15 nội dung lớn thể hiện quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta

08:45, 29/10/2020

Thực hiện Hướng dẫn số 151-HD/BTGTW ngày 10/9/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Hướng dẫn số 06-HD/TU ngày 9/10/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc công bố, thảo luận, lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, từ hôm nay (29-10), Báo Thái Nguyên mở chuyên mục "Đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng" trên báo in và báo điện tử (địa chỉ truy cập: www.baothainguyen.vn). Thời gian đăng tải các ý kiến đóng góp đến ngày 10/11/2020.  Mời độc giả gửi ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện về Tòa soạn Báo Thái Nguyên theo địa chỉ hộp thư điện tử: bandoc@baothainguyen.vn

Ông Nguyễn Hữu Quyết, Bí thư Đảng ủy thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ): Trong vai trò là Bí thư Đảng ủy thị trấn Hùng Sơn, tôi rất quan tâm tới dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 

Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy dự thảo Báo cáo chính trị được chuẩn bị công phu, chu đáo, đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, phân tích hạn chế, yếu kém, đề ra giải pháp khắc phục. Cụ thể, dự thảo Báo cáo chính trị đã đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm một cách ngắn gọn, cô đúc, đúng thực chất, theo đúng tinh thần: Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Đáng nói là, dự thảo Báo cáo chính trị không chỉ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng mà còn đánh giá về cơ đồ đất nước sau 35 đổi mới; đưa ra tầm nhìn, định hướng phát triển trong tương lai. 15 nội dung lớn đề ra trong dự thảo Báo cáo chính trị đã thể hiện được tư duy, tầm nhìn chiến lược, phản ánh được mục tiêu lớn và phương hướng cơ bản, thể hiện quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo…

Soi chiếu với 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược trong dự thảo Báo cáo chính trị, tôi nhận thấy, Thái Nguyên có nhiều cơ hội trong nhiệm kỳ mới. Tỉnh ta xác định mục tiêu đến năm 2025 xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, đoàn kết, sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; phát triển kinh tế nhanh và bền vững, xây dựng Thái Nguyên sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, trung tâm vùng Trung du và miền núi phía Bắc về phát triển công nghiệp, dịch vụ, y tế, giáo dục - đào tạo. Tỉnh có nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bởi kết cấu hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp đã được đầu tư khá đồng bộ, hiện đại…

Tuy nhiên, tôi xin được đóng góp vào dự thảo Báo cáo chính trị một số nội dung. Cụ thể, về chủ đề Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong dự thảo Báo cáo là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tôi đề nghị thêm cụm từ “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng” vào ngay câu đầu tiên rồi mới đến cụm từ tiếp theo là “Tăng cường, xây dựng chỉnh đốn Đảng”. Việc bổ sung này nhấn mạnh yêu cầu, nhiệm vụ nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng ta trong tình hình mới. 

Ở phần in đậm thứ hai của nội dung đầu tiên trong dự thảo Báo cáo chính trị (Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới), theo tôi, không nhất thiết đưa cụm từ “phát triển con người” vào đây (các lĩnh vực văn hóa, xã hội, phát triển con người; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu đạt nhiều kết quả quan trọng). Bởi trên thực tế, các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, xã hội của nước ta trong nhiệm kỳ vừa qua và trước đó đều vì mục tiêu phát triển con người…

Đối với nội dung “Tầm nhìn và định hướng phát triển”, trong quan điểm chỉ đạo thứ nhất, dự thảo Báo cáo chính trị trình bày “3 kiên định”. Tuy nhiên, tôi nhận thấy, chúng ta cần thêm một kiên định nữa là “kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng”. Điều này sẽ tăng thêm sự tin tưởng tuyệt đối của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Lê Sơn, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí Trung cao huyện Đồng Hỷ:  

Sau khi nghiên cứu dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tôi nhận thấy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, bàn thảo về công tác cán bộ từ cấp chiến lược đến cấp cơ sở. Trong đó, tiêu chí, tiêu chuẩn, yêu cầu cũng như vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy các cấp đã được nêu rõ và vừa qua đã được thực hiện tại đại hội đảng bộ các cấp. Chắc chắn tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, việc chọn lựa Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Bí thư, Bộ Chính trị sẽ được Đại hội thực hiện chặt chẽ để tìm cho được những người có tâm, có tài và trung thành, đức độ. 

Tôi cho rằng, việc chọn lựa, tìm được người đứng đầu cấp ủy ngay tại đại hội đảng các cấp là đáng quý, thành công, nhưng Đảng nên có cơ chế rõ ràng, chặt chẽ hơn nữa để giám sát, theo dõi, giúp đỡ người đứng đầu cấp ủy trong suốt quá trình công tác, nhằm kịp thời giáo dục, uốn nắn nếu phát sinh những biểu hiện lệch chuẩn, tránh để cán bộ thoái hóa, biến chất, mắc những khuyết điểm, sai phạm nghiêm trọng không thể khắc phục mới đưa ra kiểm điểm, xử lý. Bởi trong thực tiễn, nhiều cán bộ có trình độ chuyên môn, chính trị rất cao, được rèn luyện qua các môi trường, vị trí công tác nhưng do một thời điểm nào đó, nguyên nhân nào đó mà lập trường không vững, bị sa ngã, bị yếu tố tiêu cực chi phối đã đánh mất phẩm chất của cán bộ cách mạng. 

Thêm một vấn đề nữa là kể từ khi thực hiện chính sách mở cửa để huy động tối đa các nguồn lực, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, đất nước ta đã giành được nhiều thành tựu to lớn, được cán bộ, đảng viên, nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Song, kinh tế phát triển nhanh trong khi các điều kiện về kết cấu hạ tầng, dân trí chưa theo kịp nên đã phát sinh những hệ luy đáng tiếc, như: Vấn đề gia tăng tội phạm; ô nhiễm môi trường… ngày càng phức tạp, diễn biến xấu. Do vậy, tôi đề nghị, trong hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; công tác xây dựng Đảng; xây dựng chính quyền giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn dài hơn, Ban Chấp hành Trung ương nên tiếp tục có những giải pháp hài hòa trong phát triển kinh tế gắn với sự ổn định của đời sống xã hội, môi trường sinh thái, truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam…