Tháng 5 đã về, nắng vàng rực rỡ, cảm xúc dâng trào trong mỗi tâm hồn, đó là dịp cả nước hướng về Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020) bằng những hành động và việc làm thiết thực, ý nghĩa.
Kỳ I: Đồi Thành Trúc ngày ấy - bây giờ
Với núi rừng Việt Bắc, Thái Nguyên, Bác Hồ có cả thảy 15 năm ở và làm việc: Trước Cách mạng Tháng Tám (năm 1941 đến năm 1945; trong kháng chiến chống Pháp (từ năm 1947 đến năm 1954). Mảnh đất này ghi đậm dấu chân Người… Với người làm báo thì dù có nỗ lực đến mấy khi viết về Bác vẫn như chưa làm được điều gì!
Một sáng tháng 5 bầu trời thăm thẳm xanh, chúng tôi chọn một trong những nẻo đường về chiến khu xưa. Đó là theo Quốc lộ 37, có điểm khởi đầu từ dưới đồng bằng châu thổ sông Hồng chạy qua T.P Thái Nguyên, xuyên qua huyện Đại Từ rồi vươn tiếp qua Đèo Khế, qua huyện Sơn Dương, T.P Tuyên Quang (Tuyên Quang) rồi rẽ trái qua bến phà Bình Ca xưa, men theo dòng Lô oai hùng một thủa... Rồi theo Quốc Lộ 2, qua ngã ba Đoan Hùng về đất Phong Châu (Phú Thọ), nơi có ngọn Nghĩa Lĩnh cao vời mà trên núi là nơi thờ tự các Vua Hùng. Chúng tôi đi như vậy để ghi chép lại, để một lần nữa giới thiệu về con đường kháng chiến mà trong đó ngày 18 và 19/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ nơi ở - căn nhà sàn đơn sơ trên đồi Thành Trúc, xóm Đầm Mua xã Hùng Cường (Đại Từ) về Đền Hùng đất Tổ cẩn cáo tổ tiên sau thắng lợi Điện Biên Phủ và trước khi trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội...
Biết tôi từ Hà Nội trở lại Đại Từ, bạn thời Đại học, Tiến sĩ Sử học Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhắn nhủ: - ATK Đại Từ là nơi Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ cùng các cơ quan đầu não của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đóng đại bản doanh sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), mấy tháng trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Mấy tháng nhưng đã triển khai nhiều việc hệ trọng. Báo chí mấy chục năm qua có nhắc nhưng chưa tương xứng với tầm vóc của địa danh về những sự kiện năm ấy cũng như cuộc sống hôm nay của vùng đất này. Nhất là những sự kiện như tiếp các đại sứ lên chiến khu trình Quốc thư… Tôi hiểu anh muốn nói về băn khoăn của các nhà làm lịch sử khi còn để đó những góc khuất với công chúng, nhất là những câu chuyện có liên quan đến Hồ Chủ tịch.
Anh Ngô Mạnh Thơ, Bí thư Đảng ủy xã Bản Ngoại và Đỗ Xuân Duyên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã La Bằng (năm 1954, xã Hùng Cường gồm xã La Bằng và Bản Ngoại bây giờ) đã tiếp chúng tôi thân tình. Anh Duyên là cán bộ cơ sở lâu năm, từng trải; anh Thơ thuộc lớp cán bộ trẻ, là Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thể thao huyện Đại Từ luân chuyển về nên rất đỗi thông thạo... Chúng tôi cùng nhau đến Di tích lịch sử ngọn đồi Thành Trúc… Mặc dù được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 2006 nhưng việc đầu tư cho quần thể quan trọng này còn rất đỗi khiêm tốn… Ngoài bia di tích ghi vị trí, dấu ấn lịch sử; nền ngôi nhà Bác Hồ ở tại đồi Thành Trúc vẫn đó, trong sự chờ đợi được đầu tư để xứng với tầm vóc cũng như sự trân trọng của hậu thế với lãnh tụ, với lịch sử.
... Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký (1954). Ngay sau đó, Đội 36 Thanh niên xung phong do đồng chí Tạ Quang Chiến (ông Chiến là một trong 8 người được Bác đặt tên: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi) chỉ huy đã về xã Hùng Cường, xây dựng gấp một quần thể lán trại gồm: Khu nhà ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ; cơ quan ngoại giao, Đại sứ quán Liên Xô, Trung Quốc cùng các cơ quan đầu não của kháng chiến tập kết về Đại Từ, thực hiện các công việc chuẩn bị cho tiếp quản Thủ đô. Nơi Bác Hồ ở và làm việc nằm trên đồi Thành Trúc, cơ quan Chính phủ bên xóm Vai Cày; cơ quan ngoại giao tại đồi Giang… đủ thấy niềm tin tuyệt đối của lãnh tụ, lãnh đạo đối với nhân dân và cán bộ ATK Đại Từ khi ấy.
Câu chuyện giữa chúng tôi và lãnh đạo hai xã dần quay về chủ đề xây dựng quê hương bây giờ… Vốn cùng một xã Hùng Cường xưa nên sự tương đồng giờ đây vẫn vậy. Đất lúa và đất trồng chè vừa là vốn liếng, vừa chất chứa trong đó chiều sâu của văn hóa, tình yêu quê hương. Vì nằm trọn nơi sườn Đông dãy Tam Đảo, hấp thụ thổ nhưỡng của một vùng tiểu khí hậu nên chè Bản Ngoại, La Bằng nổi tiếng hương thơm vị đượm, năng suất cao. Chính thế, thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 40 triệu đồng mỗi người dân, đã bước vào ngưỡng cửa khấm khá. Chỉ tiêu hằng năm được giao hoặc tự thiết lập luôn hoàn thành, chỉ tiếc nỗi chưa có nhiều đột phá…
Đi trong sự thanh bình, yên ả, của làng quê Bản Ngoại, La Bằng, ông Đỗ Mạnh Thơ Bí thư Đảng ủy xã Bản Ngoại bộc bạch: - Bản Ngoại về đích nông thôn mới 5 năm rồi, hộ nghèo còn hơn 4%, thu nhập mỗi ha cũng đã đạt trên trăm triệu đồng; ngoài chè, lúa luôn là thế mạnh và mũi nhọn đã có nhiều kết quả khá. Xã đã có tới 245 ha chè, nhiều diện tích trong đó đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, mỗi năm thu gần 3.000 tấn chè búp tươi… Như vậy cũng đã yên tâm, nhưng chúng tôi đang trăn trở cho một việc gì đó tập trung hơn, mới và hiệu quả hơn - Có lẽ đó là một hình thức sản xuất hiện đại để có năng suất và chất lượng vượt trội để Bản Ngoại là một trong những điểm đến? Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã La Bằng Đỗ Xuân Duyên nhấn mạnh thêm: Vinh dự được chọn là đại hội điểm của tỉnh, Đại hội Đảng bộ La Bằng nhiệm kỳ XXIV tháng 3 vừa qua đã khẳng định sức vươn và thành tích của địa phương trong phát triển kinh tế, xây dựng quê hương phát triển mọi mặt… là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Thái Nguyên (năm 1936), La Bằng vẫn giữ vững và phát huy truyền thống đó…
Chúng tôi rời Bản Ngoại, La Bằng để đi tiếp hành trình trong tâm trạng tự hào. Vậy là chúng tôi đã đến được “Phủ Chủ tịch”- nơi Bác Hồ kính yêu 66 năm trước đã ở và làm việc trong một thời khắc thật hào sảng của dân tộc.
Quốc lộ 37 bây giờ được làm mới to, rộng. Cây đa đôi vẫn đó, thách thức với thời gian. Quán ông già là đâu? Mà phố thị miền sơn cước Yên Lãng còn đây. Đèo Khế, nỗi khiếp đảm của thực dân Pháp trong trận đại bại đầu kháng chiến… Bây giờ đã được hạ thấp độ cao để đi lại thông thoáng hơn. Chúng tôi đang đi về nơi linh thiêng ấy…
(Còn nữa)