Gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công

14:22, 21/08/2020

Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị giao ban trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương tháng 8-2020 đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, được tổ chức sáng 21-8 tại Văn phòng Chính phủ. Dự tại điểm cầu Thái Nguyên có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh...

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngay sau cuộc họp với các địa phương về nội dung này hồi tháng 7, Chính phủ đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra ở các lĩnh vực đầu tư và địa phương có các dự án đầu tư công được phân bổ nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để đốc thúc và tháo gỡ khó khăn trong việc giải ngân nguồn vốn. Bởi thế, theo kết quả báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác này thời gian gần đây. Nhiều địa phương đã đưa ra được cách làm hay, sáng tạo và quyết liệt. Trong đó có việc thành lập tổ công tác đặc biệt để triển khai nội dung này. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, còn có nhiều bộ, ngành, địa phương có kết quả giải ngân thấp. Hiện còn 29 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó có 15 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Không thể xuê xoa dễ dãi, không để tình trạng giải ngân chậm, vì liên quan đến rất nhiều vấn đề của xã hội, đất nước. Không thể nói mà không làm do chủ quan tổ chức thực hiện kém của chính chúng ta. Phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Các bộ, ngành, địa phương cần phải coi giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm trong 5 tháng còn lại của năm, để kết thúc năm, việc giải ngân phải đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch. 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư: Tính đến cuối tháng 7, giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước là 193.040 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 41%; ước đến cuối tháng 8 đạt 221.768 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ 2019 đạt 41,39%). Đến nay, đã có 52/53 các bộ, cơ quan Trung ương và 63/63 địa phương có phương án phân bổ vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, phân bổ vốn đầu tư công quy định tại Luật Đầu tư công và các nghị quyết của Quốc hội về ngân sách Nhà nước năm 2020. Tuy vậy, chỉ có 38 bộ, cơ quan Trung ương và 43 địa phương giao chi tiết hết 100% kế hoạch vốn cho các dự án; 5 bộ, cơ quan trung ương và 15 địa phương giao chi tiết trên 90% cho các dự án; còn lại 9 bộ, cơ quan Trung ương và 5 địa phương giao chi tiết dưới 90% cho các dự án. 

Tổng số vốn ngân sách Nhà nước các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã có quyết định/văn bản giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là 455.491 tỷ đồng, đạt 95,4% kế hoạch đầu tư vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn còn lại chưa giao chi tiết. Ngoài ra, có 9 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại kế hoạch vốn để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khác với tổng số vốn là 6.338 tỷ đồng. Ngược lại, lại có 7 bộ, cơ quan trung ương và 31 địa phương đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương với tổng số vốn là 13.509 tỷ đồng. Qua nắm bắt tại các địa phương, khó khăn lớn nhất trong công tác giải ngân vốn đầu tư công hiện nay vẫn là công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù…

Phát biểu chỉ đạo với các huyện, thành, thị sau khi Hội nghị trực tuyến với Chính phủ kết thúc, đồng chí Vũ Hồng Bắc nhấn mạnh: Thái Nguyên đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 31-9, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sẽ đạt trên 60% và hoàn thành 100% vào cuối năm. Trong khi đó, tính đến ngày 15-8, kết quả giải ngân nguồn vốn này toàn tỉnh mới đạt gần 40%. Vì vậy, lãnh đạo các sở, ngành địa phương phải vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm hơn nữa để thực hiện cho được nhiệm vụ này. Nếu có khó khăn, vướng mắc, phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh để được chỉ đạo, giải quyết.