Có một trường dạy viết báo như thế

18:26, 20/06/2020

Cách nay hơn 7 thập kỷ, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn khó khăn, ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị và Tổng bộ Việt Minh do đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Bí thư đã bí mật tổ chức Trường dạy làm báo kháng chiến mang tên nhà báo Huỳnh Thúc Kháng tại ấp Bờ Rạ, Gốc Mít, xã Tân Thái, huyện Đại Từ. 

“Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí.”  (Trích thư của Bác gửi lớp học ngày 9-6-1949)

Theo những tài liệu tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Sáng 4/4/1949, tại ấp Bờ Rạ, Gốc Mít (nay thuộc xã Tân Thái), huyện Đại Từ đã diễn ra một sự kiện quan trọng: Lễ khai giảng khóa học đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đây là một dấu mốc đặc biệt quan trọng trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Do hoàn cảnh kháng chiến, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được duy nhất một khóa học ngắn hạn. Học viên gồm 42 (có tài liệu 43) người, là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước tham dự. Hơn 30 giảng viên tham gia giảng dạy, là những đồng chí lãnh đạo giàu kinh nghiệm chính trị, phong phú lý luận, thực tiễn và những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ có tên tuổi: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Thế Lữ, Nguyễn Tuân…

Trong cuốn sổ ghi cảm tưởng về lớp học, tại trang bút tích đề ngày 22/6/1949, Tổng Bí thư Trường Chinh viết: “Khóa thứ nhất Trường Huỳnh Thúc Kháng này là một thí nghiệm hay. Tôi tin rằng sau khi rút tỉa kinh nghiệm của khóa này, Tổng bộ Việt Minh sẽ thành công hơn trong việc đào tạo cán bộ chiến đấu với quân thù bằng ngòi bút và hướng dẫn dư luận quốc dân”.

Đặc biệt quan tâm đến Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần gửi thư cho các học viên. Tại bức thư thứ nhất đăng trên Báo Cứu Quốc số 1264 ra ngày 09/6/1949, Người biểu dương và nhắc 4 điểm chính về nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, đối tượng của mỗi tờ báo, mục tiêu của báo chí. Người nhấn mạnh: Muốn viết báo thì cần: “1 - Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2 - Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người. 3 - Khi viết xong một bài báo, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu. 4- Luôn luôn gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ…”. Những lời dặn dò của Người với các học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã trở thành cẩm nang cho người làm báo cách mạng, là giáo trình của mọi giáo trình cho đến ngày nay.

Ba tháng học ngắn ngủi song đã giúp các học viên lĩnh hội một chương trình khá đồ sộ gồm cả lý thuyết, chuyên môn và thực hành. Lý thuyết có các bài như: Báo chí là gì? Điều kiện người viết báo. Chuyên môn có: phóng sự, điều tra, phỏng vấn, xã luận, tiểu thuyết, thơ ca, tùy bút, nhạc, kịch, châm biếm, cách loan tin, viết tin, cấu tạo một tờ báo, tổ chức tòa soạn, phát hành, in báo. Các tiết thực hành là những buổi đi thực tế viết bài và ra báo ở từng tổ. Các giảng viên đến lớp triển khai bài giảng theo từng chuyên đề như: Xã luận (đồng chí Trường Chinh), viết tin chiến sự trên báo chí như thế nào (đồng chí Võ Nguyên Giáp), lên trang (đồng chí Trần Đình Thọ)…

Từ mái trường mái nứa tranh tre giữa đại ngàn Việt Bắc này, các học viên của Trường đã tỏa về muôn nẻo, có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất, những mặt trận nóng bỏng và phức tạp nhất như các nhà báo Chính Yên, Trần Kiên (Báo Nhân Dân); Mai Thanh Hải, Mai Hồ (Báo Cứu Quốc) hay Đạo diễn Bành Bảo, Nhà văn Hữu Mai, Nhà thơ Hải Như, Nhà thơ Từ Bích Hoàng... Họ đã góp phần to lớn làm nên những trang sử vẻ vang của báo chí nước nhà. Từ dấu son này, đến nay cả nước đã có trên 10 cơ sở đào tạo chuyên ngành báo chí, với trên 800 cơ quan báo chí và trên 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí.

Trở lại Thái Nguyên đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4/4/1949-4/4/2019), do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp cùng Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức, chúng tôi được gặp một trong 3 học viên nữ của lớp viết báo năm xưa đó là Nhà báo Lý Thị Trung, nguyên Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô. Ở tuổi xưa nay hiếm (89 tuổi), song bà còn rất minh mẫn. Trở lại mảnh đất cách đây tròn 7 thập kỷ cùng các học viên học tập trong ngôi nhà tranh tre nứa lá, bà không khỏi xúc động nhớ lại: Chúng tôi đã học đủ các môn từ bình luận, xã luận, phỏng vấn, điều tra... Các học viên của lớp viết báo đến từ nhiều đơn vị khác nhau: Các báo trung ương, quân đội, các ngành, đoàn thể liên khu với trình độ văn hóa không đều nhau, một vài bằng tiểu học, một số tú tài, đa số trung học; về tuổi đời còn rất trẻ, từ 19 đến 24, 25. Được về đây đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, tôi càng mừng hơn vì địa điểm lớp học đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia. Mặc dù việc lập hồ sơ công nhận là Di tích cấp Quốc gia có hơi muộn song việc tôn vinh là hết sức cần thiết, để nơi đây là địa chỉ đỏ để giới báo chí, trường học dạy báo chí đi về.

Hơn 7 thập kỷ đã qua, lịch sử về ngôi trường báo chí cách mạng đầu tiên được Bác Hồ đặt tên luôn nhắc nhớ về cái nôi đã đào tạo ra những nhà tư tưởng, quản lý, văn nghệ sĩ, nhà báo và trí tuệ cộng với lý trí người cộng sản, chiến sĩ trên mặt trận báo chí, văn hóa văn nghệ.