Sáng nay (4/4), tại Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (04/04/1949 - 04/04/2019).
Tham dự chương trình có các đồng chí: Thuận Hữu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân; Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Lê Quang Tùng, Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Hà Ngọc Anh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Lễ kỷ niệm.
Về phía tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí: Trần Quốc Tỏ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình kỷ niệm; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên là lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, Hội nhà báo các tỉnh, thành; các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương. Đặc biệt là sự có mặt của Nhà báo Lý Thị Trung - một trong những cựu học viên, đại diện cho 42 học viên khóa học đầu tiên và duy nhất Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng 70 năm trước và thân nhân các gia đình nhà báo nguyên là Ban Giám hiệu, giảng viên và học viên của Trường.
Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam và UBND tỉnh Thái Nguyên đón nhận Bằng Di tích Quốc gia Địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Nhà báo Thuận Hữu nhấn mạnh: Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là điển hình của cách dạy và học nghiêm túc dù trong hoàn cảnh kháng chiến vô cùng khó khăn. 42 học viên và 29 giảng viên thực sự là hạt nhân của báo chí cách mạng; họ đã góp phần to lớn làm nên những trang sử vẻ vang của báo chí nước nhà trong suốt 70 năm qua... Từ dấu son này, đến nay đã có trên 10 cơ sở đào tạo báo chí trình độ đại học, trên đại học, hơn 800 cơ quan báo chí. Với việc công nhận Di tích Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, thời gian tới đây, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai sưu tầm các tư liệu và giữ gìn, phát huy giá trị của địa chỉ đỏ này.
Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu đã tri ân và ôn lại sự ra đời, quá trình đào tạo của Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Cách nay đúng 70 năm, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn khó khăn ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị và Tổng bộ Việt Minh do đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Bí thư đã bí mật tổ chức Trường Dạy làm báo kháng chiến mang tên chí sĩ yêu nước, nhà báo lớn Huỳnh Thúc Kháng tại ấp Bờ Rạ, Gốc Mít, xã Tân Thái, huyện Đại Từ. Tiếp nối lịch sử, những người làm báo cách mạng ngày hôm nay đang không ngừng nỗ lực, rèn luyện, phấn đấu xứng đáng với những mong mỏi của các thế hệ đi trước.
Đại diện các thế hệ nhà báo Việt nam giao lưu tại Lễ kỷ niệm.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các đồng chí lãnh đạo, đại diện các cơ quan báo chí trong cả nước và các thế hệ nhà báo qua các thời kỳ đã về với Thủ đô kháng chiến, chiến khu Việt Bắc năm xưa, để cùng nhau ôn lại truyền thống “ngôi trường mang tên nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng”. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng thông tin nhanh về những kết quả nổi bật của tỉnh sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và nhấn mạnh: Với bề dày về truyền thống cách mạng, lịch sử và văn hóa có 46 di tích cấp Quốc gia, trong đó có 5 di tích Quốc gia ghi dấu ấn quan trọng của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Di tích lịch sử Quốc gia nơi tổ chức Trường Dạy làm báo cách mạng đầu tiên sẽ là một phần quan trọng trong tổng thể Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với niềm tự hào là nơi ghi dấu nhiều mốc son lịch sử của dân tộc, lịch sử của báo chí cách mạng Việt Nam, bằng tình cảm và trách nhiệm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh mong được báo giới cả nước đồng hành, chia sẻ, cổ vũ, động viên tỉnh Thái Nguyên tiếp tục vững bước hơn nữa trên con đường hội nhập và phát triển.
Tại buổi Lễ, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức Triển lãm chuyên đề về Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Chương trình Lễ kỷ niệm được truyền hình trực tiếp trên kênh TN1 của Đài PT-TH tỉnh Thái Nguyên và được nhiều Đài PT-TH các tỉnh, thành trong cả nước nối sóng trực tiếp.
*Trong khuôn khổ chương trình Lễ kỷ niệm 70 năm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, sáng cùng ngày, tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức khánh thành Bia di tích Quốc gia địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Các đại biểu dự Lễ khánh thành Bia Di tích Quốc gia Địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Theo đó, trước yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, nhiều năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam cùng Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã nhiều lần khảo sát, tìm hiểu, thu thập các tài liệu liên quan đến địa danh Bờ Rạ - nơi tổ chức Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ngày 28-3, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thảo và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký Quyết định số 1182/QĐ-BVHTTDL Quyết định về việc xếp hạng di tích Quốc gia Di tích lịch sử địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (1949), xã Tân Thái, huyện Đại Từ.
Như vậy, cùng với Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đã nâng số di tích Quốc gia trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên lên 46, trong đó có 5 di tích là nơi thành lập các cơ quan báo chí Việt Nam gồm: Hội Nhà báo Việt Nam; Báo Nhân dân; Báo Quân đội Nhân dân; Báo Văn nghệ cứu quốc và Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.