60 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Đạo đức cách mạng, những điều Người tâm huyết, những chỉ dẫn của Người vẫn sống mãi với thời gian. Ôn lại, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người chính là thấm nhuần sâu sắc lời Người căn dặn: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
Vấn đề đạo đức cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Người khẳng định, đạo đức như gốc của cây, nguồn của sông suối; người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng giao phó. Những tác phẩm tiêu biểu thể hiện tư tưởng của Bác về đạo đức cách mạng luôn khắc ghi trong tâm trí của mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta.
Từ năm 1927, Bác Hồ viết tác phẩm “Đường cách mệnh”; đến năm 1947, Bác viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”; năm 1958, Bác viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng”. Từ năm 1965 đến 1969, Bác viết Di chúc. Trong Di chúc, Bác luôn nhấn mạnh về đạo đức cách mạng. Vào ngày thành lập Đảng 3-2 năm 1969, Bác đã cho ra đời tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Thông qua nhiều bài nói chuyện, bài viết khác, Bác đều đề cập đến việc bồi dưỡng, giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, cho thế hệ trẻ.
Đề cao vai trò của đạo đức cách mạng, Người nhấn mạnh: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước”. Đạo đức cách mạng giúp mỗi người khi gặp thuận lợi và thành công vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa...
Theo Bác, người có đạo đức cách mạng là người có quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng; ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng; đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân mình; hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc; ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn tự phê bình và phê bình để cải tiến công tác của mình, cùng đồng chí mình tiến bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi người cách mạng phải hiểu sâu sắc: Đảng ta là một đội ngũ tiên tiến nhất và tổ chức chặt chẽ nhất của giai cấp công nhân, đồng thời là người lãnh đạo cách mạng. Cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ sứ mệnh lịch sử vừa cải tạo thế giới và nhiệm vụ tự cải tạo bản thân mình. Là một Đảng kiểu mới được xây dựng và phát triển ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, những cán bộ, đảng viên của Đảng thường mang trong mình ít nhiều vết tích của xã hội cũ mà nguy hiểm nhất đó chính là chủ nghĩa cá nhân. Nếu còn mang trong mình, dù là ít thôi, thì rất có thể nó sẽ chờ dịp để phát triển, che lấp đạo đức cách mạng, ngăn trở mỗi cán bộ, đảng viên đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng.
Chỉ rõ kẻ thù của đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: Bên cạnh những người vẫn thường ngày rèn luyện đạo đức cách mạng đã có không ít người thoái hóa, biến chất, chỉ lo hưởng thụ, lựa chọn công việc theo ý thích của mình, muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng. Họ quên mất tiêu chuẩn số một của người cách mạng là phải quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng; từ đó dẫn đến tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị giảm sút, chí khí và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng bị phai mờ.
Người nhấn mạnh: Đạo đức cách mạng “là vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu”. Theo Người, lời nói và việc làm của đảng viên quan hệ rất mật thiết đến sự nghiệp cách mạng. Bởi vậy, trong bất kỳ tình huống khó khăn nào, người cán bộ đảng viên cũng phải kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, gương mẫu trước quần chúng, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng, phải ngăn ngừa và kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân.
Đảng bộ các cấp trong toàn tỉnh đang triển khai nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thấm nhuần lời dạy của Bác về đạo đức cách mạng, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng hãy phấn đấu học tập, trau dồi lý luận Mác - Lênin để củng cố đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị để làm tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó.
Cách đây 60 năm, vào tháng 12-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng” nhằm giáo dục, uốn nắn, nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thường xuyên trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng để hoàn thành nhiệm vụ được giao, để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh.