Bây giờ ta lại nói về nhau

07:25, 19/06/2020

Tôi cứ băn khoăn nên bắt đầu từ đâu, góc nhìn nào cho bài viết của mình? Nghề báo của chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức, cam go phải vượt qua để tồn tại và đi tiếp. Báo chí cách mạng ra đời tới giờ đã 95 năm, mà trong chiều dài ấy, Thái Nguyên nói chung, báo chí nói riêng của quê mình cũng nhiều điểm nhấn. Thôi thì ta lại nói về ta, lại nói về nhau - về tờ báo Thái Nguyên 58 tuổi đời mà chúng mình gắn bó…

Ngày 25/8/1962 là một ngày thật ý nghĩa: Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Lê Đức Chỉnh đã ký quyết định thành lập tờ báo của Đảng bộ tỉnh. Trước đó, trong những năm kháng chiến chống Pháp, hoạt động của Đảng bộ và phong trào cách mạng của nhân dân trong tỉnh đã có các tờ Nhân Dân, Cứu quốc, Quân đội Nhân dân, Việt Nam Thông tấn xã… đóng trên địa bàn giúp tuyên truyền. Hòa bình lập lại, chúng ta có tờ tin Thái Nguyên, tờ tin Gang Thép. Không riêng Thái Nguyên, những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước, cán bộ lãnh đạo và phóng viên được đào tạo về báo chí hầu như chưa có. Các đồng chí làm công tác tuyên truyền hoặc có chút năng khiếu trong nghề này được điều về xây dựng tờ báo của Đảng bộ tỉnh. Nhưng lớp cán bộ ấy luôn lăn lộn với đời sống, với chiến đấu, học từ thực tiễn nên các tác phẩm báo chí khá tốt. Ngày 5/6/1965, tờ Báo Bắc Thái ra đời do hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn sáp nhập. Tiếp đó, tờ Bắc Thái kết thúc nhiệm vụ sau 31 năm mang tên vào ngày 1/1/1997 khi tái lập hai tỉnh. Tờ Thái Nguyên và Bắc Kạn đều phát triển mạnh mẽ trong hơn 20 năm qua…

Một số thời khắc ghi dấu ấn trong hành trình 58 năm qua của báo Đảng quê nhà. Đó là những năm 1965-1972, Tòa soạn liên tục phải sơ tán để tránh máy bay Mỹ oanh tạc. Xóm Cây Xanh, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) là nơi tòa soạn đứng chân và nhận được sự giúp đỡ nhiệt thành của nhân dân. Dù bom đạn nhưng báo vẫn ra đều đặn mỗi tuần. Do địa bàn Bắc Thái rộng, phương tiện đi lại khó khăn cơ quan đặt chế độ thường trú và theo dõi địa bàn nên tin bài cập nhật, mang hơi thở cuộc sống, có chiều sâu, chất lượng cao.

Cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, báo hình thành các tổ phóng viên, biên tập; Ban Biên tập có tổng biên tập, các phó tổng biên tập và ủy viên ban biên tập… Các phòng thành lập vào cuối những năm 80… Từ 1993 về trước, báo mỗi tuần 1 kỳ. Từ cuối năm 1993, báo tăng kỳ cho đến kín tuần và có thêm các ấn phẩm phụ… Được sự giúp đỡ của Báo Nhân Dân, từ ngày 24/8/2000, báo Thái Nguyên có nhà in riêng, khép kín dây chuyền xuất bản báo. Từ khi thành lập, báo được tỉnh hỗ trợ phát hành để Tòa soạn chuyên tâm về nội dung. Từ năm 1997, báo đẩy mạnh ứng dụng tin học. Ngày 12/12/2001, báo khai trương báo điện tử, thực hiện truyền hình trên nền tảng Intenet, là báo địa phương đầu tiên thực hiện công nghệ mới này… Trong hoạt động tổ chức Hội Nhà báo, từ năm 1976, Báo Bắc Thái đã thành lập chi hội trực thuộc trực tiếp Hội Nhà báo Việt Nam gồm 14 hội viên; đầu những năm 1990, Bắc Thái thành lập Hội Nhà báo cấp tỉnh, Chi hội Báo vẫn là nòng cốt thúc đẩy mọi hoạt động của Hội. Báo không vướng các sai phạm, thiếu sót lớn về nhận thức chính trị…        

Thời gian mà Báo Thái Nguyên đã trải qua so với chiều dài lịch sử 95 năm của báo chí cách mạng Việt Nam là đáng kể. Những lớp người say sưa cống hiến lần lượt ghi danh vào cuốn sử truyền thống: Đồng chí Lê Chỉnh, Trưởng Ban Biên tập báo, đài truyền thanh từ ngày đầu. Các đồng chí Lê Quang Dực, Phan Hữu Minh, Đỗ Thị Thìn... là các tổng biên tập tiếp nối. Các đồng chí Đinh Văn Nhân, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Non Nước, Nguyễn Niên, Vũ Liêu... là những phó tổng biên tập có đóng góp tích cực cho sự phát triển của tờ báo. Chúng ta thành kính tri ân những đồng chí đã rời cõi tạm: Tổng Biên tập Khiếu Minh Tòng, Phạm Hồng Dương; Phó Tổng Biên tập Vũ Đức Thuận, Nguyễn Văn Giang, Trưởng phòng trị sự Nguyễn Đức Lâm; Trưởng phòng Phóng viên Căn xã Phan Sơn, La ThanhTịnh, phụ trách công tác bạn đọc Hoàng Loan...

Trong mỗi thời kỳ, trách nhiệm xã hội của Tòa soạn và việc thực hiện nghĩa vụ công dân của từng nhà báo công tác tại báo Đảng Thái Nguyên đều được chú trọng. Chẳng những tự rèn luyện đạo đức, nhân cách của từng cá nhân người làm báo mà còn tạo ra uy tín, vị thế của tờ báo. Có thể kể ra đây một vài việc như báo đã tích cực góp sức cùng các cơ quan báo chí của Trung ương tìm về nơi sinh thành báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Hội Nhà báo Việt Nam, Văn nghệ Cứu quốc, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng…Từ đó góp phần khẳng định vai trò của Thái Nguyên trong lịch sử. Hay tổ chức tuyên truyền bài bản, hệ thống và sáng tạo cuốn nhật ký của Anh hùng liệt sĩ Vũ Xuân góp phần giáo dục truyền thống và khẳng định khả năng tổ chức nghiệp vụ của Báo…

Báo Thái Nguyên của chúng ta đang có khá đầy đủ các điều kiện cần và đủ của một Tòa soạn hội tụ, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên 4.0. Thuận lợi và thách thức hiện là 50-50. Thuận lợi là trong hành trang của chúng ta có bề dày truyền thống và cống hiến, có sự ủng hộ của cơ quan chủ quản, các cấp, ngành và công chúng. Chúng ta chẳng những có đủ các loại hình cơ bản để chuyển tải thông tin mà còn hình thành sớm, tích lũy được kinh nghiệm và kỹ năng nghề, công nghệ phụ trợ như thiết bị vi tính, đường truyền, in ấn đều khá đủ và tốt… Chúng ta có đội ngũ phóng viên, người làm báo được học tập nghề nghiệp và môi trường rèn luyện, yêu nghề. Thách thức đang rất lớn, xuất phát từ đòi hỏi thực tế và môi trường hoạt động báo chí. Thứ nhất, phải thực hiện Quy hoạch báo chí của Nhà nước và các quy định khác nhằm dần dần xóa bỏ bao cấp về báo chí. Thứ hai, phải tổ chức mới quy trình tác nghiệp theo mục tiêu cạnh tranh thông tin.Thông tin của báo phải là thông tin gốc, tin cậy, chuẩn xác. Thứ ba, trước khi làm công việc của nhà báo, chúng ta là cán bộ chính trị. Mà đã vậy, công tác tại báo Đảng chúng ta phải đồng thời làm công tác tuyên giáo, dân vận và cả giám sát, cộng với đó là một cây bút đầy ắp tri thức, bản lĩnh nghiêm cẩn và nhân văn…

Vài tâm sự với đồng nghiệp nhân ngày truyền thống báo chí, hy vọng cung cấp thêm thông tin và suy nghĩ về nghề.