Tháng 5 đã về, nắng vàng rực rỡ, cảm xúc dâng trào trong mỗi tâm hồn, đó là dịp cả nước hướng về Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020) bằng những hành động và việc làm thiết thực, ý nghĩa.
Kỳ II: Từ đồi Thành Trúc Bác về Lễ Tổ Hùng Vương
Tiến sĩ Chu Đức Tính tâm sự: - Bác ra đi tìm đường cách nước từ năm 1911 khi còn tuổi đôi mươi, sau 30 năm bôn ba khắp bốn biển, năm châu tìm đường cứu nước, đến mùa Xuân năm 1941, Bác mới về tới Cao Bằng. Trong một năm đầu nước nhà giành độc lập, Bác chẳng được một ngày nghỉ ngơi, rồi lại kháng chiến chống Pháp trường kỳ… cho nên ngày 18/9/1954, từ Thành Trúc, Bác đi lễ Tổ phải dùng chữ VỀ mới chuẩn… Quả vậy, Bác về cẩn cáo Tổ tông.
Khi đi tìm hiểu để viết bài ký này, tôi may mắn gặp hai người cao tuổi, đều trên dưới chín mươi. Đó là cựu chiến binh chống Pháp, bác Nguyễn Ngọc Tăng, và bác Trần Nhân, một nông dân sinh ra và lớn lên vùng núi phía Bắc Đại Từ. Bác Tăng hiện là Trưởng Ban liên lạc Đại đoàn Quân tiên phong (308) của tỉnh Thái Nguyên, là người chứng kiến và hiểu biết kỹ càng những sự kiện cuối năm 1954. Bác Tăng ra quân, làm đến chức Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Thái rồi nghỉ hưu. Riêng công tác CCB thì dù năm nay đã 86 tuổi, Bác vẫn hăng hái... Bác Tăng kể: Đại đoàn 308 thành lập tại huyện Phú Lương (Thái Nguyên) sau năm 1950, còn Trung đoàn 88 của bác thì thành lập tại xã Tân Cương, T.P Thái Nguyên. Đánh Điện Biên Phủ xong, 308 rút về Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang tham gia các việc hệ trọng của cách mạng. Trung đoàn các bác được học tập, tập huấn rồi tham gia tiếp quản Thủ đô, cải cách ruộng đất... Vì các bác trong cùng đại đoàn chủ lực nên mọi công việc đều được phổ biến và học tập. Riêng việc Bác nói chuyện với cán bộ Đại đoàn tại Đền Hùng thì Chính ủy Đại đoàn 308 - Tướng Song Hào cho học tập kỹ lưỡng… Còn đây là câu chuyện từ Đại Từ, Bác lên Đền Hùng…
Ngày 18-9-1954, Bác rời cơ quan Chủ tịch phủ đóng tại xóm Vai Cày, xã Bản Ngoại, trên chiếc xe Com măng ca số hiệu KT-032 vượt đèo Khế đi về hướng Tây. Xe Bác qua ngã ba Sơn Dương nhưng không rẽ phải đi Tân Trào mà đi thẳng rồi rẽ trái qua phà Bình Ca rồi men Sông Lô đi ngã ba Đoan Hùng, rẽ trái về xã Chân Mộng, huyện Phù Linh (Phú Thọ). Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thời sự với chỉ huy và chiến sĩ trung đoàn bộ đội ta vừa hành quân từ Thượng Lào về, sau đó làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ. Xế chiều, Bác đến khu vực Đền Hùng (thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Phong Châu bây giờ). Con đường qua Ba Hàng và Tiên Kiên không đi được ô tô nên Bác và cán bộ phải bỏ xe đi bộ mấy cây số. Tối ngày 18, Bác ngủ qua đêm bằng chiếc giường bạt trong nhà Tăng của Đền Hùng. Sáng 19-9, Chính ủy Đại đoàn 308 - tướng Song Hào đến báo cáo công tác của Đại đoàn Quân tiên phong với Bác rồi cùng Bác lên núi qua đền Hạ, Trung, đền Thượng, viếng mộ Tổ. Ở đâu Bác cũng thành kính và đọc kỹ các văn bia. Hơn 9 giờ, Bác trở lại sân đền Giếng dưới chân núi nói chuyện với hơn 100 cán bộ, chỉ huy của Đại đoàn 308 vừa được triệu tập. Ngồi bên Bác có Chính ủy Song Hào và Phó Chánh Văn phòng Tổng Quân ủy Thanh Quảng. Bác nói nhiều về công việc tới của toàn Đảng, toàn dân trong đó có nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô của bộ đội Đại đoàn 308. Người căn dặn cán bộ, chiến sĩ phải tránh các khuyết điểm: Thiếu tổ chức, kỷ luật (ăn ở, đi lại, mua bán xa xỉ, tự do bắt trước lối sống không tốt, dễ sinh tham ô, hư hỏng)… Bác nói về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc và công lao của các vua Hùng. Bác kết: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Cả khu vực Đền Hùng sáng 19/9/1954 vang dậy tiếng hô: Nước Việt Nam muôn năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!. 10 giờ hôm đó, Bác trở lại Đại Từ…
Bác Bàn Nhân có trí nhớ khá tốt. Bác kể:
- Chuyện lâu rồi nhà báo hỏi thì nói thôi. Vùng này ngày xưa hoang vu lắm. Chủ yếu đồng bào dân tộc ở. Năm ấy thấy đông bộ đội, cán bộ về thì giúp gạo, giúp rau. Ở mấy tháng rồi đi về xuôi. Sau này mới biết có cụ Hồ về ở Vai Cày, thế thôi…
Sách tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chép rằng: “Sau buổi nói chuyện lịch sử đó, Bác lại về sống tại căn nhà sàn đơn sơ tại đồi Thành Trúc… Ngày 20-9, Bác tiếp đoàn giáo phái miền Nam ra thăm miền Bắc, thăm Trường Tập huấn Cải cách ruộng đất nằm xã bên; thăm Trung đoàn 600 vừa thành lập có nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho Trung ương sau ngày tiếp quản Thủ đô… Cũng tại xã Bản Ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà báo kiêm đạo diễn điện ảnh Rôman Cácmen nổi tiếng, có nhiều cảm tình với cuộc kháng chiến chính nghĩa của ta. Ngày 10/10/1954, từ nơi làm việc - xóm nhỏ Vai Cày, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát đi Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng:… “Cùng đồng bào Hà Nội thân mến! 8 năm qua Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào… Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà. Lòng vui mừng khôn xiết kể!..”…
Ngày 12/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời căn nhà đơn sơ trên đồi Thành Trúc trở về Thủ đô Hà Nội, kết thúc 8 năm xa cách...
Hôm nay, chúng tôi rong ruổi trên con đường Bác đã đi năm xưa mà lòng bồi hồi khôn tả. Đất nước đã trải qua 45 năm thống nhất, non song thu về một mối; hơn 30 năm đổi mới toàn diện để thực hiện di huấn của Bác - Xây dựng đất nước hơn 10 ngày xưa. Vẫn rừng cọ, đồi chè, vẫn nắng chói sông Lô như thế song bây giờ thay đổi nhiều lắm, từ đời sống, đến sinh hoạt của nhân dân một vùng quê cách mạng đã giàu có nhiều rồi, thay đổi nhiều rồi. Mọi người dân Việt Nam đều chung sức, chung lòng cho một Tổ quốc Việt Nam bền vững và thịnh vượng.