50 năm đã qua, nhìn lại cả một chặng đường thực hiện Di chúc của Bác, chúng ta cùng suy ngẫm, những tình cảm ấy thật là khó quên, những điều căn dặn ấy đã chứa đựng, bao trùm cho cả phần việc chung và phần việc riêng, cho cả trước, cả sau, từ việc lớn đến việc nhỏ nhưng đều mang đậm nét và giàu tính nhân văn sâu sắc, chiến lược, khả thi và cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị đích thực, là Di sản quý giá để lại cho Đảng, cho dân tộc Việt Nam.
Về nội dung Di chúc, Bác đề cập nhiều đến công tác xây dựng Đảng, nhất là về sự đoàn kết, thống nhất, coi việc giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình và vấn đề dân chủ, dân chủ rộng rãi, tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh. Bác quan tâm đến thế hệ trẻ, coi việc bồi dưỡng cho thế hệ trẻ hôm nay chính là việc xây dựng thế hệ cách mạng cho đời sau. Bác quan tâm chia sẻ với người dân lao động phải cam chịu trong khó khăn, kiên cường trong chiến đấu, hăng hái thi đua trong lao động. Bác dự báo về cuộc kháng chiến có thể kéo dài, nhưng Bác nhận định là sẽ thắng lợi hoàn toàn. Bác chia sẻ với phong trào cộng sản trên thế giới; Bác nói về việc riêng; Bác căn dặn một số nội dung cần làm sau chiến tranh kết thúc và sau khi Bác đã đi xa.
Vinh dự cho Thái Nguyên, 9 năm trường kỳ kháng chiến, Bác và các cơ quan Trung ương đã chọn vùng ATK, trong đó có ATK Thái Nguyên là địa bàn hoạt động. Kháng chiến thành công, trước lúc Bác đi xa, Bác đã 7 lần trở về thăm tỉnh. Vào lần cuối Người về thăm, Bác căn dặn “Tỉnh ta có nhiều điều kiện rất thuận lợi, toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”. Những tình cảm ấy, những lời căn dặn ấy đã đi vào ký ức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đồng thời cũng là động lực, mục tiêu phấn đấu của tỉnh Thái Nguyên đã và đang trở thành hiện thực.
Về những thành tựu nổi bật của tỉnh thực hiện Di chúc của Bác, 50 năm qua cho thấy, trong những năm kháng chiến, quân và dân tỉnh ta vừa phải chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, vừa phải hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phải thi đua lao động sản xuất. Kết thúc chiến tranh, Thái Nguyên có gần 8.000 liệt sỹ, 85 tập thể, 21 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; nội bộ đoàn kết, chính trị ổn định; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường và có nhiều đổi mới theo hướng toàn diện và vững mạnh; kinh tế phát triển nhanh và có nhiều đột phá, nhất là mức thu nhập bình quân đầu người và thu ngân sách; 101/139 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019, diện mạo từ đô thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc; văn hóa - y tế - giáo dục có nhiều tiến bộ (756 GS, PGS, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân); quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự - an toàn xã hội được đảm bảo, lòng tin của nhân dân đối với Đảng ngày càng được nhân lên.
Về thực hiện Chỉ thị 05, sau 03 năm qua, kết quả nổi bật mà các tổ chức đảng, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh đạt được là việc tiếp nhận chủ trương, quán triệt, triển khai, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện. Quá trình thực hiện, về nhận thức trong mỗi chúng ta, Bác luôn là biểu tượng ngời sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện luôn đảm bảo tính linh hoạt sáng tạo, lồng ghép chương trình, ứng dụng, vận dụng mang tính khoa học, thực tiễn và hiệu quả, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương điển hình tiên tiến, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá, bên cạnh những thành tựu như trên, cũng còn bộc lộ một số tồn tại hạn chế cần sớm khắc phục như: Về nhận thức đúng đắn và sâu sắc đối với những nội dung trên, cá biệt cũng còn có một số tổ chức đảng, đảng viên chưa đạt, dẫn đến kết quả chưa được như mong muốn, nhất là về nội dung, hình thức trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ; một số cán bộ, đảng viên chưa thực sự gương mẫu, nêu gương trong công tác và trong cuộc sống đời thường; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp uỷ chưa quyết liệt, thường xuyên; việc chỉ đạo, triển khai còn chưa gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; công tác kiểm tra, giám sát ở một số nơi còn hạn chế; ý thức, tinh thần trách nhiệm của một số cá nhân chưa tích cực, tự giác, trong đó còn có cả người đứng đầu ở cơ sở.
Để việc thực hiện Di chúc và việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục đi vào thường xuyên, nền nếp, hoạt động thiết thực và hiệu quả; ngoài những nội dung đã đề cập, yêu cầu các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thức hiện tốt một số nội dung sau đây:
Một là, Cần tiếp tục quán triệt, triển khai sâu rộng tới các tổ chức đảng, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh, nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng giữa lý luận và thực tiễn đối với nội dung bản Di chúc của Bác và nội dung Chỉ thị 05 -CT/TW của Bộ Chính trị gắn với nội dung Nghị quyết TW4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng Đảng, Nghị quyết TW6 (khóa XII) về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Nghị quyết TW7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược trong tình hình mới.
Hai là, Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về những nội dung trên, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là các gia đình chính sách, người có công với nước, đồng bào ở vùng ATK, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Triển khai thực hiện có hiệu quả đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân với chủ đề “50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh” đảm bảo thiết thực, ý nghĩa.
Ba là, Tiếp tục đổi mới phương pháp, tác phong làm việc, trước hết là đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là phong cách “nói đi đôi với làm, gần dân, sát dân, nghe dân nói, nói dân nghe, sâu sát và gắn bó từ cơ sở, làm nhiều việc tốt phục vụ nhân dân”. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, trước hết là người đứng đầu; nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, đảng viên trong giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, làm tốt công tác quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; tin tưởng giao việc, tạo điều kiện để tuổi trẻ được trải nghiệm, rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành, bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng, tạo nguồn kế tục sự nghiệp cách mạng trước mắt và lâu dài.
Bốn là, thực hiện tốt Chỉ thị 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng và Kế hoạch số 146-KH/TƯ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó đưa tinh thần 50 năm thực hiện Di chúc và việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW vào đại hội đảng bộ các cấp, nhất là công tác nhân sự “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém mà nên”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; chúng ta cần phải tránh xa những biểu hiện “tư duy nhiệm kỳ”, “cục bộ”, “thân quen”, “nể nang, dễ dãi”; đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, minh mạch, đúng quy trình, quy định, hợp với ý Đảng, lòng dân khi lựa chọn nguồn nhân sự. Đặc biệt chú ý đến việc chỉ đạo đại hội các cấp nhiệm kỳ thành công, phải gắn với việc chỉ đạo kinh tế- xã hội phát triển, quốc phòng, an ninh và đối ngoại tiếp tục được tăng cường.
Năm là, Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, đẩy mạnh các phong trào thi đua ái quốc của các cấp, các ngành, trong mọi tầng lớp nhân dân, trên tất cả các lĩnh vực; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo Bác. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết; lấy kết quả thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW là tiêu chí đánh giá, phân loại tập thể, cá nhân hằng năm, đồng thời làm căn cứ quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ. Thực hiện tốt văn hóa công sở; xây dựng đội ngũ cán bộ gương mẫu, tận tụy, trách nhiệm, kỷ cương, vì nhân dân phục vụ.