Không có chuyện “hạ cánh an toàn”

08:00, 01/03/2019

“Hạ cánh an toàn” là khái niệm mà nhiều người vẫn nhắc đến để chỉ cán bộ lãnh đạo, quản lý sau khi công tác về nghỉ hưu không bị pháp luật đụng đến dù “tay đã nhúng chàm”. Đấy là trước đây, còn nay khái niệm này sẽ không còn tồn tại nữa vì mới đây Bộ Nội vụ đã chính thức đưa điều khoản về kỷ luật cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mà phát hiện có hành vi vi phạm vào Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Dù Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức mới là dự thảo và đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, nhưng thực tế đã cho thấy không ít trường hợp quan chức dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn bị truy cứu và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì những vi phạm khi còn đương chức. Trường hợp của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng hay trường hợp của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son mới đây là ví dụ rõ nét nhất. Có thể nói, chưa bao giờ công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng ta lại mạnh mẽ, không có vùng cấm như thời gian vừa qua. Điều này đã thực sự giúp Đảng ta tiếp tục tạo dựng niềm tin sâu sắc với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và quần chúng nhân dân lao động.

Chính vì điều này, Bộ Nội vụ đã đề xuất bổ sung vào Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức khoản 5, Điều 78, đồng thời sửa đổi Điều 79 quy định kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, bảo đảm đồng bộ với kỷ luật Đảng nhằm mục đích xử lý nghiêm những người có sai phạm. Từ đó giúp cơ quan chức năng tiến hành kiểm điểm, xử lý cán bộ nghỉ việc hoặc nghỉ hưu có vi phạm trong thời gian công tác, đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật về Đảng tùy tính chất, mức độ mà tiến hành kỷ luật theo hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc xóa tư cách chức vụ, chức danh đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm.

Sau khi xem xét cụ thể, Bộ Nội vụ đã trình 2 phương án để xin ý kiến Chính phủ sau đó trình Quốc hội xem xét thông qua. Phương án 1, Bộ đưa ra  quy định sẽ xử lý kỷ luật đối với tất cả cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trong quá trình công tác nay đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu. Phương án 2, quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo từ cấp Thứ trưởng và tương đương trở lên ở Trung ương và cấp Phó Chủ tịch UBND tỉnh và tương đương trở lên ở địa phương có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quá trình công tác nay đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu.

Được biết, sau khi đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, kết quả bước đầu thu được rất khả quan. Hầu hết ý kiến đều tán thành với việc bổ sung quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc mà vi phạm trong thời gian công tác. Các ý kiến cho rằng, đây chính là bài học đắt giá cho cán bộ dù đã nghỉ hưu, nhưng cũng là lời cảnh tỉnh, răn đe đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đương nhiệm. Quy định này nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương và sự nghiêm minh của pháp luật.

Việc dư luận thể hiện sự đồng tình, ủng hộ các nội dung sẽ được sửa đổi, bổ sung vào Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, trong đó có quy định về việc truy cứu trách nhiệm đối với cán bộ ngay cả khi đã nghỉ hưu là thành công lớn của Dự án Luật. Hy vọng, đây sẽ là trạm ba-ri-e hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng tham ô, tham nhũng, vi phạm các quy định của Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức nhất là những cán bộ lãnh đạo, quản lý...