Mái nhà chung của những người làm báo

08:25, 21/04/2020

Những năm qua, Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều hoạt động chuyên môn, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển báo chí trên địa bàn và phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Hội cũng là ngôi nhà chung để các hội viên gắn bó, chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/04/1950 - 21/04/2020), Báo Thái Nguyên lược ghi những chia sẻ của hội viên Hội Nhà báo tỉnh.

Kết nối thông tin giúp phóng viên hoàn thành nhiệm vụ

Hoàng Thảo Nguyên, Chi hội Văn phòng Hội Nhà báo.

Là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Thái Nguyên hơn 20 năm, tham gia sinh hoạt hội, tôi được cùng hòa nhịp với đời sống báo chí địa phương; gắn kết cùng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền. Qua các cuộc họp, giao ban định kỳ về báo chí của Hội, phóng viên thường trú nắm bắt được kế hoạch, yêu cầu về thông tin của tỉnh kịp thời và chính xác. Hội Nhà báo tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn nghiệp vụ hoặc đi thực tế cơ sở, giúp hội viên nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận thông tin thuận lợi, đa chiều hơn… Qua thực tiễn hoạt động, Hội Nhà báo tỉnh đã đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối phóng viên thường trú với cấp ủy, chính quyền, đồng nghiệp địa phương, giúp chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

 

Mong có thêm nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên

Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chi hội Báo Văn nghệ và Trung tâm thông tin.

Là hội viên Hội Nhà báo tỉnh, qua các đợt sinh hoạt nghiệp vụ của Hội, tôi có điều kiện gặp gỡ, trao đổi với nhiều đồng nghiệp, học hỏi thêm kỹ năng và tiếp cận được với nhiều nguồn thông tin; cách chọn đề tài và triển khai tác phẩm báo chí. Điều đó giúp đội ngũ phóng viên, biên tập viên có thêm hứng thú với công việc. Tôi mong thời gian tới, Hội có thêm nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên, nhất là các buổi sinh hoạt nghiệp vụ bám sát với nhiệm vụ tuyên truyền của tỉnh, những vấn đề mà hội viên đang thiếu và đang cần. Có thể tổ chức thành những chuyên đề cụ thể, ví dụ như tuyên truyền đại hội đảng các cấp hay đổi mới cách viết tin hội nghị, cách thực hiện các chuyên đề sao cho hấp dẫn và có tính chuyên sâu cao…

 

Nơi chia sẻ chuyện nghề, chuyện đời

Đại úy Nguyễn Mạnh Quỳnh, Chi hội Báo Quân khu 1.

Tôi may mắn được chuyển công tác từ đơn vị cơ sở về Báo Quân khu Một đã được 5 năm. Khi làm báo, tôi có cơ hội đi nhiều nơi, gặp và biết thêm nhiều người. Với anh em “nhà báo chiến sĩ” có môi trường hoạt động mang tính chất đặc thù thì khi có dịp tác nghiệp cùng đồng nghiệp “dân sự” đều rất hồ hởi. Bởi được giao lưu, chia sẻ chuyện nghề, chuyện đời với anh em làm việc ở môi trường “rộng” hơn và học hỏi thêm kinh nghiệm. Tham gia sinh hoạt trong Hội, tôi tiếp cận được nhiều kiến thức để hoàn thiện bản thân và nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Tôi không nhớ đã bao nhiêu lần tham dự tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ do Hội tổ chức và mỗi lần kết thúc đều cảm thấy tiếc. Tiếc vì thời gian tập huấn hơi “ngắn” với bản thân để có thể tiếp thu, học hỏi kỹ năng, kinh nghiệm làm báo nhiều hơn.

 

Quan tâm nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí

Phạm Hồng Tâm, Chi hội Báo Thái Nguyên.

Việc hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao do Hội Nhà báo tỉnh thực hiện những năm gần đây đã tạo động lực, khuyến khích hội viên cố gắng triển khai đề tài, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, các chi hội, liên chi hội trực thuộc ở mỗi cơ quan cũng có vai trò rất lớn để nâng cao chất lượng báo chí. Như ở Báo Thái Nguyên, Chi hội thường xuyên phối hợp tổ các buổi sinh hoạt nghiệp vụ theo chuyên đề. Hằng tháng, Ban Biên tập thực hiện bình xét và khen thưởng tin, bài chất lượng, trang báo đẹp; khuyến khích, trao thưởng tác phẩm đoạt giải cao các cuộc thi báo chí. Với chuyên đề dài kỳ, vấn đề thời sự khó đều được Ban Biên tập, Ban Thư ký chi hội, lãnh đạo phòng chuyên môn giúp đỡ, đồng hành khi xây dựng đề cương và triển khai thực hiện; bảo vệ phóng viên, hội viên khi gặp vấn đề pháp lý liên quan. Những cách làm như vậy rất cần nhân rộng và đẩy mạnh hơn nữa.

Tìm góc nhìn mới ở những vấn đề cũ

Lê Quỳnh Hoa, Liên chi hội Đài PT-TH Thái Nguyên.

Ngoài yếu tố chuyên môn nghiệp vụ thì tính hấp dẫn của mỗi sản phẩm báo chí còn ở góc nhìn, cách tiếp cận vấn đề. Bởi vậy, trước mỗi đề tài tôi thường tự đặt những câu hỏi: Khán giả cần gì ở sản phẩm này? Thay vì đi theo mô típ cũ có thể thực hiện theo cách nào khác không?... Cuối tháng 9-2019, sau khi kết thúc khóa tập huấn sản xuất phóng sự và phim tài liệu do Liên chi hội Đài PT-TH Thái Nguyên phối hợp với Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức, tôi và đồng nghiệp đã hoàn thành phóng sự có tên “Chuyện 3 người đàn bà câm”. Chúng tôi kể câu chuyện cuộc đời của 3 người phụ nữ câm điếc dưới góc nhìn mới, tiếp cận vấn đề theo cách trước đó chúng tôi chưa từng làm. Để có góc nhìn mới cho vấn đề cũ, ngoài nỗ lực của mỗi hội viên, vai trò của chi hội, liên chi hội  trong việc định hướng, tập huấn cũng rất quan trọng.