Tiếp tục chương trình làm việc tại phiên họp thứ 36, ngày 15-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn đối với Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành về những nội dung liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018. Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên chất vấn và trả lời chất vấn được thực hiện theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố trong cả nước. Điểm cầu Thái Nguyên do đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì (ảnh).
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, UBTVQH tiến hành xem xét việc thực hiện 4 nghị quyết về giám sát chuyên đề và 4 kết luận về chất vấn của UBTVQH từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018. Đây là lần đầu tiên UBTVQH thực hiện việc giám sát lại đối với các nội dung đã được UBTVQH giám sát, chất vấn. Liên quan đến việc triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của UBTVQH, Chính phủ đã chuẩn bị 10 báo cáo, trong đó nêu khá chi tiết, cụ thể việc thực hiện đối với từng nội dung, lĩnh vực trong nghị quyết và kết luận. Trên cơ sở các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã dành thời gian để thẩm tra và có những đánh giá cụ thể về các nội dung đã được Chính phủ thực hiện. Từ tình hình thực tế và qua nhận định trong các báo cáo cho thấy, những nội dung trong các nghị quyết, kết luận của UBTVQH đã được Chính phủ, các bộ, ngành triển khai nghiêm túc, mang lại những kết quả đáng kể, tạo sự chuyển biến trong nhiều lĩnh vực, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với yêu cầu và thực tiễn thì vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục triển khai, nhiều nội dung cần được tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo mới có thể tạo chuyển biến tích cực. Những tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị được nêu trong các báo cáo của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra cũng chính là cơ sở để UBTVQH và các ĐBQH tiếp tục đặt câu hỏi chất vấn nhằm làm rõ thêm nhiều vấn đề.
Để phiên chất vấn, trả lời chất vấn đạt kết quả tốt, các ĐBQH đều đặt câu hỏi ngắn gọn đối với 15 bộ trưởng, trưởng ngành, đi thẳng vào những vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm hiện nay, như: Quản lý thông tin trên mạng xã hội; giải pháp hỗ trợ ngư dân vươn khơi đánh bắt hải sản, phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; tiến độ triển khai xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam và một số công trình giao thông trọng điểm; quản lý các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài; giải quyết các chế độ bảo hiểm cho người lao động; bố trí vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, triệt phá các băng nhóm cho vay nặng lãi, hoạt động “tín dụng đen”; xử lý vấn đề rác thải nhựa, bảo đảm môi trường; việc triển khai các nhiệm vụ khoa học - công nghệ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư; việc sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng... Các bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời thẳng thắn, đúng vấn đề được chất vấn, đồng thời xác định rõ trách nhiệm, nêu rõ nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp cần triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ, đồng thời trực tiếp trả lời chất vấn của nhiều ĐBQH.
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp đã được nêu ra, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.