Nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái - Thái Nguyên, đồng chí Nguyễn Ngô Hai, dù đã được nghỉ ngơi từ lâu; song bằng trí tuệ, kinh nghiệm vốn có, ông vẫn luôn dõi theo và đóng góp nhiều ý kiến quý báu các chương trình, hoạt động của tỉnh. Trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh, đồng chí đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện thân tình và cởi mở.
Khi biết chúng tôi mong muốn được ông chia sẻ suy nghĩ về nhiều nội dung xoay quanh công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh, ông cười hồn hậu bảo: Cái gì cũng có cần có điểm khởi đầu. Điểm khởi đầu cho kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 sắp diễn ra không có gì tốt hơn kết quả đã đạt được trên từng tiêu chí của Nghị quyết lần thứ XIX. Có thể nói, cùng với cả nước, Thái Nguyên đã có những đổi mới toàn diện rất đáng ghi nhận, nhất là trong nhiệm kỳ vừa qua. Ông cũng không quên nhắc với chúng tôi 2 điều ông tâm đắc đó là những đột phá trong công nghiệp nhờ thu hút vốn đầu tư nước ngoài, giúp tỉnh có được những con số nhảy vọt về giá trị sản xuất, xuất khẩu.
Điều thứ 2 chính là thành tựu trong công tác xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Ông khẳng định: Thước đo cho sự phát triển là đời sống của người dân. Tỉnh ta đã xóa được hết các điểm trắng về điện, đường, trường, trạm ở ngay cả những địa bàn khó khăn nhất. Đời sống của người dân được chăm lo ở mọi mặt… đó chính là sự phát triển.
- Sự thay đổi đó phải chăng là do cơ chế và dòng chảy tất yếu chung của đất nước thưa ông?
- Một phần thôi. Điều quan trọng tạo nên thành công ấy chính là nhờ tỉnh ta đã nắm bắt và phát huy được những tiềm năng, lợi thế của chính mình. Và quan trọng hơn cả là chúng ta đã phát huy được truyền thống cách mạng, truyền thống đoàn kết qua rất nhiều thời kỳ. Sự đoàn kết ở đây không chỉ là đoàn kết trong Đảng mà còn ở trong dân. Thái Nguyên là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo, đa văn hóa bởi tỉnh ta là nơi tụ hội cư dân nhiều tỉnh, thành trong cả nước trong 3 thời kỳ.
Những lời ông bộc bạch như những thước phim tư liệu quay ngược lại không gian của Thái Nguyên trong từng giai đoạn. Ông điểm từng mốc thời gian một: Thời kỳ Thái Nguyên được chọn làcăn cứ cách mạng, nhiều cán bộ đã mang theo con em mình đến đây vừa hoạt động vừa sinh sống. Từ đó, rất nhiều thế hệ đã gắn bó và trưởng thành ở đây; Thời kỳ thứ 2 là những năm 1960-1970, Thái Nguyên là một trong những tỉnh tiếp nhận kinh tế mới, đồng bào các tỉnh miền xuôi như Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Tây… về đây gần 5 vạn người; Thời kỳ thứ 3 là khi con em ở các tỉnh về Thái Nguyên theo học ở các trường đại học của ngành công nghiệp nặng lúc bấy giờ. “Một điều đặc biệt quan trọng nữa”, ông nhấn mạnh:Đội ngũ cán bộ của tỉnh được trẻ hoá, đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở rất nhiều. Đó là cái rất tốt vì suy cho cùng kiến thức nhà trường có thể đào tạo nhưng bản lĩnh phải qua thực tiễn. Chính những điều đó đã tạo nên những thành quả cho một Thái Nguyên hôm nay.
- Đó có thể được coi là sự kế thừa truyền thống?
Ông đồng tình nói với chúng tôi như tự trải lòng: Không có một thành tựu nào tự đột biến mà có, đó là quy luật. Các thế hệ cán bộ sau này được kế thừa nhiều điều kiện, đó là: truyền thống đoàn kết trong Đảng bộ. Từ xưa đến nay, dù là Bắc Thái hay Thái Nguyên thì sự đoàn kết trong Đảng, trong dân đều là truyền thống được trao truyền; Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận là điều được làm thường xuyên dù ở bất kỳ giai đoạn nào.
Câu chuyện ông dành cho chúng tôi rất cởi mở và thân thiện, khiến tôi mạnh dạn hỏi ông: Trong số những thành tựu hôm nay của tỉnh có điều gì năm xưa ông và các đồng chí lãnh đạo tỉnh dù mong muốn nhưng chưa thể thực hiện được?
Nhấp ngụm nước chè, ông trầm ngâm:
- Tôi làm Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Thái, Thái Nguyên khá lâu, có một điềuluôn trăn trở trong tôi những năm tháng ấy là qua rất nhiều kỳ Đại hội, chúng tôi đều kỳ vọngsẽ có những bước phát triển mới về công nghiệp vì mình có điều kiện, có tiềm năng về con người, tài nguyên. Nhưng lúc bấy giờ chúng tôi đã không thể thực hiện được. Thứ nhất về hạ tầng, tỉnh ta chưa có đường cao tốc, chưa có các điều kiện như bây giờ nên thu hút các nguồn đầu tư khó khăn; thứ 2 chưa có chính sách thoáng của Trung ương về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Không phải chúng ta không được quan tâm mà thời kỳ đó Bắc Thái được định hướng phát triển công nghiệp nặng theo cơ chế cũ mà điểm hình là khu công nghiệp Gò Đầm và Gang thép Thái Nguyên. Trong khi điều đó chỉ có giá trị lịch sử lúc bấy giờ, sau này công nghệ trở nên lạc hậu nên không thể nào bứt lên được.
Nói đến đây đôi mắt ông có chút suy tư của năm cũ, nhưng cũng chính đôi mắt ấy ngay lập tức cũng ánh lên nét reo vui, ông tiếp: Sau này nhờ sự cố gắng của Trung ương và của tỉnh những khó khăn đó được tháo gỡ, ngành Công nghiệp Thái Nguyên có những bước tiến dài.Sau này chúng ta có sự ổn định về những chính sách lớn như ưu tiên phát triển công nghiệp hợp lý,chuyển dịch trong phát triển nông nghiệp. Trước đây trong nông nghiệp sản phẩm chủ yếu là thóc, ngô, sắn, thì hiện nay sản phẩm nông nghiệp rất đã đạng. Cách chỉ đạo bây giờ cũng khác, đơn vị tính không còn là tạ, tấn mà là giá trị trên 1ha đất nông nghiệp, rồi sản xuất gắn với tiêu thụ, chế biến gắn với kinh tế thị trường và hội nhập. Chúng ta đã dần hình thành các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tạo ra giá trị lớn gấp nhiều lần.
- Chắc hẳn những bước tiến đó của tỉnh sẽ còn càng được thể hiện rõ nét hơn ở nhiệm kỳ tới!
Tôi tin là như vậy, và niềm tin của tôi là có cơ sở. Tôi đã nghiên cứu rất kỹ Dự thảo báo cáo Chính trị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX chuẩn bị để trình Đại hội XX và quy trình 5 bước đối với đề án xây dựng nhân sự cho khóa mới. Tôi nhận thấy mọi công tác chuẩn bị đều được làm rất kỹ. Báo cáo chính trị thể hiện tầm nhìn chiến lược, song chương trình hành động lại rất cụ thể. Điều này rất có lợi để hiện thực hóa Nghị quyết. Và tôi cũng vẫn muốn nhấn mạnh về yếu tố con người. Tôi rất kỳ vọng vào các đồng chí sẽ trúng cứ trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành khóa tới, bởi các đồng chí đều là những người có trình độ và quan trọng hơn lại là người được rèn luyện, trưởng thành từ cơ sở. Đó sẽ là những tiền đề tốt để người dân Thái Nguyên vững tin vào một nhiệm kỳ mới với nhiều thành công mới.
Trò chuyện với ông, nghe ông trải lòng, chúng tôi hiểu vì sao ông hăng hái đóng góp nhiều ý kiến cho tỉnh - những ý kiến xác đáng và tâm huyết.