Đội Cứu Quốc quân I và Đội Cứu Quốc quân II dù được thành lập ở 2 thời điểm, nhưng Khuổi Nọi (Bắc Sơn - Lạng Sơn) và Khuôn Mánh (Võ Nhai - Thái Nguyên), nơi ra đời những Đội Cứu Quốc quân đều trở thành nỗi khiếp đảm cho quân xâm lược. Sau 75 năm cách mạng Tháng Tám thành công, núi cũ, rừng xưa trở thành địa chỉ đỏ đầy tự hào để con cháu tìm về nguồn cội.
Khu di tích lịch sử Trung đội Cứu quốc quân II đã được xếp hạng cấp Quốc gia; với tổng diện tích 21ha, gồm một số hạng mục công trình như: Tượng đài, nhà bia ghi danh cán bộ, đội viên ngày thành lập, bia ghi lịch sử di tích, chòi nghỉ chân, nhà chờ… |
Ông Hoàng Văn Thắng, xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng (Võ Nhai): “Từ Khuổi Nọi về Khuôn Mánh có đường mòn dưới tán rừng, đây là địa bàn hoạt động bí mật của cán bộ Việt Minh nên nhiều người dân quanh vùng sớm được giác ngộ, đi theo cách mạng”. Ông Nguyễn Văn Oanh, trưởng xóm Là Bo (Tràng Xá): “Từ nhỏ tôi đã được nghe các cụ kể về Đội Cứu Quốc quân Khuôn Mánh. Với vũ khí được trang bị thô sơ, nhưng các chiến sĩ đội đã anh dũng chiến đấu, lập nhiều chiến công hiển hách” |
Trước sự lớn mạnh không ngừng của Đội Cứu Quốc quân và phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân, thực dân Pháp đã điên cuồng đàn áp, khủng bố hòng tiêu diệt các lực lượng đấu tranh cách mạng. Chúng ráo riết săn lùng, bắt bớ, tra tấn dã man nhiều cán bộ, quần chúng tích cực. Nhất là khi chúng biết được thông tin về các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng đang trên đường từ Cao Bằng trở về sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII. Nhưng được Cứu Quốc quân và nhân dân bảo vệ, các đồng chí lãnh đạo Đảng đã về đến đến cơ quan bí mật ở núi Lều, Tràng Xá an toàn…
Liên tục thất bại, thực dân Pháp càng cay cú và thẳng tay đàn áp, khủng bố. Chúng bắt bớ thân nhân của các chiến sĩ Cứu Quốc quân; tung tin bịa đặt, dồn dân vào khu tập trung làm Cứu Quốc quân mất chỗ dựa. Cùng với đó, chúng liên tục tổ chức các đợt tấn công vào vùng trung tâm của Đội Cứu Quốc, một số cơ sở quần chúng bị phá vỡ làm cho Cứu Quốc quân ngày càng gặp nhiều khó khăn. Để bào toàn lực lượng, Ban Chỉ huy quyết định rút đại bộ phận của Đội lên Cao Bằng và vùng biên giới Việt Trung, chỉ để lại 1 tiểu đội làm nhiệm vụ giữ vững cơ sở quần chúng.
Lịch sử còn ghi: Tháng 8-1941, 6 chiến sĩ Cứu Quốc quân I bị địch bắt, chém bêu đầu thị chúng. 4 đồng chí còn lại rút xuống Võ Nhai cùng bộ phận Cứu Quốc quân ở đây đấu tranh chống địch khủng bố. Và giữa tàn bạo của kẻ thù, tinh thần đấu tranh quật khởi của nhân dân càng lên cao. Tại Võ Nhai, các tổ chức Cứu Quốc phát triển ngày càng sâu rộng, tập hợp được đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, các đội tự vệ tiếp tục được bổ sung thêm những đội viên trung kiên, bất khuất trong các Hội Cứu Quốc. Tinh thần căm thù giặc, lòng quyết tâm trả thù lên cao, đây chính là độ chín để củng cố lại lực lượng đấu tranh vũ trang của Đảng. Lúc đó Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Trung ương Đảng cùng Ban lãnh đạo cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai chủ trương khôi phục hoạt động của lực lượng Cứu Quốc quân để duy trì, cổ vũ phong trào cách mạng. Vào sáng ngày 15/9/1941, tại khu rừng Khuôn Mánh, thay mặt Trung ương Đảng, đồng chí Hoàng Quốc Việt tuyên bố thành lập Trung đội Cứu Quốc quân II, với 36 cán bộ, đội viên, trong đó có 22 đội viên là người Võ Nhai. Trung đội do đồng chí Chu Văn Tấn làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Nguyễn Cao Đàm là chính trị chỉ đạo viên; đồng chí Trần Văn Phấn là Chỉ huy Phó. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã giao cờ Tổ quốc và nhiệm vụ cho Trung đội phải đấu tranh chống địch khủng bố, trừ gian, diệt phản động đầu sỏ, bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ căn cứ địa, củng cố và phát triển các đội tự vệ, duy trì tiếng súng đấu tranh võ trang để cổ vũ phong trào cách mạng của cả nước.
Di tích lịch sử Rừng Khuôn Mánh.
Với tinh thần bám dân, giữ vững cơ sở cách mạng, vừa chiến đấu, vừa tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, mở lớp học xóa mù chữ cho đội viên và nhân dân trong vùng. Ông Nguyễn Văn Oanh, trưởng xóm Là Bo (Tràng Xá) kể: Tôi là thế hệ hậu sinh, từ nhỏ đã được nghe các cụ kể chuyện về Đội Cứu Quốc quân Khuôn Mánh. Bấy giờ vũ khí được trang bị thô sơ, nhưng cán bộ, đội viên của Trung đội đã anh dũng chiến đấu, lập nhiều chiến công làm nức lòng nhân dân. Điển hình là các trận đánh ở Đèo Bắp; Mỏ Nùng Lâu Hạ; Suối Bùn (Tràng Xá); Lân Han; Cây Đa La Hóa… Nhiều lính Pháp và ác ôn phản động làm tay sai cho thực dân Pháp xâm lược bị Trung đội tiêu diệt, đền trả nợ máu cho nhân dân.