Vững bước theo con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn

09:00, 12/05/2020

Năm 2020, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng; kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2020); năm diễn ra đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đây là lúc mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, niềm tin vào sự thắng lợi của con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Với đường lối nhất quán ngay từ khi thành lập, Đảng và Bác Hồ đã xác định giành độc lập, tự do cho dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Ngay khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách để nhân dân được hưởng cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc. Trong bối cảnh đất nước phải đối mặt với những khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc”, thực dân Pháp buộc dân tộc Việt Nam phải tiến hành cuộc kháng chiến để bảo vệ thành quả cách mạng. Trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ, toàn thể dân tộc đã thực hiện thắng lợi đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh” của Đảng. Trong muôn vàn khó khăn, nhưng Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Kháng chiến thắng lợi, hòa bình lập lại trên miền Bắc, miền Nam phải tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân bởi đế quốc Mỹ từng bước thay thế Pháp ở miền Nam, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do”, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người và đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp sức mạnh thời đại, quân và dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH.

Mười năm đầu xây dựng CNXH trên cả nước, Đảng ta và nhân dân ta gặp nhiều khó khăn, thử thách: Hậu quả chiến tranh để lại hết sức nặng nề; mô hình kinh tế tập trung không còn phù hợp; đất nước bị bao vây, cấm vận về kinh tế… Nhưng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân vẫn kiên trì con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Dù trong hoàn cảnh nào, Đảng ta vẫn luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhận thức đúng đắn về nội dung cơ bản, mục tiêu, động lực xây dựng CNXH, quán triệt sâu sắc các biện pháp cơ bản, quyết định, lâu dài mà Bác Hồ đã chỉ ra trong xây dựng CNXH là: Đem của dân, tài dân, sức dân làm lợi cho dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền là tập hợp lực lượng, đề ra đường lối, chính sách nhằm huy động và khai thác các nguồn lực trong dân để phát triển đất nước vì lợi ích của nhân dân. Từ tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam sau 10 năm tìm con đường đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) của Đảng đã quyết định đường lối đổi mới. Với đường lối đổi mới đúng đắn, sáng suốt của Đảng, kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân có nhiều tiến bộ, tạo cơ sở thực tiễn vững chắc cho Đảng và nhân dân ta tiến hành đẩy mạnh công cuộc đổi mới.

Trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng đã đưa ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta vào năm 1991 (Cương lĩnh 1991). Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, CNXH ở Đông Âu và Liên Xô lâm vào khủng hoảng, rồi sụp đổ nhưng cách mạng Việt Nam vẫn đứng vững, từng bước vượt qua khó khăn, thử thách, phát triển kinh tế - xã hội. Cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, đường lối cách mạng do Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra đã dẫn dắt toàn dân vượt qua khó khăn, thử thách của cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế khu vực (1997-1998) và khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế thế giới (2008-2009); kinh tế, văn hóa, xã hội… tiếp tục phát triển; quốc phòng, an ninh được giữ vững; mở rộng đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đảng và dân tộc ta ngày càng nhận thức đúng đắn và sáng tỏ hơn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta. Tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, Đảng đã xây dựng Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011), chỉ rõ mô hình tổng quát về CNXH ở Việt Nam mà nhân dân ta sẽ xây dựng, những phương hướng cơ bản đi lên CNXH ở nước ta.

Sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, nước ta từ một nước lạc hậu, chậm phát triển đã vươn lên trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử nêu trên là minh chứng sinh động khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng; khẳng định giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Năm năm tới, Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nước ta phải thực hiện đầy đủ các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; những đòi hỏi mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hệ lụy của biến đổi khí hậu; chất lượng dân số còn thấp và xu hướng già hóa dân số nhanh là những thách thức rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Tình hình trong nước, quốc tế vừa tạo ra những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Do đó, để tiếp tục thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mỗi cấp ủy Đảng, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục kiên định đường lối đổi mới; vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quán triệt trong nhận thức và hoạt động thực tiễn để khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng phát triển và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam; tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, đưa nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

“Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

(Chủ tịch Hồ Chí Minh)