Đẩy mạnh liên kết vùng, tăng cường kết nối và phát huy thế mạnh của từng địa phương trong khu vực

10:59, 12/10/2020

Phát triển vùng và liên kết vùng để phát huy thế mạnh của từng địa phương là một trong những nhu cầu thực tế để tăng cường hoạt động phối hợp, liên kết nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả và bền vững đồng thời nâng cao hoạt động điều hành quản lý của các cấp, các ngành đã được Đảng và Nhà nước quan tâm từ nhiều năm nay thông qua việc ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách, đầu tư và triển khai thực hiện.

Tại dự thảo Văn kiện trình tại Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ đối với phát triển kinh tế vùng: “...Phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian triển khai mới. Khai thác tốt hơn các thế mạnh của các vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị, nguồn nhân lực trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển tổng thể, mang tính hữu cơ, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng thành một thể thống nhất...”.

Trước hết, đối với liên kết vùng để phát huy thế mạnh vùng trung du miền núi Bắc Bộ hiện nay: Vùng trung du miền núi Bắc Bộ có địa lý thuận lợi, có tiềm năng tài nguyên thiên nhiên đa dạng, có thế mạnh về công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, thủy điện, nông nghiệp, phát triển tổng hợp và du lịch.

Đối với Thái Nguyên là một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, có nhiều lợi thế so sánh với các địa phương khác của vùng trong phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển công nghiệp: Lịch sử phát triển công nghiệp Thái Nguyên từ sớm, nhờ việc khai thác tốt những thế mạnh cùng với những chuyển biến tích cực trong chính sách phát triển, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong những năm qua, ngành công nghiệp tỉnh Thái Nguyên có sự phát triển mạnh mẽ: Thái Nguyên một trung tâm công nghiệp của vùng và của cả nước.

Về hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối vùng thủ đô và các tỉnh trong khu vực, có đường sắt Bắc Nam; đường sông có cảng Đa Phúc kết nối với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và cảng Hải Phòng. Là trung tâm đào tạo đứng thứ ba trong cả nước đóng vai trò vừa là trung tâm đào tạo vừa là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Là trung tâm vùng về y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho nhân dân vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Thái Nguyên có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú về chủng loại và có trữ lượng lớn như than có sản lượng lớn thứ hai trong cả nước; kim loại màu có thiếc, chì, kẽm, vonfram, vàng, đồng, niken, thủy ngân và có mỏ có thể khai thác vật liệu xây dựng... Đây là những lợi thế để các nhà đầu tư có thể đầu tư chế biến sâu các loại khoáng sản và sản xuất các loại vật liệu xây dựng. 

Thái Nguyên có tiềm năng để phát triển ngành du lịch: Hồ Núi Cốc có quy mô 25km2 mặt nước, có hàng trăm hòn đảo lớn, nhỏ, là khu du lịch trọng điểm quốc gia đã được phê duyệt tại Quyết định số 2228/QĐ-TTg ngày 18/11/2016, nối liền với vùng đệm vườn quốc gia Tam Đảo tạo ra tiềm năng rất lớn cho đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế;  An toàn khu Việt Bắc - ATK, di tích quốc gia đặc biệt, nơi lưu giữ những tư liệu quý giá về hoạt động của Bác Hồ và Trung ương Đảng, Chính phủ trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp; Khu di tích khảo cổ học thời kỳ đồ đá cũ Thần Sa Võ Nhai, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, Khu di tích Vua Lý Nam Đế, Khu di tích TNXP Đại đội 915... cũng là những địa danh, điểm đến của khách du lịch.

Thái Nguyên có chính quyền năng động, thân thiện và luôn đồng hành cùng Doanh nghiệp: Trong những năm gần đây, các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX của tỉnh Thái Nguyên luôn được xếp thứ hạng cao trong toàn quốc, tính năng động của chính quyền, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của  tỉnh luôn được các cấp ủy đảng và chính quyền quan tâm hàng đầu. Những năm qua, Thái Nguyên đã chứng minh và khẳng định được vị thế của mình đối với sự phát triển của vùng bằng nhiều thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, nhờ phát huy tốt những lợi thế và khắc phục những khó khăn.

Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan Thái Nguyên trong phát triển kinh tế và trong liên kết vùng còn một số tồn tại cần khắc phục: Công nghiệp phụ trợ hiện nay còn chậm phát triển, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm tương đối thấp. Phần lớn các ngành còn nhập khẩu nhiều trang thiết bị, linh kiện, phụ kiện từ nước ngoài. Trong các dự án đầu tư FDI, phần lớn giá trị tạo ra vẫn thuộc về các doanh nghiệp, công ty, tập đoàn nước ngoài. Quy mô sản xuất của các doanh nghiệp trong nước và địa phương còn nhỏ bé.

Phát triển công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp chế biến sản phẩm còn ít nên dẫn đến chưa tạo ra được chuỗi giá trị gia tăng cao cho vùng, yếu tố này cần phải có sự liên kết vùng giữa các địa phương mới khắc phục được. 

Sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp cùng với những tồn tại trong quy hoạch phát triển đô thị sẽ tạo ra sức ép đối với cơ sở hạ tầng, dịch vụ chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu của các khu công nghiệp theo đặt hàng.

Lực lượng lao động dồi dào, đáp ứng yêu cầu về số lượng cho các doanh nghiệp, song chủ yếu là lao động phổ thông, tỉ lệ lao động qua đào tạo thấp, phần lớn lao động thực hiện những khâu đơn giản trong dây chuyền sản xuất như gia công, lắp ráp nên giá trị tạo ra thấp, năng suất lao động chưa cao; chưa thực sự tạo ra những khu công nghiệp thu hút lực lượng lao động chất lượng cao tạo ra giá trị lớn.

Những tồn tại nêu trên đặt ra cho chúng ta phải có những giải pháp căn cơ, đặc biệt là cần có sự liên kết giữa các địa phương để khắc phục.

Việc kết nối và phát huy tiềm năng của địa phương cần có sự chỉ đạo từ Trung ương, các bộ, ngành để giải quyết một cách tốt nhất mối quan hệ giữa địa phương và Trung ương, giữa các bộ với các cơ quan liên quan của địa phương; liên kết quản lý ngành và quản lý lãnh thổ theo địa phương. Thực tế hiện nay, các địa phương trong vùng phụ thuộc nhiều vào sự quyết định đầu tư của Trung ương (từ lập quy hoạch kế hoạch, dịch vụ xã hội cơ bản, đất đai, phê duyệt ngân sách đầu tư...). 

Hiện nay, mỗi địa phương có một định hướng phát triển lĩnh vực của mình riêng do những đặc thù và nguồn lực riêng, khiến cho việc tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh gặp không ít khó khăn, làm gia tăng chi phí tìm hiểu và gia nhập thị trường, sức mạnh cạnh tranh của môi trường kinh doanh chậm được cải thiện. Liên kết giữa các địa phương trong phát triển vùng và liên kết giữa các vùng với nhau dựa trên lợi thế so sánh và sự phân công phối hợp giữa các địa phương nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư; Phối hợp trong xây dựng quy hoạch phát triển ngành và vùng ở từng địa phương; phối hợp trong việc hình thành các chính sách thu hút và phân bổ đầu tư; xây dựng và phát triển các sản phẩm chủ yếu; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cấp vùng; phát triển vùng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, trung tâm thương mại, trung tâm nghiên cứu; phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài; hợp tác trong giảm nghèo. Là các nhu cầu mới của các địa phương cần có sự định hướng từ Chính phủ các bộ, ngành Trung ương thống nhất với các địa phương để triển khai thực hiện thì mới phát huy được hiệu quả.

Để phát huy hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế khi triển khai liên kết vùng trong tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần tập trung, chúng ta cần quan tâm đến một số nội dung chủ yếu như sau:

Một là, xây dựng chiến lược liên kết kinh tế vùng trong chiến lược phát triển quốc gia, tạo cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển, đầu tư, quản trị, dịch vụ công, phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ… phù hợp với mỗi vùng và liên vùng có hiệu quả.

Thứ hai, tăng cường phối hợp giữa các địa phương trong việc hình thành chính sách thu hút và phân bổ đầu tư. Khắc phục tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thu hút đầu tư không có định hướng và bằng mọi giá.

Thứ ba, xây dựng hệ thống dữ liệu vùng làm cơ sở khoa học cho việc lập quy hoạch vùng, phát triển bền vững kinh tế vùng và các địa phương trong vùng.

Bốn là, tổ chức lập quy hoạch vùng, đồng thời phân cấp, phân quyền phối hợp quản lý quy hoạch bảo đảm quy hoạch được quản lý đồng bộ, hiệu quả, tránh tình trạng quy hoạch chồng chéo gây lãng phí nguồn lực tài chính…

Năm là, tạo sự liên kết giữa các khu, cụm công nghiệp trong vùng, gắn các khu, cụm công nghiệp với các vùng nguyên, nhiên liệu của từng vùng miền. Tránh tình trạng xây dựng khu công nghiệp không hợp lý gây lãng phí tài nguyên đất.

Sáu là, hợp tác với các tỉnh trong vùng tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, trong đó ưu tiên đầu tư đường vành đai V đoạn nối với tỉnh Bắc Giang và Vĩnh Phúc để kết nối đường Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên với đường Cao tốc Hà Nội - Lào Cai để tạo điều kiên cho phát triển  kinh tế vùng Thủ đô theo quy hoạch.