Thủ tướng Chính phủ: Đời đời ghi ơn những Bà mẹ Anh hùng

10:26, 26/07/2020

Lần đầu tiên 300 Mẹ Việt Nam Anh hùng, đại diện cho gần 5.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống tề tựu tại Thủ đô Hà Nội trong chương trình “Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020”.

Cùng dự chương trình có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; lãnh đạo các bộ ngành, địa phương.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay, sau 25 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng, Nhà nước đã phong tặng và truy tặng 139.275 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó tỉnh Quảng Nam có số lượng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được phong tặng và truy tặng là 15.261 mẹ, Bến Tre 6.905 mẹ, Quảng Ngãi 6.802, Hà Nội 6.723 mẹ.

Những năm qua, bên cạnh các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội cũng đã luôn luôn thể hiện lòng biết ơn bằng những việc làm thiết thực, từ những phong trào “áo lụa tặng bà” của các cháu thiếu nhi cả nước, các phong trào “tấm chăn tặng mẹ” của các tổ chức đoàn thể xã hội đến việc xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, đăng ký chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời những bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Trong phong trào đó xuất hiện hàng vạn tấm gương sáng. Chị Đặng Thị Ái Việt, sinh năm 1948, một mình đã đi trên 40.000 km trong 10 năm trên một chiếc xe máy,  đã vẽ 2.279 bức tranh về các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhà báo Đại tá Trần Hồng đã chụp trên 2.000 bức chân dung cho các mẹ trong 40 năm.

Đến nay 4.962 mẹ còn sống đều được các tổ chức, doanh nghiệp và gia đình chăm sóc, phụng dưỡng. Về dự cuộc gặp mặt này, đa phần các mẹ đều đã cao tuổi, ở độ tuổi 100. Bốn mẹ trên 100 tuổi, mẹ cao tuổi nhất là mẹ Nguyễn Thị Đỗ, Quận Ngũ Hành Sơn, T.P Đà Nẵng, năm nay mẹ 104 tuổi.  98 mẹ trên 90 tuổi, 133 mẹ trên 80 tuổi, 11 mẹ là người dân tộc thiểu số…

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là vầng sáng lung linh, tôn quý, là sự ghi nhận của Tổ quốc với công lao to lớn và sự hy sinh vô bờ bến của các mẹ. Các mẹ đang ngồi đây là hiện thân của một dân tộc anh hùng.

Mẹ Lê Thị Hự ở Ninh Thuận có chồng và ba con là liệt sĩ. Bản thân Mẹ hiện còn mang trên mình vết thương chiến tranh để lại. Mẹ Nguyễn Thị Hữu ở Tiền Giang vừa là mẹ Việt Nam Anh hùng, vừa là thương binh, mẹ tham gia cách mạng từ rất sớm, nhiều lần đã bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man, vẫn một lòng kiên trung với cách mạng. Mẹ Nguyễn Thị Sự 102 tuổi, người dân tộc Mường, các con mẹ lần lượt ra đi không trở về, giờ đây ở tuổi bách niên giai lão vẫn lặng lẽ đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Mẹ Võ Thị Tặng ở Quảng Nam đã mất đi người chồng và hai người con, mẹ chồng cũng là Mẹ Việt Nam Anh hùng, còn bản thân mẹ đã nhiều lần bị địch bắt giam cầm tra tấn, giờ đây vẫn đang trên mang trên mình vết thương, di chứng nặng nề của chiến tranh để lại. Mẹ Tạ Thị Kiều ở Bắc Giang là tấm gương lao động sản xuất làm kinh tế giỏi giai đoạn 2012-2017.

“Chúng ta không khỏi tự hào khi xem những hình ảnh mẹ Ngô Thị Quýt những ngày cả nước gồng lên chống đại dịch COVID-19. Người mẹ Việt Nam Anh hùng 95 tuổi vẫn cần mẫn may hàng trăm chiếc khẩu trang để tặng người nghèo, lan tỏa tình yêu thương ấm áp tình người trong gian khó”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ. “Chúng con xin trân trọng và biết ơn sâu sắc những hy sinh to lớn và nghị lực phi thường của những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng dự buổi gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc hôm nay, “dù tuổi đã cao sức khỏe không còn tốt nhưng các Mẹ của chúng ta đã không quản ngại đường sá xa xôi về Hà Nội để tham dự hoạt động rất có ý nghĩa này”.

Đây là dịp thể hiện những tình cảm chân thành sự quan tâm sâu sắc của Đảng của Nhà nước và đồng bào chiến sỹ cả nước đối với các Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người mẹ vĩ đại đã hy sinh hiến dâng những người thân yêu ruột thịt của mình trong các cuộc kháng chiến, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Các cơ quan đã tổ chức đón tiếp, phục vụ các mẹ tận tình, chu đáo. Ngoài vào lăng viếng Bác, Thủ tướng đề nghị tổ chức cho các mẹ tham quan Thủ đô Hà Nội để chứng kiến sự đổi thay của đất nước, kiểm tra toàn diện sức khỏe của các mẹ để đảm bảo khi trở về địa phương, tất cả các mẹ đều vui, khỏe mạnh và có quà cho con cháu ở nhà.

Thủ tướng nêu rõ, sự cống hiến hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ trong kháng chiến to lớn bao nhiêu thì nỗi đau và hy sinh thầm lặng của những người mẹ ở hậu phương cũng lớn lao bấy nhiêu, như Nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Con đi trăm núi ngàn khe. Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng Bầm. Con đi đánh giặc mười năm. Chưa bằng khó nhọc đời Bầm sáu mươi”.

Đến nay, chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương, những mất mát lớn lao vẫn còn đọng lại trong tâm trí của mỗi người chúng ta, nhất là với các Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người từng hơn “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Sự hy sinh cao cả, kiên trung của các mẹ chính là tấm gương sáng ngời chủ nghĩa Anh hùng cách mạng cho các thế hệ mai sau, đời đời ghi ơn tri ân và biết ơn sâu sắc.

Thủ tướng bày tỏ xúc động khi được biết dù phần lớn tuổi cao sức yếu song với ý chí nghị lực phi thường, các mẹ đã vượt qua mọi khó khăn, bệnh tật để cùng sống vui sống khỏe và động viên con cháu tích cực học tập, lao động và cống hiến cho xã hội, góp phần xây dựng gia đình, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Thủ tướng cho biết, đến nay 97% số gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Tuy nhiên, hiện cả nước còn nhiều thương binh, bệnh binh vẫn bị những vết thương dày vò, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính, vẫn còn những trường hợp chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi, nhiều người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ gặp khó khăn trong cuộc sống. “Đây là những nỗi trăn trở, day dứt khôn nguôi trong lòng chúng ta”.

Thể hiện trách nhiệm lớn lao và tình nghĩa sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn. Xác định việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của các hệ thống chính trị và toàn xã hội. “Chúng ta phấn đấu đến hết năm nay bảo đảm 100% gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú”, Thủ tướng khẳng định. Tập trung quyết liệt thực hiện công tác xác nhận người có công, giải quyết căn bản việc xác nhận hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại chương trình. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, các địa phương trong cả nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội, các cơ quan, các đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước cùng chung tay thực hiện một số nhiệm vụ.

Thứ nhất là tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế. Các địa phương thực hiện phụng dưỡng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe cho các mẹ Việt Nam anh hùng ở mức tốt nhất, tuyệt đối không để các mẹ phải sống cô đơn, thiếu thốn, ốm đau không người chăm sóc hằng ngày, quan tâm hơn nữa đến những người, diện người có công khác có hoàn cảnh khó khăn.

Thứ hai là tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ mở rộng và thúc đẩy hợp tác quốc tế trao đổi, cung cấp thông tin về liệt sĩ mộ liệt sĩ; tập trung đầu tư trang thiết bị, phương tiện, vật chất kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ và công tác giám định gen xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, và nhanh chóng giải quyết hồ sơ tồn đọng.  

Thứ ba, bố trí tăng ngân sách Nhà nước với việc đẩy mạnh huy động đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công, gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc huy động quản lý, sử dụng nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Chú  trọng công tác tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ, hỗ trợ cải thiện nhà ở xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công cách mạng, quan tâm, chăm lo y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở, trước hết là đối với trường hợp còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Thứ tư là nâng cao chất lượng các phong trào, các chính sách hậu phương quân đội, các chương trình tình nghĩa phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội. Đẩy mạnh các chương trình nhà tình nghĩa, đồng đội chăm sóc, tu sửa các nghĩa trang liệt sĨ…

Thứ năm, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và toàn dân trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng; thực hiện tốt việc giám sát quá trình xây dựng và thực hiện; thường xuyên quan tâm nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người có công, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan bảo đảm quyền lợi người có công, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong việc thực hiện chính sách đối với người có công.