V.I.Lê-nin là lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, là người phát triển học thuyết của Các Mác và Ăngghen. Ông là người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản; đồng thời lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành Cách mạng Tháng Mười 1917 vĩ đại. Thắng lợi của cuộc cách mạng này đã mở ra thời đại mới trong lịch sử loài người, và con đường giải phóng các dân tộc thuộc địa.
Công lao to lớn của Lênin đối với lịch sử thế giới hiện đại nổi bật trên những phương diện chủ yếu: Sáng lập học thuyết Đảng kiểu mới, Đảng mang bản chất của giai cấp công nhân, đội tiên phong chiến đấu được vũ trang bởi lý luận tiên phong, thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội loài người, chống chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, xây dựng xã hội tương lai xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa mà Mác - Ăngghen đã đặt nền móng về tư tưởng lý luận. Lãnh đạo thành công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, khai sinh ra chủ nghĩa xã hội hiện thực với nước Nga Xô Viết, làm cho Đảng Cộng sản lần đầu tiên trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội mà ông gọi là Đảng chấp chính. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và sự ra đời của nước Nga Xô Viết, một thời đại mới trong lịch sử thế giới nhân loại đã bắt đầu.
Ông là người đề xướng cải cách chủ nghĩa xã hội với “Chính sách kinh tế mới” (NEP), đem chính sách kinh tế mới thay thế “chính sách cộng sản thời chiến” vào đúng lúc cần thiết, nhờ đó đã đưa nước Nga ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng sau Cách mạng Tháng Mười, trong tình cảnh nước Nga Xô Viết non trẻ vừa mới ra đời đã bị 14 nước tư bản đế quốc bao vây hòng bóp chết chủ nghĩa xã hội như một mầm non mới nhú, làm cho chính quyền Xô Viết đứng vững và nước Nga xã hội chủ nghĩa nhanh chóng hồi sinh. Với “Chính sách kinh tế mới” Lênin không chỉ thuần túy đem chính sách thuế lương thực thay thế cho chính sách cộng sản thời chiến, dùng lợi ích kinh tế, vật chất như một đòn bẩy, tạo động lực làm nảy sinh tính tích cực lao động của công nhân, nông dân và người lao động nói chung trong buổi đầu xây dựng, kiến thiết chế độ mới mà sâu xa hơn, đó còn là khởi đầu kiến tạo mô hình phát triển mới của chủ nghĩa xã hội, giải phóng lực lượng sản xuất, giải phóng mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xã hội để thúc đẩy phát triển.
Trên hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm thấy ở chủ nghĩa Lê-nin con đường giải phóng cho dân tộc khi đọc "Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của V.I.Lê-nin trên báo L'Humanité (cơ quan ngôn luận của Ðảng Cộng sản Pháp) trong hai số liên tiếp ngày 16 và ngày 17/6/1920. Qua Luận cương, Người đã thấy trong đó lời giải cho câu hỏi đâu là con đường giải phóng đồng bào khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân? Ánh sáng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã soi rọi cho Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường đấu tranh giải phóng cho dân tộc Việt Nam.
Hôm nay (22-4) kỷ niệm 150 năm Ngày sinh Lênin là dịp để chúng ta nhận thức sâu sắc thêm về công lao và cống hiến vĩ đại của V.I.Lênin đối với phong trào công nhân và cách mạng vô sản thế giới; thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc đối với nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.