L.T.S: Cách đây 80 năm, ngày 27/9/1940, tại vùng căn cứ cách mạng Bắc Sơn (Lạng Sơn) đã ghi dấu ấn cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn vang dội với trận đánh đồn Mỏ Nhài. Nhân kỷ niệm 80 năm Khởi nghĩa Bắc Sơn, Báo Thái Nguyên đăng tải bài viết “Tiếng súng báo hiệu cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền” của tác giả Nông Quang Hoạt.
Năm 1894, thực dân Pháp đã tách một phần đất châu Võ Nhai thuộc tỉnh Thái Nguyên để lập ra châu Bắc Sơn thuộc tỉnh Lạng Sơn. Bắc Sơn và Võ Nhai là hai châu miền núi, địa hình hiểm trở, nơi đây đã từng là một trong những địa bàn hoạt động chống Pháp của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, Hoàng Đình Kinh. Những năm 30 của thế kỷ XX, Đảng cộng sản Đông Dương đã xây dựng vùng Bắc Sơn - Võ Nhai thành một đầu mối giao thông quan trọng giữa bộ phận cách mạng trong nước với bộ phận cách mạng ở nước ngoài.
Từ những năm 1935-1937, Đảng đã cử cán bộ đến Bắc Sơn - Võ Nhai. Đến năm 1940, ở các xã Vũ Lăng, Hữu Vĩnh, Bắc Sơn, Hưng Vũ, Chiêu Vũ (châu Bắc Sơn) và các xã Phú Thượng, Lâu Thượng, Tràng xá, La Hiên (châu Võ Nhai) đã xây dựng được cơ sở Đảng và các tổ chức quần chúng của Đảng.
Năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra. Năm 1940, phát xít Đức tấn công Pháp, sau một tháng Pháp đầu hàng. Nhân cơ hội này, ngày 22/9/1940, Nhật tấn công vào Lạng Sơn mở đầu cuộc xâm lược Đông Dương với ý đồ biến Đông Dương thành bàn đạp mở rộng chiến tranh ra Thái Bình Dương, chiếm đoạt thuộc địa của Anh, Pháp Mỹ. Khi quân Nhật đánh vào Lạng Sơn, quân Pháp đã nhanh chóng tan rã, đầu hàng. Nắm thời cơ, ngày 25/9/1940, một số đảng viên như: Nông Văn Cún, Hoàng Đình Ruệ... đã thoát khỏi nhà tù Pháp ở Lạng Sơn, về địa phương họp với các đảng viên ở Chi bộ Hưng Vũ, Bắc Sơn, quyết định lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa đánh đồn Mỏ Nhài, chiếm lấy châu lỵ Bắc Sơn.
Tối 27/9/1940, khoảng 600 người trang bị súng trường, súng kíp, giáo mác, gậy gộc chia thành 3 mũi tiến đánh đồn Mỏ Nhài, Tri châu và binh sĩ đã chạy trốn sang Bằng Mạc - Lạng Sơn. Quân khởi nghĩa làm chủ châu lỵ. Rạng sáng ngày 28/9 các đồng chí lãnh đạo khởi nghĩa đã tổ chức mít tinh quần chúng ngay tại châu lỵ, tuyên bố xóa bỏ chính quyền đế quốc, động viên nhân dân tiếp tục đánh đuổi tàn quân, tước vũ khí địch, chuẩn bị đối phó vối mọi âm mưu của địch.
Nhưng cũng chỉ thời gian sau rất ngắn, đế quốc Pháp được phát xít Nhật thỏa hiệp, đã đưa binh lính quay trở lại Bắc Sơn đàn áp cuộc khởi nghĩa. Sau khi nhận được báo cáo, Xứ ủy Bắc Kỳ đã cử 2 đồng chí Xứ ủy viên lên tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng Bắc Sơn. Ngày 14/10/1940, đồng chí Trần Đăng Ninh Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ đã họp với các đảng viên địa phương tại xã Vũ Lăng. Cuộc họp nhất trí đề ra một số việc cần làm ngay như: Thành lập đội du kích Bắc Sơn, xây dựng khu căn cứ, giải tán chính quyền địch, thu hồi bằng, triện của kỳ hào, tiêu diệt bọn mật thám, tay sai, tịch thu tài sản của bọn phản động chia cho nhân dân, tích trữ lương thực để chiến đấu lâu dài....
Ngày 16/10/1940, Ban chỉ huy Đội du kích Bắc Sơn tổ chức mít tinh quần chúng tại xã Vũ Lăng. Thay mặt Ban chỉ huy, đồng chí Trần Đăng Ninh tuyên bố Đội du kích Bắc Sơn đã được thành lập và kêu gọi nhân dân tiếp tục đẩy mạnh khí thế cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn...
Tuy chưa giành được thắng lợi triệt để, nhưng cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn đánh dấu sự chuyển hướng trong hình thức đấu tranh của cách mạng Việt Nam từ đấu tranh chính trị tiến đến kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang. Nó đã rèn luyện, tập hợp quân khởi nghĩa thành lập Đội du kích Bắc Sơn - Đội du kích đầu tiên của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo. Đội du kích Bắc Sơn cũng đã có những đóng góp to lớn vào quá trình xây dựng khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai và là tiền thân của đội Cứu quốc quân - một trong những đơn vị tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.