải trình các ý kiến. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành 116 chính sách đối với dân tộc thiểu số và miền núi, bao phủ hết mọi lĩnh vực, cải thiện đáng kể về hạ tầng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân, bộ mặt miền núi có nhiều đổi mới. Để phát triển toàn diện, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, Chính phủ sẽ ưu tiên bố trí ngân sách, xây dựng và triển khai đề án tập trung cho thôn bản khó khăn của 35 tỉnh; tiếp tục đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo; thực hiện Đề án Phát triển đội ngũ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số và các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ kinh tế, lương thực cho con em đồng bào dân tộc...
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định phiên chất vấn đã đạt kết quả đề ra. Các đại biểu thẳng thắn nêu câu hỏi mang tính xây dựng, có trao đổi, tranh luận. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp tiếp tục thực hiện các chính sách dân tộc miền núi. Theo đó rà soát cân đối đủ nguồn lực với những chương trình đang có hiệu lực; không để nợ kinh phí thực hiện chính sách; phân công rõ đầu mối theo nguyên tắc một cơ quan chịu trách nhiệm chính...
*Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm xoay quanh nhóm vấn đề về công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Bộ trưởng Bộ Công an đã giải đáp các ý kiến của đại biểu Quốc hội, cử tri về công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp. Theo báo cáo của Bộ Công an, tại các thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) chiếm 25% số vụ phạm pháp hình sự toàn quốc. Tình hình an ninh trật tự tại các khu công nghiệp tiềm ẩn nhiều phức tạp, nhất là hoạt động kích động công nhân đình công, lãn công, tham gia biểu tình trái pháp luật. Bộ trưởng Bộ Công an đã thông tin thêm về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm nhập tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm kinh tế; tội phạm có chức vụ; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma túy. Công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư… Về những giải pháp tiếp tục chỉ đạo trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Công an khẳng định, một trong giải pháp trọng tâm là khẩn trương bố trí lại lực lượng công an theo mô hình tổ chức mới với phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.
Tại phiên chất vấn đã có trên 30 ý kiến chất vấn các nội dung liên quan đến việc cấp biển xe công cho các cơ quan, tổ chức; tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em; hoạt động của các băng nhóm xã hội đen…
Kết luận phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng: Nhóm vấn đề đưa ra chất vấn là nội dung rất được cử tri và nhân dân quan tâm. Bên cạnh kết quả đạt được thì qua các ý kiến cho thấy xã hội chưa thực sự bình yên. Do đó, đề nghị các bộ, ngành tiếp thu ý kiến, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế; quyết không để tội phạm lộng hành; tạo sự chuyển biến thực sự trong thực tế.
Phát biểu kết luận phiên họp 26, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Sau một ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, phiên chất vấn với hai Bộ trưởng đã hoàn thành theo đúng chương trình đề ra. Đây là phiên chất vấn thứ hai áp dụng “hỏi nhanh, đáp gọn”. Đồng chí đề nghị các cơ quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh dự án luật và báo cáo giám sát theo kết luận; hoàn thành nghị quyết được thông qua để ký ban hành…