Đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của vùng(*)

20:21, 20/06/2019

Sáng 20-6, Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020. Báo Thái Nguyên điện tử đăng tải lược ghi bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí NGUYỄN VĂN BÌNH, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại Hội nghị. 

Việc tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm hảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 (Nghị quyết số 37-NQ/TW) là một nhiệm vụ rất quan trọng và thiết thực trong bối cảnh cả nước đang hướng tới chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng các cấp. Tổng kết của các địa phương trong vùng sẽ là một trong những cơ sở quan trọng nhất để xây dựng báo cáo tổng kết chung, trình Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh của vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; là cơ sở quan trọng để các địa phương trong vùng xây dựng Nghị quyết Đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại Hội nghị này, tôi có mấy ý kiến như sau: Báo cáo của tỉnh đã bám sát các nội dung Nghị quyết số 37-NQ/TW đề cập và yêu cầu đặt ra của Ban Chỉ đạo. Báo cáo đã đánh giá được công tác tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực hiện Nghị quyết; công tác thể chế hóa bằng các nghị quyết, kết luận của Tỉnh ủy, chương trình, kế hoạch hành động của UBND tỉnh và gần 50 văn bản quy phạm pháp luật liên quan để triển khai thực hiện; đã đánh giá kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực về kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh; phát triển khoa học, công nghệ; liên kết kinh tế vùng; xây dựng hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp; báo cáo đã chỉ ra các tồn tại, hạn chế, yếu kém về phát triển kinh tế, quy hoạch và quản lý quy hoạch; phát triển kết cấu hạ tầng; về phát triển văn hóa, xã hội; về khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường; về phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, về quốc phòng an ninh; về xây dựng hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc; xác định được nguyên nhân chủ quan và khách quan; rút ra 05 bài học kinh nghiệm; phân tích bối cảnh trong và ngoài nước; điểm mạnh, điểm yếu; cơ hội và thách thức của địa phương, vùng; đề ra các quan điểm, mục tiêu (tổng quát và cụ thể); xây dựng 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 05 nhóm kiến nghị nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Báo cáo đã làm rõ ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và tác động tích cực của Nghị quyết số 37-NQ/TW, Kết luận số 26-KL/TW đến phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của địa phương trong thời gian qua; đồng thời, cho thấy Đảng bộ tỉnh đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 26-KL/TW để cụ thể hóa thành các kế hoạch, chương trình, đề án và hoàn thành được hầu hết các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra, đặc biệt là về tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển...

Ban Chỉ đạo Trung ương rất ấn tượng và đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh trong triển khai thực hiện Nghị quyết, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2004-2018 tăng 12,8%/năm, giai đoạn 2004-2008 là 10,73%, giai đoạn 2014 đến nay là 20,13%; thực hiện tốt cơ cấu chuyển dịch kinh tế theo yêu cầu của Nghị quyết; thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh từ 5,9 triệu đồng (năm 2004) lên 77,7 triệu đồng (năm 2018), gấp 13 lần, tương đương 3.370 USD/người/năm (mục tiêu Kết luận số 26-KL/TW là đến năm 2020 đạt 2.000 USD/người/năm)...

Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá cao về sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc triển khai bài bản của UBND tỉnh trong thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, nhấn mạnh về một số chính sách của tỉnh như: Chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Chỉ số PCI luôn được cải thiện, trong 03 năm liền (2014-2016) đứng trong 10 tỉnh có chỉ số PCI cao nhất cả nước. Đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã có 132 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đạt trên 7,6 tỷ USD; xếp thứ 10/63 tỉnh, thành; có trên 648 dự án đã được chấp thuận và cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đăng ký khoảng 180.588 tỷ đồng...

Công tác quy hoạch được quan tâm, thực hiện đồng bộ và bài bản: Đã có Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tỉnh đã phê duyệt gồm: Quy hoạch vùng tỉnh; quy hoạch chung 12 đô thị, 143 xã. Chính sách liên kết vùng được triển khai trong phát triển hạ tầng, du lịch, bảo vệ môi trường...

Về chính sách phát triển kết cấu hạ tầng; đô thị, bố trí lại dân cư, xây dựng nông thôn mới: Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng. Hạ tầng giao thông vận tải từng bước được đầu tư hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại như các tuyến đường: Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, đường Thái Nguyên - Chợ Mới; tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh; tuyến đường thủy đã đáp ứng năng lực bốc xếp bình quân trên 3 triệu tấn/năm. Các công trình thủy lợi, cấp nước sạch, cấp điện, viễn thông, hạ tầng y tế, giáo dục và thiết chế văn hóa không ngừng được cải thiện, nâng cao đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, giáo dục, và thiết chế văn hóa không ngừng được cải thiện, nâng cao đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, giáo dục, đào tạo và đời sống của nhân dân.

Giáo dục, đào tạo có bước phát triển cả về mạng lưới, quy mô, loại hình và chất lượng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu học tập, đào tạo. Đại học Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thiện theo mô hình của một đại học vùng, đa ngành, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Y tế chuyên sâu phát triển.
Các chính sách xã hội được triển khai đồng bộ, kịp thời, nhất là chính sách đối với người có công, chính sách an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo; hỗ trợ đồng bào dân tộc ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm đạt trên 2%.

Ban Chỉ đạo Trung ương có một số gợi ý để Tỉnh ủy hoàn thiện Báo cáo: Về công tác lãnh đạo chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, Kết luận, đề nghị tỉnh cung cấp thêm các kế hoạch, chương trình hành động của địa phương thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 26-KL/TW để Tổ Biên tập có cơ sở đối chiếu và đánh giá. Đề nghị bổ sung các báo cáo kiểm điểm, đánh giá kết quả; các báo cáo sơ kết, tổng kết của địa phương thực hiện trong 15 năm qua.

Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết 37-NQ/TW, báo cáo cần làm sâu sắc vị trí, vai trò, chức năng của tỉnh với tư cách là “cực tăng trưởng” của vùng; tác động thu hút, lan tỏa, là đầu kéo cho toàn vùng trong phát triển kinh tế, liên kết xây dựng các chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất (nông - công nghiệp - dịch vụ), liên kết giáo dục, đào tạo, dạy nghề, lao động, việc làm, thu nhập... Báo cáo cần làm rõ quy mô khu vực FDI trong quy mô nền kinh tế của tỉnh (số dự án; tổng vốn đầu tư; tỷ lệ đóng góp trong tổng sản phẩm, tăng trưởng kinh tế; cơ cấu FDI trong ngành công nghiệp; xuất khẩu; thu ngân sách...); phân tích sâu các tác động tích cực và hệ lụy đối với phát triển kinh tế, thu hút lao động, giải quyết việc làm, bảo vệ môi trường, các vấn đề xã hội khác... Báo cáo cần bổ sung làm rõ, sâu sắc hơn nội dung phát triển kinh tế tư nhân về: Quy mô, cấp độ, phân tích các lợi thế, thách thức, các cơ chế, chính sách tạo lập môi trường và điều kiện cho kinh tế tư nhân và “khởi nghiệp” phát triển, để kinh tế tư nhân trở thành động lực tăng trưởng quan trọng theo tinh thần Nghị quyết 10-NQ/TW của Đảng. Báo cáo cần làm sâu sắc hơn, thẳng thắn hơn các đánh giá về tính phù hợp, khả thi của Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 26-KL/TW; các chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ; cơ chế, chính sách, nguồn lực và phân bổ nguồn lực... của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Phân tích, đánh giá cơ cấu kinh tế và xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong phạm vi địa phương và quy mô, cấp độ vùng. Phân tích, đánh giá vấn đề liên kết vùng về nhận thức, thể chế quản trị, cơ chế vận hành, nội dung liên kết... trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng, văn hóa xã hội và quốc phòng an ninh. Giới thiệu, đánh giá các mô hình kinh tế điển hình nhằm phát triển bền vững để có thể nghiên cứu, khái quát hóa thành mô hình phát triển chung phù hợp với các điều kiện của vùng.

Về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu: Phân tích thêm các thách thức và cơ hội cho phát triển trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0; công cuộc cải cách thể chế và kinh tế đang tiến hành; cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung; biến đổi khí hậu và thiên tai... đối với địa phương nói riêng và đối với toàn vùng nói chung. Đặc biệt, Thái Nguyên có lợi thế phát triển công nghiệp, dịch vụ; nắm bắt cơ hội, tạo dựng môi trường, chuẩn bị tốt các điều kiện đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc. Phân tích một cách kỹ lưỡng, khoa học các yếu tố về vị trí địa lý, địa hình, đất đai, điều kiện kết nối hạ tầng giao thông, trình độ phát triển... Mặt khác, Thái Nguyên đã thuộc quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; do vậy, có thể xem xét việc chuyển Thái Nguyên ra khỏi vùng trung du và miền núi Bắc Bộ để có môi trường và điều kiện phù hợp cho phát triển hay tập trung thêm nguồn lực để Thái Nguyên trở thành trung tâm phía Nam của vùng trung du và miền núi Bắc bộ, đóng vai trò động lực lan tỏa; phát triển nhanh và bền vững là nhiệm vụ quan trọng của các ngành, địa phương trong thời gian tới và lâu dài. Đề nghị tỉnh căn cứ vào các lợi thế, tiềm năng của địa phương mạnh dạn đề xuất những ngành, lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh, có thể là “cực tăng trưởng”, có tác động lan tỏa đối với toàn vùng.

Đối với phát triển của từng ngành, lĩnh vực, cần xác định các ngành chủ lực, các sản phấm chủ lực (đột phá và mũi nhọn); đồng thời cần nhấn mạnh hơn về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào đổi mới, sáng tạo và tăng năng suất (ứng dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số); khai thác các lợi thế về phát triển công nghiệp, dịch vụ và cần chú trọng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Cần các giải pháp căn cơ hơn để ưu tiên phát triển logistics với lợi thế về địa kinh tế; phát triển kinh tế gắn với đảm bảo sinh kế cho người dân, giảm nghèo đa chiều bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng các chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị về công nghiệp, nông - công nghiệp, du lịch theo địa phương và toàn vùng. Mạnh dạn đề xuất trở thành trung tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của vùng trên cơ sở lấy Đại học Thái Nguyên làm trụ cột.

Về Kiến nghị và tổ chức thực hiện: Các đề xuất đối với Bộ Chính trị đã thể hiện được trách nhiệm của Thái Nguyên với phát triển kinh tế - xã hội vùng, nhất là việc đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng, sớm đưa vùng đạt được sự phát triển bằng mức bình quân chung của cả nước. Các đề xuất đối với Ban cán sự Đảng Chính phủ, các bộ, ngành (12 đề xuất) tập trung chủ yếu vào việc giải quyết nguồn lực đầu tư tài chính, xây dựng kết cấu hạ tầng; đề nghị tỉnh mạnh dạn đề xuất những vấn đề tập trung vào cơ chế, chính sách nhằm giải quyết các nút thắt, phát huy nội lực, khai thác tiềm năng lợi thế, khơi thông nguồn lực xã hội, thu hút đầu tư trong và ngoài nước... Đề xuất đối với các địa phương trong vùng mới chỉ dừng lại ở mức độ sự vụ, chưa có tầm chiến lược; chưa thẳng thắn đề cập đến tổ chức thực hiện (trách nhiệm của các cơ quan Trung ương, của các địa phương trong vùng; phối hợp giữa Trung ương và địa phương; thể chế quản trị, điều phối vùng)...

Về  một số vấn đề khác, xem xét phân kỳ đánh giá phục vụ tổng kết chia theo các thời kỳ sau: Theo các kỳ Đại hội: 2004-2005; 2006-2010; 2011-2015; 2016-2018 và quý I, II/2019; theo thời gian ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 26-KL/TW: 2004-2012; 2012-2018 và quý I, II/2019. Cách phân kỳ này cho phép đánh giá, tổng kết Nghị quyết trong mối quan hệ hữu cơ với thực hiện Nghị quyết các đại hội của Đảng nói chung, Nghị quyết đại hội Đảng bộ các địa phương nói riêng cũng như tính đến bối cảnh ra đời của Nghị quyết số 37-NQ/TW, Kết luận số 26-KL/TW và tính cập nhật của đánh giá.

--------------------------------------------------------
(*) Đầu đề do Tòa soạn đặt