Trong hệ thống tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là nội dung cơ bản, sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Đó là mục tiêu, lý tưởng và sự cống hiến suốt đời của Người. Ngày nay, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội vừa là mục tiêu, lý tưởng vừa là động lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đưa đất nước tiến lên.
Độc lập, tự do cho dân tộc là “ham muốn tột bậc”
Trước khi lên đường đi châu Âu, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành mang trong mình câu hỏi lớn là làm thế nào để cho đất nước được giải phóng. Những nội dung “tự do, bình đẳng, bác ái” trong bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp đã thôi thúc Người đến Pháp để tìm hiểu với mong muốn trở về cứu dân tộc mình. Trong những năm tháng bôn ba qua các nước tư bản và thuộc địa ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi để khảo nghiệm, tìm tòi… Nguyễn Tất Thành đã rút ra nhiều điều mà sau này chính là những luận điểm trong tư tưởng về cách mạng giải phóng dân tộc.
Năm 1920, khi đọc được Luận cương của V.I. Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo Nhân đạo, Nguyễn Ái Quốc đã viết “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Điều đó đã nói lên tất cả khát vọng giải phóng dân tộc trong tâm trí Nguyễn Ái Quốc. Cho nên, khi trả lời câu hỏi của đồng chí Rôdơ, Thư ký Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp, họp tháng 12/1920: Tại sao đồng chí lại bỏ phiếu cho Quốc tế III? Hồ Chí Minh trả lời: Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề thuộc địa… Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu. Năm 1945, đứng trước thời cơ mới của cách mạng nước ta, khi nói chuyện với đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm đanh thép: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được độc lập”.
Cột mốc 108 (cũ) biên giới Việt Trung ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) - điểm Bác Hồ đặt chân đầu tiên khi trở về quê hương sau 30 ưm bôn ba tìm đường cứu nước (ngày 28/1/1941).
Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, đất nước ta bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh duy nhất lựa chọn ngay từ khi gặp Chủ nghĩa Mác-Lênin. Độc lập dân tộc trong tư tưởng của Hồ Chí Minh là độc lập thực sự, độc lập về chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, ngoại giao và toàn vẹn lãnh thổ… độc lập dân tộc phải được biểu hiện cụ thể trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mọi vấn đề chủ quyền quốc gia phải do dân tộc quyết định. Trong bản Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã khẳng định: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ quyền tự do, độc lập ấy. Chính vì vậy, khi thực dân Pháp quyết tâm cướp nước ta một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Trong đó, Người khẳng định quyết tâm sắt đá bảo vệ quyền độc lập, tự do bất khả xâm phạm của mỗi dân tộc nhưng vẫn toát lên tính nhân văn sâu sắc, thể hiện khát vọng độc lập, tự do trong tư tưởng: “Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới… Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!”.
Người cũng đã nêu lên khát vọng của dân tộc là độc lập, tự do và sống hòa bình với các nước. Nhưng nhân dân Việt Nam cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ độc lập và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước. Năm 1966, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, Hồ Chí Minh đã kêu gọi: Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ? Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đó chính là chân lý có giá trị cho mọi thời đại.
Nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc!
Bác Hồ đã căn dặn: “Nếu nước độc lập mà nhân dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Vì vậy, ngay sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, Người cùng Chính phủ đã ban hành và lãnh đạo triển khai thực hiện hàng loạt chính sách để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; tổ chức tổng tuyển cử trong cả nước để cụ thể hóa tư tưởng xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân. Trong những năm kháng chiến gian khổ, Người cùng Trung ương Đảng, Chính phủ luôn quan tâm chăm lo đời sống của nhân, xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở căn cứ cách mạng.
Khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã xác định lãnh đạo nhân dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Người đã chỉ rõ nội dung, đặc điểm, tính chất, con đường và biện pháp quá độ lên CNXH ở nước ta.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và con đường đi lên CNXH, Đảng và Chính phủ đã xác định nhiệm vụ của cuộc cách mạng XHCN trong từng giai đoạn. Huy động mọi nguồn lực để từng bước hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng của Đảng, Bác Hồ và dân tộc ta đã chọn là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Nhân dân có cuộc sống ấm lo, tự do, hạnh phúc. Trong niềm tự hào với những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước. Chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và nguyện suốt đời phấn đấu, cống hiến theo mục tiêu, lý tưởng mà Bác Hồ và Đảng, nhân dân ta đã chọn.