Theo các đại biểu Quốc hội, việc quy định số lượng cấp tướng, đặc biệt là trần thiếu tướng đối với Giám đốc Công an một số tỉnh, thành phố đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I cần được xem xét, cân nhắc thận trọng, phù hợp trong tình hình hiện nay.
Chiều 6/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ cơ bản đồng tình với những quy định dự thảo Luật, tuy nhiên còn băn khoăn về số lượng cấp tướng. Theo ĐB, số lượng tướng theo quy định như dự thảo Luật là nhiều.
“Trong điều kiện nước ta hiện nay là thời bình, được thế giới ca ngợi là quốc gia ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vậy hàm tướng có cần thiết số lượng nhiều thế không?”, ĐB đặt vấn đề.
Theo ĐB Hòa, cấp tướng phải có quân số nhất định để chỉ huy, không thể mang hàm tướng mà quân số chẳng có bao nhiêu. Hàm trung tướng có chức vụ cục trưởng và chức vụ tương đương với số lượng không quá 32 như dự thảo Luật là nhiều, đề nghị xem xét; hàm thiếu tướng cần có số chẵn chứ không phải như dự thảo Luật là không quá 139 người.
Tương tự, quy định hàm thiếu tướng có số lượng không quá 11 đối với các giám đốc công an tỉnh loại 1, theo ĐB Hòa là làm phức tạp với các tỉnh, thành còn lại. Bởi có tỉnh, thành phố hiện tại là loại 2 nhưng sau này lên loại 1 thì sao, có được lên hàm thiếu tướng không vì đã đủ số lượng là 11? Mặt khác, cùng là giám đốc công an tỉnh, thành phố như nhau mà lại có người mang hàm cấp tướng, người mang hàm cấp tá là không hợp lý.
Đánh giá lực lượng công an đi đầu trong tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, song ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho rằng, giảm đầu mối, đi cùng với đó là giảm biên chế, giảm số lượng cấp tướng nhưng trong dự thảo Luật này lại tăng. Do đó, cần phải cân nhắc thận trọng.
Theo ĐB Hà về vị trí, chức năng của từng cục trong Bộ Công an đã được quy định rõ về nguyên tắc, tiêu chí nhưng quy định như trong dự thảo Luật sẽ gây khó cho việc điều động luân chuyển lãnh đạo giữa các cục. Bởi có cục trần cấp hàm của cục trưởng là trung tướng, có cục trần cấp hàm của cục trưởng chỉ là thiếu tướng.
ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cũng chỉ ra, việc quy định cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng đối với Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1 chưa thuyết phục khi chỉ căn cứ vào đơn vị hành chính loại 1. ĐB Minh Sơn lý giải: Đơn vị hành chính loại 1 có thể sẽ biến động, nếu quy định “cứng” là 11 thì sẽ phải sửa luật khi có số lượng đơn vị hành chính loại I tăng lên.
Thượng tướng Nguyễn Văn Được (Hà Nội), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam bày tỏ băn khoăn: Giám đốc Công an đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I được phong thiếu tướng, còn Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh là đại tá, như vậy chưa công bằng.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) lại cho rằng công an cấp địa phương là cấp thực hiện chủ yếu nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm và thực hiện hầu hết các nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở. Khối lượng công việc công an địa phương, tập trung chủ yếu là công an cấp tỉnh chiếm tới 80% tổng khối lượng công việc của lực lượng Công an nhân dân (CAND), và phần lớn biên chế CAND bố trí ở công an các tỉnh. Vì vậy, Giám đốc công an tỉnh sẽ có quyền hạn lớn hơn và trách nhiệm nặng nề hơn. Mặt khác, trong hệ thống chức vụ sĩ quan CAND, Giám đốc Công an tỉnh được xác định chức vụ cơ bản là cấp dưới liền kề có thể quy hoạch, bổ nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ Công an. Do đó, tiêu chuẩn chức danh cấp bậc hàm của Giám đốc Công an tỉnh phải bảo đảm tương quan, tương đối với chức danh Cục trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ.
Từ những phân tích trên, ĐB Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, việc quy định Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I là thiếu tướng là phù hợp. Bởi vì đơn vị hành chính cấp tỉnh 1 được phân loại, tiêu chuẩn quy định theo Luật tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết 1221 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ quốc hội (UBTVQH), các tỉnh này là các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự. Như vậy, công an tỉnh này cần phải được quan tâm, tăng cường toàn diện, cấp bậc hàm cao nhất của một Giám đốc Công an tỉnh đơn vị hành chính loại 1 là thiếu tướng phù hợp với tính chất công việc trong tình hình hiện nay.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, UBTVQH thấy rằng, việc quy định Giám đốc Công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng là đúng nhu cầu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Công an cấp tỉnh hiện nay, cũng như phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng và tổ chức CAND theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh”. Hiện nay bộ máy của Công an tỉnh được tổ chức theo tinh thần Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tăng thẩm quyền và thực hiện phân cấp mạnh xuống Công an cấp tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo quy định số lượng và tiêu chí xác định vị trí Giám đốc Công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng để bảo đảm chặt chẽ và giao UBTVQH căn cứ vào tiêu chí để quy định cụ thể như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý…
Điều 25 dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân: 1. Cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan được quy định như sau: a) Đại tướng: Bộ trưởng Bộ Công an; b) Thượng tướng: Thứ trưởng Bộ Công an. Số lượng không quá 06; c) Trung tướng: Cục trưởng và tương đương của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an có chức năng, nhiệm vụ, tổ chức không thay đổi hoặc thay đổi theo hướng quy mô lớn hơn kể từ ngày 06 tháng 8 năm 2018; có chức năng tham mưu chiến lược, đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, địa phương; có hệ lực lượng theo ngành dọc, quy mô hoạt động toàn quốc, trực tiếp chiến đấu, chủ trì phối hợp hoặc tham gia phối hợp thực hiện chức năng bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; có chức năng nghiên cứu, hướng dẫn, quản lý nghiệp vụ toàn lực lượng. Số lượng không quá 32; Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương; Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh; d) Thiếu tướng: Cục trưởng của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và chức vụ, chức danh tương đương, trừ quy định tại điểm c khoản 1 Điều này; Phó Cục trưởng và tương đương của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an quy định tại điểm c khoản 1 Điều này. Số lượng không quá 139; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I, trừ quy định tại điểm c khoản 1 Điều này. Số lượng không quá 11; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương. Số lượng không quá 03; Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh, mỗi đơn vị không quá 03. |