Bởi đó là chiến sĩ Trường Sa

09:36, 29/06/2019

Sau chuyến công tác Trường Sa hồi cuối tháng 5 vừa qua, những gì thuộc về Trường Sa đều được chúng tôi – 12 thành viên phòng 216, trên con tàu KN491, Đoàn công tác số 13 ra thăm quân, dân quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/7 năm 2019 cập nhật thường xuyên. Chính vì thế, khi thông tin: Điều trực thăng ra đảo Sơn Ca cấp cứu chiến sĩ đột quỵ não mà nhiều tờ báo điện tử đưa vào ngày 18-6 đã khiến nhóm chúng tôi không khỏi lo lắng, bồn chồn.

Theo thông tin được đăng tải ban đầu: Chiều 17-6, một chiến sĩ đang công tác tại đảo Sơn Ca, thuộc huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) được đưa vào Bệnh xá đảo Sơn Ca cấp cứu. Lúc này, tri giác bệnh nhân xấu, hôn mê và liệt nửa người phải. Ngay lập tức, Bệnh xá đảo Sơn Ca đã hội chẩn với Bệnh viện Quân y 175 và bệnh nhân được điều trị theo phác đồ chống phù não, cầm máu. Dù có đáp ứng điều trị, tình trạng có cải thiện, nhưng bệnh vẫn còn nặng, nên có chỉ định đưa về đất liền điều trị. Ngay lập tức, trực thăng thuộc đội cấp cứu hàng không đã được điều gấp ra từ đất liền ra đảo để đón. Hiện, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 đang khẩn cấp hội chẩn để đưa ra phương pháp điều trị mong cứu được chiến sĩ này.

Thương quá; xót quá; nghe sao mà buồn và đau lòng thế chứ; em ấy trẻ quá; cầu mong bạn ấy sẽ hồi phục, chứ bị liệt thì tội quá; những lúc ốm đau mới thấy tình thường yêu thật dạt dào các chị ạ...! Là những cảm xúc mà các thành viên trong nhóm chúng tôi đã chia sẻ. Sơn Ca là một trong số 11 đảo chúng tôi đã dừng chân trong chuyến hải trình. Có lẽ, chính vì thế nên trước tin dữ này, các thành viên trong phòng chúng tôi đều dành sự quan tâm đặc biệt. Tất cả đều cố lục lại trong kho ảnh và video của mình để tìm cho ra người có hình ảnh giống với bệnh nhân. Và cuối cùng, một thành viên trong nhóm chúng tôi đã tìm thấy và xác định được tên chiến sĩ ấy là Nguyễn Nhật Như Khuê. Em là một trong số các chiến sĩ đã chụp ảnh chung với một số thành viên trong phòng chúng tôi.

Mối quan tâm tiếp theo của chúng tôi là tình trạng sức khỏe của em ấy. Câu hỏi mà chúng tôi muốn có lời giải là tình trạng sức khỏe của em ấy bây giờ ra sao? Thật may là cô em út trong phòng chúng tôi là em Thái Thị Thủy, Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động và dịch vụ thương mại Biển Đông thông báo Bệnh viện 175 khá gần nơi em ở. Vì thế, em ấy bảo ngay trong ngày mai, sau khi tiếp xong đoàn kiểm tra của cơ quan, em sẽ trực tiếp đến thăm. Chúng tôi thống nhất mỗi người đóng góp một chút để nhờ Thủy gửi quà vào thăm em.

Thủy ơi! Em nhớ chuyển lời thăm hỏi của cả phòng mình đến em Khuê nhé! Con giai ơi, mạnh mẽ lên, mẹ thương con! Cầu mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với em! Không sao đâu các chị, rồi mọi chuyện sẽ tốt mà! Cầu trời, lạy phật!… Những dòng trạng thái chia sẻ cảm xúc của nhóm cứ thế lần lượt được đăng tải. Mắt tôi đã nhòe đi khi đọc những lời chia sẻ ấy. Phần vì thương em, phần vì thấy sự ấm áp mà các thành viên trong đoàn dành cho một chiến sĩ chỉ mới biết thôi mà như thể máu mủ của mình.

Đến chiều hôm sau, tin tốt lành đầu tiên về Khuê đã đến với chúng tôi. Khi Thủy vừa nhắn trên Zalo “Các chị ơi!”, thì lại một loạt câu hỏi lập tức hiện ra: Tình hình thế nào rồi em? Em vào thăm chưa? Quê bạn ấy ở đâu? Ai đang chăm thằng bé?... Bạn ấy đỡ nhiều rồi các chị ạ! Thân phải đã cử động nhẹ nhàng, bắt đầu ăn được ít cháo trưa nay/đang mệt nên cũng không nói chuyện được nhiều/trí nhớ có phần giảm. Bác sĩ bảo bệnh tình tiến triển tốt, có mẹ và cậu ruột chăm sóc/bạn ấy ở Tuy Phước, Bình Định/gia đình làm nông/có 4 anh em/Khuê là con cả/2 em gái đã lấy chồng/em út năm nay vào lớp 10/gia đình bạn ấy cảm động trước sự quan tâm của các chị lắm và muốn được xem một số hình ảnh, video quay về đảo.

Ở đơn vị và vùng 4 hải quân đã gọi điện vào thăm hỏi động viên và đang kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ bạn ấy… Những thông tin ấy từ Thủy khiến chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Ngay lập tức, chúng tôi chuyển tải thông tin muốn có một số video về đảo lên nhóm chung của đoàn vì chúng tôi muốn khi Thủy đang có mặt tại bệnh viện, sẽ mở được ra cho Khuê và người nhà được xem. Và lập tức, nhiều thành viên trong đoàn đã chia sẻ những đoạn video đầy xúc động, trong đó có cả hình ảnh quay được về em.

Hai ngày sau, Thủy tiếp tục được “phân công” vào thăm Khuê. Sữa và sách là quà mà Thủy mang vào tặng cậu chiến sĩ vừa thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Thủy chia sẻ: Đến ngày thứ 4 điều trị, sức khỏe của Khuê tiến triển tốt, đã cử động được nhiều hơn, ăn uống cũng tốt hơn… Khuê đã nói chuyện được. Niềm hân hoan đã hiện rõ trên khuôn mặt mẹ và cậu ruột em. Cô ấy nói lời cảm ơn đến chúng tôi…

13 giờ 25 phút, ngày 25-6, tin nhắn của chị Bích Ngọc thêm một lần nữa khiến chúng tôi không khỏi xúc động: “Khi biết tin Khuê bị đột quỵ, mình không khỏi chạnh lòng, mới thấm thía được sự mất mát, hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ ở đảo Trường Sa mà trường hợp của bạn Nguyễn Nhật Như Khuê là một ví dụ. Vừa rồi, mình có quyên góp được của anh chị em trong cơ quan Hội đồng Lý luận Trung ương, bạn bè và gia đình một chút kinh phí nho nhỏ nhờ em Thủy chuyển tới bạn Khuê và gia đình, cầu mong cho em Khuê mau chóng hồi phục”.

Chia sẻ với nhóm, chị Bích Ngọc bảo: Đó là một chút tấm lòng của đất liền, nhất là khi vừa có chuyến ra thăm đảo, không làm được điều này, lòng thấy áy náy. Không xúc động sao được, khi chỉ trong vòng 1 tuần, chị ấy đã vận động quyên góp được 8,5 triệu đồng để gửi tặng em Khuê và gia đình. Và theo như thông tin mà em Thủy tìm hiểu, các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sơn Ca và cùng Hải quân 4 cũng đã tổ chức quyên góp, giúp đỡ em Khuê…

Giờ thì tôi thực sự cảm nhận được lời chia sẻ chân tình, mộc mạc của chị Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) - người đã có 3 lần đến với Trường Sa, cũng là Phó đoàn công tác số 13 của chúng tôi: Từ khi đến với Trường Sa, mỗi lần nghe tin có bão to trên biển Đông là tim tôi như bị bóp nghẹn, chỉ lo các anh nơi biển đảo và nhà giàn sẽ bị ảnh hưởng... Thế mới thấy, những ai từng một lần đến Trường Sa, được tận mắt chứng kiến cuộc sống nơi hải đảo xa xôi, vất vả, được nghe lời tâm tình từ các anh… thì chẳng thể nào có thể dửng dưng, vô cảm trước những gì tác động đến cuộc sống của các anh. Âu đó cũng chính là tình yêu rất đỗi mộc mạc, giản dị, chân thành mà những người ở đất liền dành các cho anh, những người đang canh giữ một phần máu thịt của Tổ quốc.