Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, các đại biểu đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Nhiều người cho rằng, đây là việc làm cần thiết để đánh giá cán bộ cấp Trung ương, nhưng đối với cấp cơ sở, thước đo tín nhiệm và chất lượng cán bộ chính là sự đánh giá hàng ngày của người dân sở tại thông qua mức độ hài lòng trong giải quyết công việc.
Việc đánh giá cán bộ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thông qua ba mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp, là hoạt động nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội cũng như chất lượng của bộ máy Nhà nước. Điều này còn giúp người được lấy phiếu thấy mức độ tín nhiệm của mình đến đâu để phấn đấu, rèn luyện và làm cơ sở cho tổ chức có thẩm quyền đánh giá cán bộ.
Đây là lần thứ 3 Quốc hội tiến hành hoạt động lấy phiếu tín nhiệm và lần này có điểm khác là đại biểu nhận được hồ sơ của các chức danh sớm để có thời gian nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, thực chất hơn. Nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh hồ sơ tài liệu thì kênh thông tin quan trọng giúp đánh giá một cách khách quan, chính xác là lắng nghe người dân, đặc biệt là nhóm cử tri liên quan trực tiếp đến lĩnh vực, ngành mà chức danh được lấy phiếu phụ trách. Đây chính là kênh thông tin hàng đầu để đánh giá cán bộ.
Với đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, thước đo tín nhiệm, năng lực, sở trường, đạo đức, lối sống của cán bộ chính là mức độ hài lòng của người dân đối với công việc mà cán bộ đó trực tiếp giải quyết. Thời gian qua, dư luận nhân dân trong tỉnh rất đồng tình và đánh giá cao cách giải quyết quyết liệt, thấu tình, đạt lý của lãnh đạo tỉnh đối với một số vụ việc tồn tại kéo dài. Đó là các vụ tranh chấp đất đai, khiếu kiện tập thể; là những trường hợp hàng chục năm người dân đi đòi quyền lợi chính đáng cho gia đình nhưng chưa được giải quyết thấu đáo; là những dự án chậm tiến độ kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ…
Trước những vụ việc này, trực tiếp các đồng chí lãnh đạo tỉnh trên cương vị và lĩnh vực được phân công đã sâu sát chỉ đạo giải quyết, gặp gỡ đối thoại với nhân dân, lắng nghe thấu hiểu, từ đó bóc tách, tháo gỡ từng tồn tại nhỏ để đi đến giải quyết dứt điểm vấn đề. Những vấn đề người dân quan tâm, kiến nghị đều cơ bản được xem xét, chỉ đạo giải quyết trên tinh thần công khai, minh bạch, công tâm theo đúng trình tự, quy định của pháp luật. Chính điều đó đã giúp cho lòng tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương ngày càng được cải thiện hơn.
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và HĐND các cấp thời gian gần đây, không ít ý kiến cử tri bày tỏ sự hài lòng và đánh giá cao năng lực, sở trường của cán bộ địa phương. Điều đó giống như một sự đảm bảo chắc chắn thay cho những lá phiếu tín nhiệm của người dân dành cho cán bộ ở cơ sở.
Thời gian qua, thông qua đánh giá của người dân, doanh nghiệp, chúng ta cũng nhận thấy năng lực, trình độ, đạo đức tác phong, lối sống của đội ngũ cán bộ các cấp trong tỉnh đã từng bước được nâng lên. Trong giải quyết các thủ tục hành chính dù vẫn còn những hạn chế nhất định, song cơ bản không còn tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, cửa quyền gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Đó là kết quả của việc cấp ủy các cấp đã tăng cường công tác cải cách hành chính, quyết liệt xử lý các trường hợp cán bộ sai phạm và cương quyết điều động, thay đổi vị trí công tác của cán bộ. Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ cách đây mấy năm, một số cán bộ địa chính phường, xã trên địa bàn tỉnh bị phát hiện làm sai quy định, có thái độ vòi vĩnh, tham ô, tham nhũng đã bị kiểm điểm, xử lý hình sự cũng như điều chuyển công tác khác. Điều đáng nói, những trường hợp này bị phát hiện, xử lý đều xuất phát từ ý kiến phản ánh, tố giác của quần chúng nhân dân...
Hiện nay, các phương tiện thông tin ngày càng tiên tiến, hiện đại, công nghệ thông minh ứng dụng ngày càng đa dạng giúp cho việc giám sát, kịp thời phản ánh của người dân về kết quả giải quyết công việc hàng ngày của cán bộ được thuận lợi, dễ dàng hơn. Đây cũng là một kênh thông tin quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cán bộ một cách chuẩn xác, khách quan hơn.