Khúc quân hành trên đất thép

10:13, 17/12/2018

“Ta yêu sao, làng quê non nước mình/ Tình quê hương vút thành thanh âm khúc quân hành ca…” Lời bài: “Hát mãi khúc Quân hành” của Diệp Minh Tuyền có gì đó vừa dồn dập, oai hùng và hối thúc tôi trên suốt dọc đường từ trung tâm T.P Thái Nguyên về thăm Di tích lịch sử Quốc gia - Địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915 hy sinh tại Ga Lưu Xá, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên)- Vùng địa linh mang câu chuyện của một thời hoa lửa. Đất thép Thái Nguyên oằn mình trong mưa bom, bão đạn, nhưng vững chãi cùng cả nước hòa chung khúc quân hành đi đến ngày đất nước ca khúc khải hoàn.

Phép nhiệm màu của thời gian cùng lòng người độ lượng làm nguôi ngoai nỗi đau chiến tranh. Trên vùng đất từng bị bom phá, bom phạt, sự tàn sát kinh khủng của vũ khí giết người hạng nặng đã đi vào quá vãng. Những hố bom năm nào nay thành chứng tích lịch sử, trở thành một địa chỉ đỏ, một trường học cho các thế hệ tìm về tri ân. Ông Cù Văn Phiên, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam khẳng định: Cùng với các di tích lịch sử TNXP Việt Nam là: Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), Truông Bồn (Đô Lương, Nghệ An), Hang Tám Cô (Bố Trạch, Quảng Bình)…, lực lượng TNXP Việt Nam tự hào có thêm Di tích Đại đội 915 của Thái Nguyên, nay trở thành một điểm đến có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.

Kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đất nước có hàng triệu người con hy sinh. Sự hy sinh nào cũng là mất mát, tổn thất lớn lao. Nhưng với riêng 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn, thì sự kiện xảy ra đêm 24-12-1972 tại Ga Lưu Xá là một khoảnh khắc bi hùng không thể nào quên. Bởi cùng một thời điểm, 60 người con ưu tú trong cùng một đơn vị đã anh dũng ngã xuống vì Tổ quốc. Để ghi nhận đóng góp, cống hiến, hy sinh của các anh, chị, từ gần 1/4 thế kỷ, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều quan tâm đến các hoạt động xây dựng, tôn tạo, bảo tồn Khu di tích Địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915.

Và để tôn vinh các anh, chị xứng tầm, năm 2018 cán bộ, nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã tích cực triển khai thực hiện Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích Đại đội TNXP 915. Theo đó Khu Di tích được mở rộng từ 1,1 ha lên 4,75 ha, với tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng. Điều trân quý là toàn bộ số tiền xây dựng, tôn tạo, tu bổ Di tích đều được huy động từ nguồn xã hội hoá.

Thời máu và hoa đã khép lại thành câu chuyện quá khứ, nhưng còn đó tiếng cười, nói vô tư, hồn nhiên của các chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi, những người con ưu tú đến từ các vùng đất của Chợ Đồn, Ba Bể, Bạch Thông, Phương Viên… tỉnh Bắc Kạn; và từ các huyện Đại Từ, Phú Bình, Phú Lương… tỉnh Thái Nguyên chưa bao giờ nhạt nhòa trên dòng sử xanh oanh hào dân tộc. Những con người vĩ đại ở ngay giữa đời thường ấy đã “điềm nhiên” bước vào huyền thoại bằng công việc của người TNXP, để một vùng đất thép của Thái Nguyên trở thành di sản sống động trường tồn muôn đời.

Đó là chuyện của ngày hôm qua. Và rất mừng là trên quê hương Thái Nguyên còn có những người con lòng đau đáu trách nhiệm, luôn tìm kiếm, gìn giữ, bảo tồn và phát huy một giá trị nhân văn. Để từng câu chuyện liên quan đến sự kiện Đại đội 915 Anh hùng được khơi nguồn, hòa chung vào dòng chảy lịch sử đất nước. Cũng bởi thế mà Di tích Đại đội 915 được xây dựng lên từ chính lòng người. Trong Nhà tưởng niệm, trước ban thờ các anh, chị TNXP Đại đội 915, chúng tôi cúi đầu thành kính trước anh linh những người đã vì Tổ quốc hy sinh. Khói hương lan tỏa, trầm thơm quyện lại, đặc sánh một niềm đau: Trên đất thép Anh hùng, trong thời gian gần 8 năm (1965-1972), giặc Mỹ đã sử dụng 2.711 lượt máy bay F111, F105 và máy bay B52 ném hơn 14.000 tấn bom đạn xuống quê hương Bắc Thái. Nhiều nhà máy, công trình, trường học, bệnh viện, khu vực dân cư bị địch đánh phá dữ dội. Có những ngày bom rơi… như vãi sỏi xuống các tuyến đường quan trọng. Nhưng bầu trời vừa ngớt bom rơi, mặt đường còn đầy khét mùi khói bom, đã í ới tiếng các anh, chị TNXP làm nhiệm vụ san lấp mặt đường cho từng chuyến xe ra mặt trận.

Năm 1972, các ngày 14, 17 và 21-9, máy bay Mỹ trút 444 quả bom các loại xuống các tuyến đường 16A, Quốc lộ 1B; ngày 25-9, máy bay Mỹ tiếp tục ném 50 quả bom phá, bom phạt vào vị trí kho xăng dầu Hoá Trung (Đồng Hỷ). Sang tháng 10, tháng 11, máy bay Mỹ tiếp tục ném xuống vùng đất này hàng trăm quả bom các loại. Nhưng với tinh thần kiên trung, anh dũng, tiếng bom vừa ngớt, trận địa còn mù mịt khói lửa, các anh chị TNXP của Đại đội 915, TNXP Đội 91 Bắc Thái và các lực lượng đã có mặt tại hiện trường làm nhiệm vụ cứu người, cứu hỏa, giải tỏa kho hàng và san lấp hố bom. Nhưng trận bom đêm Noel năm 1972 đã làm tan hoang một vùng đất, cướp đi sự sống của 60 TNXP Đại đội 915.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng: Cùng với lực lượng TNXP trên cả nước, lực lượng TNXP tỉnh Bắc Thái, trong đó có Đại đội 915 đã luôn có mặt ở những nơi khó khăn, nguy hiểm nhất. Các anh, chị đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho đất nước, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sự hy sinh của các anh, chị là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là bản anh hùng ca bất tử của dân tộc Việt Nam.

Còn Phó Giáo Sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam khẳng định: Cùng với các di tích: Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Hang Tám Cô, Di tích lịch sử Quốc gia - Địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915 hy sinh tại Ga Lưu Xá, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) thể hiện rõ nét tính đặc thù của cuộc chiến tranh nhân dân. Luôn bảo đảm giao thông thông suốt, làm hậu cần cho tiền tuyến lớn.

Tất cả đã đi vào huyền thoại, trở thành một di sản sống động, thiêng liêng. Nhiều người dân trên mọi miền đất nước dù đã đến, hoặc chưa có điều kiện để đến đều biết khá rõ về những giây khắc các anh, chị TNXP “hoá thân thành bất tử”. Để mỗi địa danh ấy trở thành một cung đàn, một quãng nhạc của trường ca ngày nhân dân cả nước ca khúc khải hoàn. Một khúc tráng ca bi hùng, hào sảng, đau đớn mà vinh quang, nước mắt nhạt nhòa mà đong đầy hiển vinh.