Bác Hồ là người cộng sản mẫu mực. Người không chỉ nêu ra, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên (CBĐV) phải xây dựng và rèn luyện những phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, hướng lòng mình đến “chí công vô tư” để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, mà Người còn chính là hiện thân của những phẩm chất cao quý đó. Những điều Người nói, những việc Người làm và tấm gương đạo đức cách mạng “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của Người không chỉ được khẳng định trong thực tiễn mà còn mang ý nghĩa, giá trị đạo đức cao đẹp của thời đại.
Vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, thực hành cần, kiệm, liêm, chính theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là yêu cầu tất yếu mà mỗi CBĐV phải xây dựng và thường xuyên rèn luyện để xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của Nhân dân. Đó cũng là một trong những tiêu chuẩn để phân loại, đánh giá quá trình phấn đấu của mỗi CBĐV trong công tác cũng như sinh hoạt đời thường. Với ý nghĩa đó, việc triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 05CT/TW) gắn với rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành cần, kiệm, liêm, chính (tứ đức) những năm qua đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ CBĐV.
Người khẳng định rõ “tứ đức” đối lập với tham ô, lãng phí, quan liêu. Cần, kiệm, liêm, chính như là ánh sáng của đạo đức con người; còn tham ô, lãng phí, quan liêu như là bóng tối của sự suy thoái. Nếu mỗi CBĐV chỉ biết nói lời hay, ý đẹp nhưng không gương mẫu thực hành cần, kiệm, liêm, chính thì cũng không thể quy tụ, lãnh đạo được quần chúng. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính không chỉ là yêu cầu cần thiết trong tu dưỡng đạo đức của mỗi người cách mạng mà còn là biện pháp quan trọng để xây dựng Đảng về đạo đức. Những năm gần đây, tại mỗi địa phương, đơn vị, trong từng lĩnh vực công tác, đội ngũ CBĐV đã chú trọng gắn việc rèn “tứ đức” với thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; đặc biệt là tự soi mình và nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong quá trình công tác và rèn luyện đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể và cá nhân điển hình, được biểu dương khen thưởng. Mỗi con người, mỗi tập thể mẫu mực về rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành cần, kiệm, liêm, chính đã góp phần xây dựng những giá trị đạo đức tốt đẹp trong cộng đồng xã hội, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo, tạo động lực đưa sự nghiệp đổi mới của quê hương, đất nước, vượt qua mọi khó khăn thách thức, tiếp tục giành những thành tựu mới.
Tuy nhiên, đây đó vẫn còn tồn tại CBĐV suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, chạy chức, chạy quyền, độc đoán, vi phạm kỷ luật... Cá biệt, có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao vì thiếu rèn luyện đạo đức cách mạng, không thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà phạm tội dẫn đến bị khai trừ khỏi Đảng, truy tố trước pháp luật làm suy giảm lòng tin của Nhân dân với Đảng. Vì vậy, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05CT/TW gắn với thực hiện Di chúc của Người về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là một việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết đối với mỗi CBĐV cũng như toàn thể Nhân dân ta.
Trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng hiện nay, việc tăng cường rèn luyện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư đối với CBĐV là vấn đề cơ bản, cấp thiết trong công tác xây dựng Đảng. Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người, chúng ta cùng nhau ôn lại những lời căn dặn của Bác, quyết tâm đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong công tác cũng như học tập và rèn luyện. Đó chính là những hành động thiết thực nhất kính dâng lên Bác, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, nhất là tại thời điểm diễn ra đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân: Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.