Cán bộ “bốn không” ở cơ sở

18:03, 07/11/2020

Tại buổi sinh hoạt chi bộ để lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đảng viên A. nêu ý kiến: Tôi rất đồng tình với nội dung dự thảo các văn kiện. Dự thảo văn kiện đã đánh giá toàn diện, sâu sắc, đầy đủ những thành tựu đã đạt được và cả những hạn chế, thiếu sót cần được khắc phục, sửa chữa trong nhiệm kỳ tới. Về nguyên nhân của những hạn chế nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị, chúng tôi rất tâm đắc với nguyên nhân thứ 3 và đề nghị bổ sung thêm nội dung: ở khá nhiều nơi người dân thường phàn nàn về đội ngũ cán bộ “bốn không” ở cơ sở. Cho nên, trong dự thảo cũng cần có giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này.

- Có ý kiến phát biểu: Tôi đề nghị đồng chí phân tích rõ nội dung “bốn không” của cán bộ ở cơ sở và xem xét đội ngũ cán bộ này có phổ biến hay không mới đưa vào bản đóng góp ý kiến. Vì văn kiện của Đảng là một văn bản hết sức cô đọng, có tính khái quát cao, không thể nêu hết những vấn đề cụ thể…

Cán bộ “bốn không” là: không thực tế, không lắng nghe dân, không nghĩ và không làm, chỉ chờ trên bảo sao thì làm đúng như vậy – Đảng viên A. giải thích. Cán bộ không hiểu biết, nắm bắt đầy đủ thực tế các mặt của đời sống xã hội ở cơ sở không phải ít. Vì xa rời thực tiễn nên không hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, dẫn đến không lắng nghe dân. Vì không hiểu thực tiễn nên không nhận thức đầy đủ đâu là tiềm năng, thế mạnh; đâu là nguồn lực đã, đang và sẽ có ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình để huy động, phát huy cho sự phát triển, dẫn đến không nghĩ được và cũng không làm được. Vì không hiểu thực tiễn, không lắng nghe dân nên nghĩ không thông. Mà nghĩ không thông nên không dám làm, vì làm thì sợ sai, sợ thất bại mà ảnh hưởng đến uy tín...

Rõ ràng, ở cấp nào, địa phương nào nếu cán bộ, nhất là người đứng đầu không thực tế, không lắng nghe dân thì hoạt động sẽ kém hiệu quả, thậm chí vi phạm, hại tổ chức. Có kiến thức thực tiễn mới triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời phát huy tính sáng tạo, chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ và làm tốt vai trò nêu gương trước quần chúng… Lắng nghe dân mới phát huy được sức mạnh trong dân từ đó tự tin vào những suy nghĩ, tư duy của mình để tổ chức thực hiện…

Nghe đảng viên A. phân tích, ai cũng hiểu và dường như đều thấy bóng dáng của mình trong đó. Đồng chí chủ trì hội nghị bày tỏ sự đồng tình và đề nghị bổ sung vào bản góp ý dự thảo để gửi lên cấp trên.