Cần có chương trình hành động cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển

14:34, 09/05/2020

Đó là một trong những vấn đề quan trọng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) tổ chức sáng nay (9-5) với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế ứng phó với dịch COVID-19. Đây là hội nghị có quy mô lớn chưa từng có do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, là hội nghị đối thoại lần thứ tư giữa Thủ tướng với các DN kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Tham dự Hội nghị có 96 điểm cầu tại các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại điểm cầu Thái Nguyên, tham dự có đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành (ảnh).

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thành công bước đầu trong chống dịch COVID-19 của Việt Nam đang mở ra thời cơ “vàng” cho các DN trong nước từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh, vươn lên bứt phá. Qua đại dịch, nền kinh tế như chiếc lò xo được nén lại, giờ là lúc sẵn sàng bung ra. Với tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ nêu 5 “mũi giáp công” tái khởi động nền kinh tế, gồm: Thu hút đầu tư, trước hết là đầu tư tư nhân; thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng nội địa.

Để giúp các DN sớm tháo gỡ khó khăn, tái ổn định sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19, tại Hội nghị có 23 lượt ý kiến phát biểu của đại diện các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố cùng các hiệp hội DN, doanh nhân; 81 kiến nghị trực tiếp của 4 hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam, 9 hiệp hội DN trong nước và 437 kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, 180 kiến nghị được gửi đến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Theo đó, đại diện các bộ, ngành Trung ương, các hiệp hội DN cùng chính quyền các địa phương đã có nhiều đề xuất, kiến nghị, như: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, ngành chức năng đẩy nhanh việc thực hiện các gói hỗ trợ tín dụng cho DN; tăng cường giải ngân nguồn vốn đầu tư công; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; tập trung khai thác thị trường nội địa thông qua Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Sau gần 4 tiếng đồng hồ lắng nghe các ý kiến phát biểu, kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sau khi vượt qua dịch COVID-19 sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam nếu biết quản lý Nhà nước tốt, kinh doanh tốt và hợp tác tốt. Khẳng định vị trí của DN là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế, từ đóng góp vào tăng trưởng đến giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, Thủ tướng nêu ra 3 yêu cầu đối với các DN: Một là, các DN không được trông chờ, ỷ lại trong phát triển. Thứ hai, DN phải được tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị để phát triển bền vững. Thứ ba, DN cần áp dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chính phủ, các cơ quan liên quan lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, nhà đầu tư, đại diện các hiệp hội DN trong và ngoài nước để Chính phủ có nghị quyết tốt nhất tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các DN phát triển trong thời gian tới. Các bộ, cơ quan, đặc biệt là các địa phương cần có chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các DN phát triển, đặc biệt quan tâm đến các DN và người lao động yếu thế, DN nhỏ và vừa. Quan tâm xử lý những kiến nghị, đề xuất của các DN nhanh hơn, thuận lợi hơn, không được “đổ qua, đổ lại” làm mất thời cơ kinh doanh của DN.

Đối với các DN cũng như các cơ quan Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hiện nay cần phải giữ 3 thứ, đó là giữ lao động; giữ thị trường và phát triển thị trường; giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển. Trên tinh thần đó, phải cải cách, tái cơ cấu DN cho phù hợp với bối cảnh hiện nay. Về phía các cơ quan Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến việc tạo môi trường tốt cho DN, hợp tác, hỗ trợ DN về cơ chế, chính sách, kịp thời chia sẻ khó khăn với DN. Thủ tướng nhấn mạnh: Khó khăn bằng hai thì chúng ta phải cố gắng bằng ba để vượt qua. Chúng ta cùng đoàn kết, cùng quyết tâm, cùng nhau lập thành tích, hoàn thành nhiệm vụ cao nhất trong năm nay và các năm tiếp theo, đóng góp vào sự nghiệp phát triển của đất nước với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”...