Nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi đại biểu

17:51, 04/12/2018

 Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh, là kỳ họp giữa nhiệm kỳ (2016-2021), sẽ xem xét, thảo luận và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng, được cử tri quan tâm. Để hiểu rõ hơn về Kỳ họp, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Hà Thị Bích Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.                                                    

PV: Xin đồng chí cho biết thông tin khái quát về Kỳ họp?

Đồng chí Hà Thị Bích Hồng: Đây là kỳ họp thường lệ, theo quy định của luật. Kỳ họp sẽ thảo luận, cho ý kiến vào 38 báo cáo, đề án, tờ trình và 21 dự thảo nghị quyết; xem xét, quyết định về công tác nhân sự; thực hiện thảo luận tổ, chất vấn và trả lời chất vấn; lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu.

Cụ thể, HĐND tỉnh sẽ bàn, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, ngân sách Nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách Nhà nước năm 2019; kế hoạch sử dụng đất; giao biên chế công chức hành chính, quyết định biên chế sự nghiệp và hợp đồng lao động; phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2019 và bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Xem xét, cho ý kiến về kết quả giám sát của HĐND tỉnh trong năm 2018, kế hoạch công tác của HĐND tỉnh năm 2019.

HĐND tỉnh thông qua một số nội dung chuyên đề như: Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2035; hỗ trợ kinh phí đối với các trường mầm non, phổ thông công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện năm 2019; thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; việc sáp nhập một số xóm trên địa bàn tỉnh và một số nội dung quan trọng khác.

PV: Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Kỳ họp đã được Thường trực HĐND tỉnh tập trung triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

Đ/c Hà Thị Bích Hồng: Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các cơ quan tư pháp sớm thống nhất nội dung, chương trình, thời gian tổ chức Kỳ họp, báo cáo xin ý kiến thống nhất của Thường trực Tỉnh ủy. Phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri để tiếp thu, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri báo cáo tại Kỳ họp. UBND tỉnh phân công các cơ quan chuẩn bị nội dung. Thường trực HĐND tỉnh phân công các Ban thẩm tra tài liệu trình Kỳ họp theo quy định. Nội dung nào chưa rõ, chưa đủ căn cứ, yêu cầu UBND tỉnh xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến. Công tác thông tin, tuyên truyền về Kỳ họp cũng đã được quan tâm, tổ chức họp báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí, mở chuyên mục, chuyên trang trên báo, đài của tỉnh…Toàn bộ tài liệu của Kỳ họp đã được gửi đến đại biểu HĐND tỉnh theo đúng thời gian quy định.

PV: Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND tỉnh bầu là một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri tại Kỳ họp lần này. Đồng chí có thể nói rõ hơn về nội dung này?

 Đ/c Hà Thị Bích Hồng: Lấy phiếu tín nhiệm của HĐND là việc HĐND thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu, để làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá cán bộ. Qua đó, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình, qua đó phấn đấu, rèn luyện, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời, làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, đánh giá cán bộ.

Việc lấy phiếu được thực hiện theo nguyên tắc: Bảo đảm quyền và đề cao trách nhiệm của đại biểu trong việc lấy phiếu tín nhiệm, tôn trọng quyền báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm; công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu; bảo đảm sự ổn định và hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ. Có 2 căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, đó là kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Việc lấy phiếu tín nhiệm hiện có ba mức, gồm: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.

Trên cơ sở mục đích, yêu cầu, nguyên tắc đó, Thường trực HĐND tỉnh đã sớm xây dựng kế hoạch, thực hiện quy trình chặt chẽ, thận trọng theo đúng nghị quyết của Quốc hội và các văn bản hướng dẫn. Theo đó, những người được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; bản kê khai tài sản, thu nhập đến đại biểu HĐND tỉnh để nghiên cứu; Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm.

Tại Kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 31 chức danh, gồm 8 đồng chí trong thường trực HĐND và 23 đồng chí thuộc UBND tỉnh. Kết quả kiểm phiếu sẽ được công khai và HĐND tỉnh sẽ thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

PV: Việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri luôn là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm ở tất cả các kỳ họp. Đồng chí đánh giá như thế nào về việc giải quyết của các ngành chức năng đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri theo Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh và tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua?

Đồng chí Hà Thị Bích Hồng: Có thể khẳng định, những năm gần đây, các cấp, ngành của tỉnh đã nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tiếp thu, trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Theo Nghị quyết số 05 và tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh, đã có 180 ý kiến, kiến nghị của cử tri được chuyển đến UBND tỉnh. Kết quả, 100% ý kiến, kiến nghị đều được xem xét, giải quyết. Trong đó, đã giải quyết xong 35 ý kiến; số ý kiến đang trong quá trình giải quyết là 70; số ý kiến thuộc nhóm công cấp thông tin, giải trình là 75. Đối với số ý kiến đang giải quyết, là những ý kiến, kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách; việc đầu tư nâng cấp các công trình hạ tầng giao thông, trường lớp học, trạm y tế đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, trong khi điều kiện nguồn lực của tỉnh còn hạn chế nên cần có thứ tự ưu tiên, lộ trình mới có thể giải quyết.

Có thể nói, trách nhiệm, sự chủ động, tích cực của UBND tỉnh trong việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri  đã và đang  phần nào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đời sống xã hội, được cử tri trong tỉnh đồng tình, đánh giá cao.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!