Chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm

18:44, 30/10/2019

Ngày 30-10, đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chủ trì phiên họp chất vấn lần thứ hai năm 2019 của Thường trực HĐND tỉnh đối với UBND tỉnh. Tham dự Phiên họp có đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và HĐND, UBND các huyện, thành, thị.

Đây là lần đầu tiên phiên họp chất vấn của Thường trực HĐND tỉnh đối với UBND tỉnh được truyền hình trực tiếp trên Đài PT-TH tỉnh để nhân dân, cử tri theo dõi, giám sát hoạt động của HĐND và UBND tỉnh.

Có 3 nội dung được chất vấn tại Phiên họp, gồm: Công tác đào tạo nghề; việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP); việc thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã trên địa bàn tỉnh (tính đến ngày 30/6/2019) gắn với thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND ngày 19/7/2012 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở của tỉnh đến năm 2020.

Để chuẩn bị cho Phiên chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức khảo sát trực tiếp tại các địa phương về 3 nội dung nêu trên. Trên cơ sở này, tại Phiên chất vấn, các đại biểu (ĐB) đã để nghị lãnh đạo UBND tỉnh, các Ủy viên UBND tỉnh, thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh liên quan làm rõ nhiều vấn đề.

Đối với công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề, các ĐB đề nghị chỉ ra bất cập, nguyên nhân khiến kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đạt chỉ tiêu kế hoạch theo Nghị quyết của HĐND tỉnh năm 2012 cũng như theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ? giải pháp trong thời gian tới; hiệu quả của việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp thời gian qua? Vấn đề đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu?

Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP, các ĐB đã đề nghị làm rõ nguyên nhân của việc chậm triển khai, ban hành văn bản quy định phân cấp quản lý về ATTP của các ngành; giải pháp nào để đến năm 2020 tỉnh ta đạt được mục tiêu  80% chợ được quy hoạch và kiểm soát ATTP theo Chiến lược quốc gia ATTP giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030? Biện pháp quản lý đối với các cơ sở dịch vụ kinh doanh thức ăn đường phố và chuỗi cung cấp sản phẩm? thực trạng quản lý các loại thực phẩm chức năng trên địa bàn tỉnh hiện nay? giải pháp nào để kiểm soát chất lượng của sản phẩm rượu truyền thống?

Đối với việc thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND ngày 19-7-2012, các ĐB đề nghị làm rõ: Nguyên nhân chậm đầu tư 5 trạm y tế thuộc diện cấp bách theo Nghị quyết của HĐND tỉnh năm 2012? Trách nhiệm của ngành Y tế cũng như hướng giải quyết trong thời gian tới? làm gì để 17 trạm y tế tuyến xã còn lại có bác sĩ? Nguyên nhân khiến nhiều thiết bị y tế được trang bị nhiều năm nay nhưng vẫn chưa đưa vào sử dụng, gây lãng phí. Giải pháp nào để khắc phục?…

Sau khi đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh, thủ trưởng các cơ quan liên quan thuộc UBND tỉnh trả lời câu hỏi của các ĐB, đồng chí Vũ Hồng Bắc khẳng định: Phiên chất vấn lần này đã giúp UBND tỉnh có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về kết quả thực hiện, cũng như những bất cập, hạn chế trong chỉ đạo, triển khai về 3 nhóm vấn đề được đề cập, từ đó đưa ra định hướng, giải pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Kết luận Phiên chất vấn, đồng chí Bùi Xuân Hòa nhấn mạnh: Qua Phiên chất vấn cho thấy, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước ở 3 lĩnh vực nêu trên khá tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế mà các đại biểu đã nêu câu hỏi. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là công tác phối hợp của các cấp, các ngành có liên quan; chú trọng thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, đồng thời rà soát những vướng mắc về cơ chế, những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ để sớm có những đề xuất với các bộ, ngành, Trung ương nhằm tháo gỡ và có giải pháp, lộ trình cụ thể, sát thực để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội… Sau Phiên chất vấn này, đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng đã trả lời chất vấn gửi văn bản trả lời chất vấn đến Thường trực HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn (trước ngày 10-11-2019). Thường trực HĐND tỉnh sẽ ban hành thông báo kết luận Phiên chất vấn, làm cơ sở để đại biểu HĐND tỉnh và cử tri tiếp tục giám sát UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh trong tổ chức thực hiện.

* Tại phiên chất vấn lần thứ 2 của Thường trực HĐND tỉnh đối với UBND tỉnh, đã có 15 đại biểu đặt 22 câu hỏi chất vấn đối với lãnh đạo UBND tỉnh, các ủy viên UBND tỉnh, lãnh đạo các cơ quan thuộc UBND tỉnh về những vấn đề được cử tri quan tâm. Phóng viên Báo Thái Nguyên lược ghi một số nội dung hỏi và trả lời tại phiên chất vấn.

 

Ông Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh:

 Về hệ thống cơ sở đào tạo nghề

 Theo Nghị quyết số 34/NQHĐND năm 2011 của HĐND tỉnh, đến năm 2020 sẽ đào tạo nghề cho 80 nghìn lao động nông thôn. Tuy nhiên, đến hết tháng 6-2019, mới có gần 40 nghìn lao động được đào tạo. Đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để thực hiện mục tiêu Nghị quyết đã đề ra?. Làm rõ vấn đề này, ông Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh thẳng thắn: Hệ thống các cơ sở đào tạo nghề cho lao động, đặc biệt là cho lao động nông thôn còn dày đặc, chồng chéo; việc liên kết đào tạo, phối hợp giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp tuyển dụng chưa đạt hiệu quả cao, chương trình và thời gian đào tạo không phù hợp với nhu cầu của người học… Về giải pháp, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức được vai trò của công tác đào tạo nghề. Mặt khác, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; đồng thời, tăng cường kết nối các cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp… 

Ông Dương Duy Hưng, Phó giám đốc Sở Lao động, thương binh và Xã hội:

Về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số:

Đánh giá về kết quả thực hiện đào tạo nghề và những chính sách dành cho lao động là người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh thời gian qua, ông Dương Duy Hưng, Phó giám đốc Sở Lao động, thương binh và Xã hội cho biết: Từ năm 2011 đến tháng 6-2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đào tạo trên 15.200 lao động là người DTTS, chiếm 38,6% tổng số lao động nông thôn được đào tạo nghề. Nhằm hỗ trợ người DTTS khi tham gia đào tạo nghề, Chính phủ và tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách như: Cho vay vốn tín dụng, hỗ trợ kinh phí đào tạo, tiền ăn, tiền đi lại... Ngoài ra, năm 2016, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 1547/QĐ-UBND quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh. Về cơ bản, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã và đang được triển khai theo đúng quy định, chưa phát sinh khó khăn, vướng mắc. 

Ông Nguyễn Vy Hồng, giám đốc Sở Y tế:

Về nguyên nhân chậm đầu tư một số trạm y tế xã thuộc diện cấp bách:

Tại Nghị quyết số 11/2012/NQcủa HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 có nêu giai đoạn 2013-2015 sẽ xây dựng mới 16 trạm y tế xã thuộc diện cấp bách, nhưng đến nay, còn 5 trạm chưa được đầu tư xây dựng mới. Hiện vẫn còn 17 trạm y tế xã thiếu bác sĩ. Theo ông nguyễn Vy Hồng, giám đốc Sở Y tế: Nguyên nhân chậm đầu tư các trạm y tế này chủ yếu là do thiếu vốn. UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt đầu tư đối với 5 trạm còn lại. Trước mắt, 2 trạm y tế tại các xã: Quân Chu (Đại Từ) và Phú Đình (Định Hóa) sẽ được khởi công vào tháng 12-2019; 3 trạm còn lại sẽ được đầu tư vào năm 2020. Đối với 17 trạm y tế xã thiếu bác sĩ, có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do chính sách thu hút, giữ chân các bác sĩ công tác tại các trạm y tế xã chưa thỏa đáng. Bên cạnh đó, một số bác sĩ đến tuổi nghỉ hưu. Để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ở tuyến cơ sở, thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bố trí, điều chuyển các bác sĩ về các trạm y tế xã. Hiện, có 15 cán bộ đang được đào tạo để trở thành bác sĩ, sẽ ra trường từ nay cho tới năm 2022, trở về công tác tại các trạm y tế xã. 

 Ông Phạm Văn Sỹ, giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT:

Về việc kiểm soát an toàn thực phẩm:

Làm rõ công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trong quá trình sản xuất, thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản đối với các sản phẩm từ thịt, thủy sản, rau, củ, quả và các nông sản thực phẩm khác, ông Phạm Văn Sỹ, giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT cho biết: Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tích cực tuyên truyền, tăng cường công tác thanh, kiểm tra về ATTP đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, ngành còn tổ chức và phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường tập huấn, tổ chức ký cam kết đảm bảo ATTP đối với các cơ sở chế biến thực phẩm… Tuy nhiên, quản lý Nhà nước về lĩnh vực ATTP vẫn còn gặp một số khó khăn như: Thiếu lực lượng làm công tác kiểm soát tại các cơ sở giết mổ; việc thanh, kiểm tra tại các huyện, xã còn ít… Thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, thực hiện tốt việc hỗ trợ với các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương phát triển các cơ sở giết mổ tập trung, tăng cường thanh, kiểm tra và công khai kết quả thanh, tra kiểm tra…

 Ông Nguyễn Ngô Quyết, giám đốc Sở Công thương

 Về tăng cường quản lý tại các chợ truyền thống

 Nói về giải pháp kiểm soát ATTP tại các chợ, đặc biệt là chợ truyền thống và việc triển khai mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh thời gian qua được thực hiện như thế nào? Theo ông Nguyễn Ngô Quyết, giám đốc Sở Công thương: Trên địa bàn tỉnh hiện có 140 chợ, trong đó có 3 chợ hạng I, 10 chợ hạng II, còn lại là chợ hạng III, cung cấp khoảng 60% thực phẩm phục vụ đời sống của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, việc kinh doanh thực phẩm tại các chợ vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP. Đối với Ngành Công Thương, ngoài việc tham mưu cho UBND tỉnh về quy hoạch chợ, còn tham mưu phê duyệt nội quy chợ, sắp xếp các khu vực thực phẩm tươi sống và thực phẩm chín, thoát nước và xử lý chất thải trong chợ. Tuy nhiên, hiện các Ban quản lý chợ mới thực hiện nhiệm vụ quản lý về an ninh trật tự, việc kiểm soát thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, giải pháp trước mắt là cần tuyên truyền thay đổi nhận thức cho người kinh doanh và tiêu dùng về việc cần thiết phải sản xuất và sử dụng đối với thực phẩm an toàn; tích cực vận động các tiểu thương kinh doanh ổn định trong chợ, tránh kinh doanh tại lòng, lề đường gây mất ATTP… Đối với việc xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm, ngành Công Thương đang triển khai thí điểm tại Chợ Đại Từ. Qua đánh giá, hoạt động của mô hình này khá tốt, góp phần thay đổi nhận thức trong hoạt động mua bán, kinh doanh của người dân tại các chợ. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với UBND tỉnh bố trí nguồn lực để nhân rộng mô hình này trên địa bàn tỉnh. 

Ông Lê Văn Quý, Chủ tịch HĐND huyện Phú Lương:

Học hỏi được nhiều kinh nghiệm bổ ích

Đây là lần thứ 2 Thường  trực HĐND tỉnh khóa XIII tổ chức phiên họp chất vấn, bản thân tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm bổ ích, từ đó áp dụng vào thực tiễn hoạt động của HĐND huyện thời gian tới. Cụ thể là: Thường trực HĐND huyện sẽ chỉ đạo các ban, tổ HĐND, các đại biểu HĐND phải luôn bám sát tình hình mọi mặt của địa phương, để chủ động phát hiện ra những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà cử tri quan tâm. Các đại biểu HĐND cần chủ động nắm chắc các vấn đề, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước mỗi phiên chất vấn để đặt câu hỏi xác đáng, đồng thời tích cực chuẩn bị các phương án chất vấn đối với thành viên của UBND cũng như các chủ thể được chất vấn. Cần tiếp tục giám sát, đôn đốc việc thực hiện các ý kiến sau mỗi phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Chuẩn bị tốt các điều kiện để phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra suôn sẻ, đạt chất lượng cao nhất…

Đại biểu Vũ Duy Hoàng, Tổ đại biểu T.P Thái Nguyên:

Các nội dung trả lời đã đi thẳng vào vấn đề

Tôi cho rằng, việc tổ chức các phiên chất vấn của Thường trực HĐND tỉnh giữa các kỳ họp rất ý nghĩa, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Qua đó nhằm đánh giá công tác quản lý nhà nước trong việc thực thi chính sách, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh; đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế để từ đó có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Tại Phiên chất vấn lần này, tôi đánh giá  cao công tác chuẩn bị của Thường trực HĐND tỉnh, từ báo cáo kết quả khảo sát đến việc chuẩn bị nội dung câu hỏi của các ĐB. Phần trả lời của lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành đã đi vào những vấn đề hết sức cụ thể, được đông đảo cử tri quan tâm. Tôi mong, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tổ chức nhiều Phiên chất vấn như thế này để những thông tin, phản ánh của cử tri đến được với UBND tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh một cách đầy đủ, chính xác.