Vào những ngày này cách đây 75 năm, cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên bừng bừng khí thế cách mạng, sục sôi nổi dậy giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và bè lũ tay sai.
Đêm 20/3, tại Võ Nhai, một bộ phận Cứu quốc quân cùng lực lượng tự vệ và quần chúng ào ào xông vào châu lỵ La Hiên. Trước thế áp đảo của lực lượng cách mạng, binh lính trong châu không dám chống cự. Sáng 21/3, viên Tri châu đem toàn bộ vũ khí, sổ sách nộp cho quân cách mạng. Ngay sau đó, cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại châu lỵ; đại diện cách mạng tuyên bố xoá bỏ bộ máy chính quyền địch, thành lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời châu. Đây là chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên được thành lập ở tỉnh Thái Nguyên. Từ giữa tháng 4/1945, ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời các xã lần lượt ra đời. Châu Võ Nhai hoàn toàn được giải phóng. Sau Võ Nhai, nhân dân các xã thuộc các huyện: Định Hoá, Đại Từ, Phú Lương, Phú Bình... lần lượt nổi dậy đập tan chính quyền tay sai phát xít, thành lập chính quyền cách mạng.
Như vậy, từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4/1945, thực hiện Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (12/3/1945) của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, các cuộc khởi nghĩa từng phần đã diễn ra mạnh mẽ và giành được thắng lợi; chính quyền cách mạng được thành lập ở hầu hết các xã.
Trước sự phát triển nhanh chóng của phong trào cách mạng, phát xít Nhật tìm cách đối phó. Sau khi tạm thời ổn định bộ máy tay sai ở thị xã, củng cố lực lượng, Bộ Chỉ huy quân Nhật ở Thái Nguyên đưa quân đánh chiếm các huyện lỵ trong tỉnh. Với quyết tâm giữ vững phong trào, lực lượng vũ trang cách mạng liên tục chặn đánh các mũi tiến công của quân Nhật, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Nhân dân các xã triệt để thực hiện “Vườn không nhà trống”, cùng Cứu quốc quân bao vây kinh tế, phá hoại giao thông, làm cho quân Nhật gặp nhiều khó khăn.
Sang tháng 7/1945, cao trào kháng Nhật, cứu nước ở tỉnh Thái Nguyên phát triển tới đỉnh cao. Giữa lúc cao trào kháng Nhật, cứu nước của nhân dân ta đang phát triển mạnh mẽ, cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc bằng thắng lợi của Hồng quân Liên Xô và phe Đồng minh. Thắng lợi của Hồng quân Liên Xô cùng với cao trào nổi dậy của nhân dân Việt Nam đã làm cho quân đội Nhật ở Đông Dương và Chính phủ tay sai Trần Trọng Kim hoang mang, dao động cực điểm. Thời cơ ngàn năm có một cho nhân dân ta nổi dậy giành chính quyền trong cả nước đã chín muồi.
Chiều 16/8/1945, một đơn vị Quân Giải phóng, trong đó có một bộ phận bộ đội Việt - Mỹ, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, tiến về thị xã Thái Nguyên - nơi có vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất so với các tỉnh trong Khu Giải phóng. Trong thị xã có 120 lính Nhật do tên quan Tư chỉ huy. Trong số đó, có từ 60 đến 70 lính đóng tại Trại lính khố xanh cũ và dinh Công sứ Pháp trên đồi cao. Số còn lại đóng ở các điểm lẻ trong những ngôi nhà gạch. Ngoài lính Nhật, còn có khoảng 400 lính bảo an, hơn 100 lính cơ đóng ở Trại lính Tây cũ để bảo vệ dinh Tỉnh trưởng và Huyện trưởng Đồng Hỷ.
Khoảng 13 giờ ngày 19/8/1945, đơn vị Quân Giải phóng đã có mặt ở làng Thịnh Đán (nay là phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên). Tối cùng ngày, Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng triệu tập cuộc họp cán bộ lãnh đạo tỉnh để thống nhất lực lượng và kế hoạch khởi nghĩa giải phóng thị xã Thái Nguyên. Đến 24 giờ, Quân Giải phóng được lệnh xuất phát chiếm lĩnh vị trí chiến đấu, bao vây áp sát quân Nhật. Sở Chỉ huy chiến đấu đặt tại đình Hàng Phố. Cùng thời điểm này, Đại đội tự vệ Phú Bình đánh chiếm đồn điền Gia Sàng, chốt giữ cửa ngõ Đông Nam huyện Đồng Hỷ, cắt đứt con đường liên lạc của Nhật từ thị xã Thái Nguyên đi Hà Nội.
Vào lúc 5 giờ 30 phút ngày 20/8/1945, Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng gửi tối hậu thư cho Tỉnh trưởng Bùi Huy Lượng; y chần chừ không trả lời. Lập tức, 1 trung đội Quân Giải phóng tấn công vào dinh Tỉnh trưởng do 1 trung đội lính bảo an bảo vệ. Ta yêu cầu Bùi Huy Lượng trao chính quyền cho Ủy ban Khởi nghĩa, đồng thời buộc tên chỉ huy bảo an ra lệnh cho tất cả binh lính đầu hàng, nộp toàn bộ vũ khí cho Quân Giải phóng. Hầu hết lính bảo an tuân theo lệnh của Quân Giải phóng, giao nộp gần 600 súng trường, một số súng máy và đạn dược. Hơn 400 lính bảo an tập hợp nghe Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng giải thích đường lối cứu nước và chính sách khoan hồng của Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam. Hơn 60 binh sĩ tự nguyện tham gia Quân Giải phóng, đánh giặc cứu nước (trong số này, có 7 người đã anh dũng hy sinh khi tấn công vào đồn Nhật).
Giải quyết xong Trại bảo an binh, Quân Giải phóng tấn công quân Nhật trong Trại lính khố xanh. Đúng 7 giờ 30 phút, các cỡ súng của Quân Giải phóng đồng loạt nã đạn vào cứ điểm diệt nhiều tên địch. Sau 30 phút nổ súng ta ngừng bắn để cho Tỉnh trưởng mang tối hậu thư của ta hẹn quân Nhật cử đại điện ra thương lượng. Cuộc đàm phán kéo dài hơn một giờ đồng hồ, nhưng không có kết quả. Phía Nhật không chịu nộp vũ khí cho ta, lấy cớ sẽ nộp cho Đồng minh, thực chất là kéo dài thời gian để chờ viện binh từ Hà Nội lên. Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng ra điều kiện cho phía Nhật: Nếu đến 14 giờ không trả lời, thì sẽ nổ súng. Đúng 14 giờ, quân Nhật không chấp hành tối hậu thư, quân ta nổ súng, tiêu diệt 3 ổ đề kháng của chúng ở Ty Liêm phóng, kho gạo, nhà Gôchiê và diệt nhiều tên địch, thu toàn bộ vũ khí. Quân Nhật hoàn toàn bị vây hãm trong trại.
Chiều 20/8/1945, một cuộc mít tinh được tổ chức tại sân vận động thị xã; đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc tuyên bố bãi bỏ chính quyền của Nhật và tay sai, thành lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên, do đồng chí Lê Trung Đình làm Chủ tịch. Tối 22/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tân Trào về đến thị xã Thái Nguyên. Mặc dù còn yếu vì vừa mới qua cơn sốt nặng, nhưng ngay tối hôm đó, Người gặp các đồng chí lãnh đạo tỉnh để nghe báo cáo tình hình, đồng thời căn dặn những việc cần làm của chính quyền cách mạng non trẻ.
Ngày 23/8/1945, các đồng chí lãnh đạo tỉnh họp, quyết định thành phần Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh gồm có: Đồng chí Lê Trung Đình làm Chủ tịch; các đồng chí: Ma Đình Tương, Đặng Đức Thái, Phạm Đình Huệ làm Phó Chủ tịch; các đồng chí: Lương Đình Oánh, Hoàng Thế Thiện, Chu Quốc Hưng, Lê Phương, Phạm Hoài, Trường Sơn làm Ủy viên.
Trong khi đó, Quân Giải phóng tiếp tục bao vây quân Nhật. Ngày 24/8, phía Nhật đề nghị gặp ta và chấp nhận một số điều kiện: Giao nộp vũ khí ở các đồn: Hùng Sơn (Đại Từ); Phấn Mễ, Giang Tiên (Phú Lương); Đá Gân, Phương Độ (Phú Bình); La Hiên (Võ Nhai) cho lực lượng cách mạng; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhân dân Việt Nam. Riêng số vũ khí của lính Nhật ở thị xã, chúng xin lùi lại một thời gian để chờ lệnh cấp trên. Được ta chấp thuận, ngay sau đó, một tên sĩ quan Nhật đưa đoàn cán bộ của ta do đồng chí Lê Trung Đình phụ trách đến các đồn lẻ tiếp nhận vũ khí của chúng, còn binh lính đưa về tập trung tại thị xã. Ngày 25/8/1945, phái viên của Bộ Tư lệnh quân Nhật cùng phái viên Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc từ Hà Nội lên Thái Nguyên giải quyết, tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật. Ngày 26/8/1945, sau khi nộp lại toàn bộ vũ khí cho Quân Giải phóng, quân Nhật được ta phụ trách đưa về Hà Nội. Thái Nguyên hoàn toàn được giải phóng.
Ngày 28/8/1945, tại cuộc mít tinh lớn được tổ chức ở sân vận động thị xã, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh chính thức ra mắt trước sự chứng kiến của hàng vạn dân chúng từ các huyện trong tỉnh về dự. Trong niềm vui chiến thắng, mọi người hô vang các khẩu hiệu, thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng. Cùng thời gian trên, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước kết thúc thắng lợi. Ngày 2/9/1945, tại cuộc mít tinh được tổ chức ở Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh - thay mặt Chính phủ lâm thời, đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, chính thức tuyên bố trước toàn thể quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.