Yếu tố quyết định thắng lợi việc thực hiện Nghị quyết của Đảng

07:26, 19/02/2019

Xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị của Đảng là bước cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực tế của cấp ủy. Chỉ khi mỗi cấp ủy đưa ra được chương trình hành động thỏa đáng, đúng tinh thần nghị quyết, phù hợp với điều kiện của cơ quan, đơn vị thì nghị quyết của Đảng mới thực sự đi vào đời sống.

Trong những năm qua, việc học tập, quán triệt, triển khai chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã được đổi mới tích cực về hình thức; ý thức, trách nhiệm của cấp ủy và cán bộ, đảng viên trong việc học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng được nâng lên; sau khi được học tập, quán triệt, cán bộ, đảng viên đều thực hiện viết thu hoạch; các cấp ủy đều tiến hành xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để tổ chức thực hiện, đây là việc làm thường xuyên để cụ thể hóa nghị quyết của Đảng mà các cấp ủy đã và đang thực hiện.

Thực tế cho thấy, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết của cấp ủy đạt yêu cầu trên cả hai tiêu chí về tiến độ và nội dung. Đặc biệt chương trình, kế hoạch của một số cấp ủy ngắn gọn, thể hiện năm rõ là: Rõ nội dung, rõ giải pháp, rõ hiệu quả, rõ thời gian và rõ về người chịu trách nhiệm đã tạo thuận lợi cho việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, không khó khăn để nhận thấy, việc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Đảng ở một số cấp ủy đặt ra một số lưu ý, hạn chế cần được đánh giá nghiêm túc để sớm khắc phục như: Việc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết thường giao cho ban tuyên giáo hoặc cán bộ phụ trách công tác đảng mà chưa có sự phối hợp, phân công theo đặc thù nội dung của từng nghị quyết; nội dung chương trình hành động, kế hoạch thực hiện chưa phản ánh đúng nội dung, yêu cầu, mục đích triển khai thực hiện ở cấp ủy, cơ quan, đơn vị; chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cấp ủy, cơ quan, đơn vị; mục tiêu trong chương trình, kế hoạch chưa được định lượng, không có chỉ số tham chiếu để đánh giá mức độ tích cực dẫn đến thiếu tính khả thi.

Bên cạnh đó, nội dung về tổ chức thực hiện trong chương trình, kế hoạch hành động còn chung chung, chưa rõ người, rõ việc, rõ mục tiêu, rõ giải pháp và thời gian thực hiện; việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết chưa cụ thể về cách thức, thời gian thực hiện. Một số ít chương trình hành động, kế hoạch của cấp ủy chưa xác định rõ chủ thể, khách thể chịu trách nhiệm thực hiện, chưa xác định rõ nhiệm vụ của tập thể và cán bộ, đảng viên; bố cục chương trình hành động còn giống với nghị quyết của Trung ương và chương trình hành động của cấp ủy cấp trên. Một số cấp ủy còn giữ nguyên các nhiệm vụ, giải pháp trong nghị quyết của Trung ương và chương trình hành động của cấp ủy cấp trên vào chương trình hành động, dẫn đến có nội dung, nhiệm vụ, giải pháp không thuộc chức năng, nhiệm vụ của cấp ủy, cơ quan, đơn vị.

Tình trạng sao chép, chỉnh sửa, mô phỏng chương trình hành động giữa các cấp ủy với nhau và với cấp ủy cấp trên vẫn xảy ra, do vậy chương trình hành động thực chất chỉ mang tính thủ tục để báo cáo với cấp ủy cấp trên và khi có đoàn kiểm tra. Những hạn chế trong xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Đảng không còn là hiện tượng, đang trực tiếp ảnh hưởng không tốt đến quá trình học tập, quán triệt và thực hiện nghị quyết, rất cần được nhìn nhận trên cả hai phương diện nhận thức về trách nhiệm và khoa học.

Để nâng cao chất lượng xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng ở Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, lãnh đạo Đảng ủy xác định rõ được vai trò, tầm quan trọng và trách nhiệm của cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy khi xây dựng và ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết. Chỉ khi mỗi cấp ủy đưa ra được chương trình hành động thỏa đáng, đúng tinh thần nghị quyết, phù hợp với điều kiện của cơ quan, đơn vị thì nghị quyết của Đảng mới thực sự đi vào đời sống. Như vậy, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện là một quá trình sáng tạo chứ không thể là sự lặp lại nội dung câu chữ trong nghị quyết hoặc chương trình hành động của cấp trên. Thực chất quá trình xây dựng nghị quyết chính là chuyển thể nghị quyết của Đảng thành sản phẩm đặc thù của mỗi cấp ủy, mà ở đó từng nội dung, giải pháp thể hiện rõ lợi thế, đặc thù về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan, đơn vị. Càng không thể dập khuôn, copy kiểu cơ quan nào cũng làm kinh tế, cơ quan nào cũng làm chính sách, biến chương trình hành động thành sản phẩm ai làm cũng được mà không ai làm cũng xong.

Chương trình hành động không phải là nghị quyết, nhưng chương trình hành động cần đảm bảo tính logic, kế thừa thành quả đã có, phản ánh đầy đủ nội dung, yêu cầu của nghị quyết trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Do đó, từng nhiệm vụ và giải pháp phải thật sự mang tính khả thi cả về hiệu quả và tổ chức thực hiện, phải làm rõ được các câu hỏi; mức độ của mục tiêu phù hợp chưa, giải pháp có phù hợp không, thời gian thực hiện và năng lực của cơ quan, đơn vị, cá nhân thực hiện có đảm bảo không…

Bên cạnh đó, cấp ủy cấp trên cần căn cứ vào từng nội dung nghị quyết để định hướng cấp ủy trực thuộc xây dựng chương trình hành động sát với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, đảm bảo sự đồng bộ trong toàn ngành. Hình thức chương trình hành động cần ngắn gọn, xúc tích, không lan man, không nhất thiết nêu thực trạng tình hình hoặc phương hướng vì trong nghị quyết đã định hướng, mà đi thẳng vào mục tiêu dự kiến đạt được, bao gồm mục tiêu ngắn hạn, mục tiêu dài hạn, thậm chí có mục tiêu cần xác định đạt được trong thời gian một năm; mỗi mục tiêu tương ứng với nhiệm vụ, giải pháp hoặc đề án cụ thể gắn với lộ trình thực hiện và cán bộ hoặc nhóm cán bộ, công chức, viên chức phụ trách thực hiện. Đối với nghị quyết về xây dựng đảng, mục tiêu trong chương trình hành động cần lượng hóa để dễ đánh giá hiệu quả.

Chương trình hành động của cấp ủy, là sản phẩm của tập thể, do vậy, quá trình xây dựng, hoàn thiện cần phối hợp chặt chẽ với đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị; đồng thời lấy ý kiến trong cấp ủy, hoặc lấy ý kiến đến đảng viên để tranh thủ tối đa sự tham gia của tập thể, phát huy sức sáng tạo của cán bộ, đảng viên, đồng thời gắn trách nhiệm của đảng viên trong thực hiện chương trình hành động. Cần chú trọng công tác tuyên truyên, coi đây là giải pháp đầu tiên để làm cho cán bộ, đảng viên thống nhất về nhận thức, hiểu được nhiệm vụ, xác định được trách nhiệm tập thể, cá nhân để thực hiện chức trách được giao. Đồng thời, cần đề ra chế độ kiểm tra, giám sát để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nghị quyết một cách thường xuyên hoặc định kỳ. Sau mỗi kỳ kiểm tra, đánh giá, cần kịp thời xem xét để điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ trong chương trình hành động để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả đề ra.

Có thể thấy, chương trình hành động của cấp ủy là sản phẩm sau khi được tiếp thu nghị quyết của Đảng, chất lượng của chương trình hành động phản ánh tư duy, nhận thức của cấp ủy về nghị quyết đó, là chất lượng học tập nghị quyết và ý thức của cấp ủy về thực hiện nghị quyết của Đảng. Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK về ngày 27/10/2016 về đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trong Đảng bộ Khối, trong đó có đề cập việc xây dựng chương trình hành động để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết. Đây là cơ sở để quán triệt việc xây dựng chương trình hành động, xong rõ ràng từ thực tế cho thấy, rất cần có sự chỉ đạo cụ thể hơn và hướng dẫn rõ, tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cấp ủy trong toàn đảng bộ, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết của Đảng thực chất hơn, có như vậy mới làm cho nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống./.